Sau hợp nhất, với tiềm năng và thế mạnh hiện có, ngành dừa của tỉnh sớm trở thành một ngành hàng chiến lược, mang tầm vóc quốc tế là khát vọng bao lâu nay của người trồng dừa, cộng đồng doanh nghiệp (DN) ngành dừa và của cả người dân xứ dừa.
Vườn dừa hữu cơ tại xã Hưng Nhượng. |
Mở rộng vùng nguyên liệu
“DN rất vui mừng trước chủ trương đồng hành, hỗ trợ DN mà đặc biệt là việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Điều này giúp mở rộng không gian phát triển bền vững cho ngành dừa nói chung và DN đầu chuỗi về liên kết sản xuất- chế biến và tiêu thụ”, ông Cù Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, KCN An Hiệp, xã Phú Túc, một trong những DN dẫn đầu ngành dừa của tỉnh phấn khởi cho biết.
Được biết, đơn vị này thuộc top 200 DN tiêu biểu của Việt Nam năm 2022 với nhiều sản phẩm đạt giải thưởng Thương hiệu quốc gia. Hiện DN đã xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ trên 5 ngàn hecta, tập trung ở địa bàn tỉnh Bến Tre (cũ).
Chủ tịch Hiệp hội DN Bến Tre Trần Văn Đức cho hay: “Hiện nay, các DN chế biến và kinh doanh đã mang sản phẩm dừa “Made in Việt Nam” xuất khẩu hơn 70 quốc gia trên toàn thế giới. Trong đó, nước dừa Việt Nam đã và đang chinh phục được nhiều thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Trong khi đó, với sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến dừa và thị trường xuất khẩu mở rộng, sản lượng cung ứng dừa nguyên liệu ở Bến Tre (cũ), nơi được mệnh danh là “thủ phủ dừa” cả nước đã và đang là vấn đề quan tâm của các nhà máy. Hướng tới, các DN ngành dừa sẽ mở rộng vùng nguyên liệu hữu cơ, xây dựng các liên kết chuỗi ra phạm vi toàn tỉnh”.
Theo thống kê từ ngành nông nghiệp và môi trường, toàn tỉnh hiện có gần 120 ngàn hecta trồng dừa, chiếm hơn một nửa tổng diện tích dừa cả nước. Trong đó, riêng diện tích dừa trồng theo hướng hữu cơ đã đạt khoảng 26 ngàn hecta và vẫn đang tiếp tục mở rộng.
Đây là con số thể hiện rõ quyết tâm mạnh mẽ của tỉnh trong việc chuyển đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, từ sản xuất manh mún sang phát triển theo chuỗi giá trị bền vững. Việc canh tác theo hướng hữu cơ không chỉ giúp giảm thiểu chi phí đầu vào, giảm phát thải khí nhà kính mà còn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường cao cấp như Mỹ, EU và Nhật Bản.
“Nhờ vào sự đầu tư bài bản, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và thay đổi tư duy sản xuất, chất lượng trái dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa của tỉnh đã được nâng lên rõ rệt. Sản phẩm không chỉ được nâng tầm về giá trị thương phẩm mà còn mở ra cơ hội lớn để xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Lâm Văn Tân nhận định.
Từ định hướng phát triển bền vững, toàn tỉnh đã được cấp 171 mã số vùng trồng dừa xuất khẩu với tổng diện tích hơn 11,5 ngàn hecta. Đây là yêu cầu quan trọng mang tính quyết định cho trái dừa Vĩnh Long mới có thể vươn xa, đảm bảo truy xuất nguồn gốc rõ ràng và đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm ngày càng khắt khe của quốc tế.
Nỗ lực xanh hóa ngành dừa
Một trong những điểm sáng về nỗ lực xanh hóa ngành dừa chính là việc nhiều DN tiên phong, tiêu biểu như Công ty CP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), đã chủ động đầu tư mạnh mẽ vào chuỗi giá trị sản xuất dừa theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Trong năm 2024, Betrimex đã đánh dấu quan trọng trong hành trình hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững theo chuẩn quốc tế ESG (viết tắt bằng tiếng anh của Môi trường- Xã hội- Quản trị DN). Đây là một khung đánh giá quan trọng được sử dụng để đo lường tính bền vững và tác động đạo đức của một DN hay tổ chức.
Đặc biệt trong lĩnh vực môi trường, Betrimex đã triển khai đồng loạt các hoạt động kiểm kê phát thải khí nhà kính trên toàn chuỗi giá trị. Kết quả cho thấy tổng phát thải gián tiếp và trực tiếp của hệ thống là hơn 33 ngàn tấn CO₂ tương đương. Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn là DN đã sử dụng năng lượng mặt trời để giảm phát thải tới gần 1,5 ngàn tấn CO₂ mỗi năm, đồng thời kiểm soát tốt các hoạt động tái chế, tái sử dụng nước và rác thải sinh hoạt tại nhà máy với hiệu suất cao.
Bên cạnh đó, Betrimex cũng đang sở hữu hơn 10,5 ngàn hecta dừa hữu cơ, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng diện tích dừa hữu cơ toàn tỉnh và duy trì ổn định vùng nguyên liệu đạt chuẩn quốc tế.
Hướng đi này không chỉ giúp DN giữ vững thị phần xuất khẩu tại các thị trường khó tính mà còn thúc đẩy sự phát triển đồng đều từ nông dân đến nhà máy, hình thành hệ sinh thái nông nghiệp bền vững. Mỗi hecta dừa hữu cơ còn góp phần giảm trung bình 210kg CO₂ mỗi năm so với phương pháp canh tác thông thường, mang lại giá trị không chỉ về kinh tế mà còn về môi trường và sinh kế nông thôn.
Sản xuất sản phẩm từ dừa tại Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới. |
Việc tỉnh chủ động định hướng lại ngành hàng dừa theo hướng hữu cơ, tuần hoàn và bền vững là bước đi chiến lược nhằm nâng tầm vị thế nông sản Việt Nam trên bản đồ quốc tế.
Theo đó, tỉnh Vĩnh Long định hướng những trụ cột quan trọng bao gồm: phát triển vùng sản xuất tập trung gắn với cấp mã số vùng trồng; ứng dụng công nghệ cao trong chế biến sâu; phát triển thị trường xuất khẩu có chọn lọc; chuyển đổi sang mô hình sản xuất tuần hoàn, giảm thiểu chất thải và phát thải khí nhà kính.
Với tiềm năng vùng nguyên liệu dừa rộng lớn, tập trung phát triển hữu cơ, hệ thống DN năng động và chính sách đồng bộ, tỉnh hội đủ các điều kiện, cơ hội để kiến tạo nên một biểu tượng mới cho ngành dừa.
Bài, ảnh: CẨM TRÚC
Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/cong-nghiep/202507/xanh-hoa-nganh-duade-phat-trien-ben-vung-58f06b8/
Bình luận (0)