Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng ta vẫn luôn quan tâm phát triển giáo dục, bồi dưỡng tri thức cho lực lượng cách mạng. Vì vậy, vừa tập trung chi viện cho miền Nam, vừa cùng quân và dân miền Bắc chống lại sự tàn phá của máy bay Mỹ, ngành giáo dục vẫn làm tốt nhiệm vụ bồi dưỡng dân trí, chấn hưng dân khí, tham gia vào phong trào thi đua “Kháng chiến kiến quốc”, đẩy lùi “giặc dốt”, phát triển đội ngũ trí thức cho công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước.
Dù điều kiện còn khó khăn, các lớp học vẫn được tổ chức ở khắp nơi như sân đình, sân kho, hợp tác xã, nhà dân… Tinh thần hiếu học lan tỏa trong mọi người dân ở mọi lứa tuổi từ người già đến thanh thiếu niên, nhi đồng.
Cũng trong những năm tháng kháng chiến, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, nhiều thầy, cô giáo của Vĩnh Phúc đã xếp bút nghiên, rời xa mái trường, xa bục giảng, hăng hái lên tuyến đầu chi viện cho miền Nam, đóng góp máu xương vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhiều thầy, cô đã nằm lại nơi chiến trường ác liệt; nhiều người may mắn trở về sau cuộc kháng chiến lại tiếp tục cống hiến tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục.
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, hòa bình lập lại, non sông thống nhất một nhà, bước vào công cuộc đổi mới và kiến thiết đất nước, ngành GDĐT đã từng bước có sự chuyển mình mạnh mẽ, phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, nỗ lực xây dựng và quy hoạch lại mạng lưới giáo dục toàn tỉnh, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, thực hiện các nhóm giải pháp trọng tâm nhằm đổi mới tư duy trong hoạt động dạy và học, phát huy tinh thần hiếu học trong toàn dân.
Đặc biệt, ngay sau khi tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho phát triển sự nghiệp “trồng người”, đề cao vai trò, vị thế và khẳng định GDĐT là quốc sách hàng đầu, là khâu đột phá, là nhân tố quyết định cho sự phát triển.
50 năm đi lên cùng đất nước, ngành GDĐT tỉnh đã gặt hái nhiều thành tựu, khẳng định vị thế tốp đầu toàn quốc. Mạng lưới, quy mô trường lớp phát triển rộng khắp và ngày càng được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại.
Đến nay, toàn tỉnh có 540 trường học và cơ sở giáo dục với hơn 10.700 lớp, hơn 387.500 học sinh; 30 cơ sở giáo dục thường xuyên, nghề nghiệp và 121 Trung tâm học tập cộng đồng cùng hệ thống các trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống… đã được cấp phép hoạt động.
80,5% trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó, có 175 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 217 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, vượt chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Số lượng và chất lượng đội ngũ không ngừng được nâng lên; tỷ lệ cán bộ quản lý và giáo viên có trình độ đạt chuẩn trở lên là 97,9%; trên chuẩn là 35,9%.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngành GDĐT tỉnh đã thực hiện hiệu quả 3 nhiệm vụ đột phá, phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài trong các cơ sở giáo dục. Ngành đã tuyển dụng được 13 giáo viên theo chính sách thu hút nhân tài tại Nghị định số 140 của Chính phủ; tham mưu tỉnh ban hành các chính sách tạo bước đột phá về đào tạo, ưu tiên tuyển dụng; xây dựng hệ thống trường chất lượng cao, phát triển Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế.
Toàn ngành tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản trị, quản lý, xây dựng bài giảng điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, triển khai thu học phí không dùng tiền mặt, tuyển sinh đầu cấp theo hình thức trực tuyến…
Đồng thời, triển khai hiệu quả đề án dạy ngoại ngữ giai đoạn 2021 - 2025; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục.100% cơ sở mầm non thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ.
Đối với giáo dục phổ thông, năm thứ 4 liên tiếp Vĩnh Phúc đứng trong tốp 5 cả nước về kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT; đặc biệt, 2 năm gần đây, học sinh của tỉnh dẫn đầu cả nước về điểm trung bình các môn thi.
Chất lượng giáo dục mũi nhọn được củng cố, từ năm 2021 - 2024, học sinh Vĩnh Phúc đạt 398 giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia các môn văn hóa; 6 giải quốc tế và khu vực.
Năm học 2024 - 2025, Vĩnh Phúc có 87 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, đứng thứ 2 cả nước về tỷ lệ đạt giải và có 13 học sinh được chọn vào vòng 2 tham dự kỳ thi chọn các đội tuyển quốc gia dự thi khu vực và Olympic quốc tế năm 2025. Các hoạt động văn hóa - thể thao, sân chơi trí tuệ, hoạt động giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp đạt kết quả nổi bật.
Bước vào thời kỳ CNH - HĐH và hội nhập quốc tế, với trọng trách “Nâng cao dân trí - chấn hưng dân khí - bồi dưỡng nhân tài” được Đảng và Nhà nước giao phó, ngành GDĐT tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển nền giáo dục toàn diện, hiện đại, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, văn minh, thân thiện, tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế; phấn đấu duy trì chất lượng giáo dục trong tốp đầu cả nước.
Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học với các quốc gia có nền giáo dục chất lượng trên thế giới. Thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển khoa học, công nghệ trong giảng dạy và quản lý giáo dục.
Chú trọng tham mưu các chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thời kỳ CNH - HĐH và hội nhập quốc tế, đặc biệt là tăng cường đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao và một số ngành nghề khác, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và xu thế của xã hội trong thời kỳ mới.
Quỳnh Hương
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/Id/127380/Xay-dung-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao
Bình luận (0)