Cánh đồng thôn Ngọc Đỉnh đầy cỏ năn, cỏ lác và cây dại vào thời điểm cuối năm 2024.
Cuối năm 2024, Báo Thanh Hóa có loạt bài viết về vấn đề bỏ ruộng hoang ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh. Trong đó, xã Hoằng Hà được dành dung lượng lớn để phản ánh tình trạng hoang hóa ruộng đồng với diện tích lớn trên địa bàn tỉnh, đồng thời phân tích những nguyên nhân, gợi mở hướng giải quyết. Khảo sát thời điểm cuối năm 2024, phóng viên ghi nhận nhiều khu đồng như: Đồng Bẽn thuộc các thôn Hà Thái và Đạt Tài 2; Cổ Cuồng thuộc thôn Đạt Tài 2 đa phần đã bị bỏ hoang nhiều năm. Đặc biệt, tại các cánh đồng của thôn Ngọc Đỉnh rộng khoảng 80 mẫu đất, tương đương khoảng 40ha đã phủ kín một màu cỏ dại. Qua tìm hiểu, cánh đồng từng được coi là màu mỡ bậc nhất trong vùng ấy đã gần 10 năm không được cày cấy khiến cỏ năn, cỏ lác và nhiều cây dại mọc cao ngang bụng người lớn.
Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Hà Nguyễn Viết Thiêm, cho biết: "Trước đây, tình trạng người dân bỏ ruộng hoang ở địa phương diễn ra đã nhiều năm, gây lãng phí đất đai. Một số khu đồng hoang chủ yếu giáp làng, ven các nghĩa địa nên chuột phá hoại nhiều. Nguyên nhân khác là giao thông nội đồng khó khăn, sản xuất nông nghiệp mang lại giá trị không cao. Trong khi đó, người dân địa phương có nghề phụ là đi bán bắp rang bơ, dịch vụ cân điện tử và bán đồ chơi trẻ em ở các tỉnh, thành lớn nên thiếu lao động... Dân số toàn xã 4.300 người, nhưng nhiều thời điểm chỉ còn chưa đầy 1.000 người ở quê, phần lớn là người già và trẻ em".
Thông tin từ UBND xã Hoằng Hà, toàn xã có 190ha đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, trong đó chủ yếu là đất lúa. Xã có 4 thôn, nhưng riêng thôn Ngọc Đỉnh là tôn giáo toàn tòng, có nghề phụ, nên nhiều gia đình không còn mặn mà với ruộng đồng. Đây cũng là thôn lớn nhất với gần 500 hộ dân, có ruộng ở 2 cánh đồng lớn gồm sát khu vực cầu Cách và phía sau nhà thờ Giáo xứ Ngọc Đỉnh và đều bị bỏ hoang nhiều năm.
Sau khi có phản ánh của Báo Thanh Hóa và chỉ đạo của cấp trên, năm 2024, Đảng ủy xã Hoằng Hà đã ban hành riêng một nghị quyết, đề ra các giải pháp, trong đó xã tổ chức hỗ trợ cải tạo, kêu gọi và hỗ trợ người dân dồn đổi thành những khoảnh ruộng lớn, đầu tư canh tác trở lại.
Chủ tịch UBND xã Hoằng Hà Nguyễn Văn Khang chia sẻ: “Thực hiện nghị quyết, xã xác định cuối năm 2024 và đầu năm 2025 phải tổ chức cày ải, phấn đấu từ 70 đến 80% diện tích đất lúa được gieo cấy. Khẩu hiệu “cày rang phơi ải” được xã đưa ra, đồng thời triển khai đến từng thôn và tăng cường vận động, nên nhiều hộ gia đình đã ủng hộ. Những hộ thiếu lao động hay không mặn mà sản xuất mà trước kia vẫn không chịu nhường hay cho thuê lại ruộng, thì nay đã đồng ý cho những hộ khác dồn đổi thành vùng lớn để đưa máy móc vào canh tác”.
Cánh đồng lúa xanh mướt ở thôn Ngọc Đỉnh trong vụ chiêm xuân 2025 sau cải tạo đất hoang hóa.
Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và đồng thuận của người dân, dịp trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ vừa qua, một phong trào cải tạo đất hoang đã diễn ra tại Hoằng Hà. Nhiều thửa ruộng manh mún được dồn đổi thành khoảnh ruộng lớn cho những hộ có nhu cầu thuê lại thành vùng lớn. Máy cày, máy làm đất rầm rập vào cuộc, những bờ vùng bờ thửa được tái thành hình, be rộng thêm. Đến vụ chiêm xuân 2025 này, 80% diện tích đất bỏ hoang của xã đã nhanh chóng được cải tạo. Màu xanh của cây lúa cứ thế trải rộng, thay thế những thảm cỏ dại và lau sậy trải dài.
Trở lại cánh đồng Ngọc Đỉnh, những cây năn, cây lác, rau muống dại, lục bình cơ bản không còn. Ở các khu ruộng hoang cách đây ít tháng, những thân lúa đã trổ đồng, tạo nên một màu xanh trù phú. Ông Lưu Văn Huyền, người dân thôn Ngọc Đỉnh chia sẻ: “Gia đình tôi có 2 sào lúa ở cánh đồng làng, nhưng gần chục năm trước đều bỏ hoang. Cả thôn với gần 500 hộ cũng đều có diện tích bỏ hoang. Tuy nhiên, đợt chuẩn bị vào vụ lúa chiêm xuân này, chính quyền địa phương đã vận động, đa phần các hộ thuê máy cải tạo cả cánh đồng hoang, canh tác trở lại”.
Thành công trong cải tạo hàng chục ha ruộng hoang chỉ trong vài tháng ở xã Hoằng Hà đã gợi mở giải pháp và hướng giải quyết xóa bỏ ruộng hoang gây lãng phí tài nguyên đất ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Bởi trên thực tế, nhiều địa phương vẫn chưa có giải pháp khắc phục tình trạng này và trở thành “điểm nghẽn” trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Nếu có sự quyết tâm, vào cuộc của cả chính quyền lẫn người dân, hoàn toàn có thể biến những cánh đồng cỏ dại thành khu sản xuất trù phú.
Bài và ảnh: Lê Đồng
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/xanh-lai-dong-hoang-248793.htm
Bình luận (0)