Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) liên kết trong sản xuất, tiêu thụ dừa với nông dân và hợp tác xã, diện tích liên kết khoảng 10 ngàn héc-ta.
Phát triển vùng sản xuất
Từ khi ban hành, Nghị quyết số 07-NQ/TU được triển khai sâu rộng, đồng bộ đến toàn hệ thống chính trị và người dân. Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương đã xây dựng lộ trình cụ thể, giao chỉ tiêu và trách nhiệm rõ ràng cho từng cấp, từng ngành. Sự đồng thuận của người dân, đặc biệt là đội ngũ nông dân đã trở thành động lực quan trọng, giúp nghị quyết đi vào thực tiễn nhanh chóng và hiệu quả.
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) Huỳnh Quang Đức, một trong những điểm sáng nổi bật là việc hình thành và phát triển các vùng sản xuất tập trung theo định hướng sản phẩm chủ lực. Đến nay, diện tích dừa hữu cơ đã đạt 25.000ha, vượt 25% so với mục tiêu đề ra. Các nhóm sản phẩm khác như: cây ăn trái đặc sản, cây giống - hoa kiểng, và nuôi tôm công nghệ cao đều đạt 100% kế hoạch. Trong đó, diện tích nuôi tôm công nghệ cao đã tăng mạnh tại các huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú, đưa tổng diện tích lên gần 4.000ha, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu và phát triển kinh tế biển.
Cùng với sự mở rộng về diện tích, giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích tăng lên rõ rệt. Trong trồng trọt, thu nhập đạt trung bình 180 triệu đồng/ha/năm. Trong khi ở lĩnh vực thủy sản, con số này là 509 triệu đồng/ha. Riêng nuôi tôm nước lợ thâm canh đạt tới 1,3 tỷ đồng/ha.
Tỉnh còn tập trung vào xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị cho các sản phẩm chủ lực, giúp nông dân ổn định đầu ra, tăng giá trị gia tăng. Các chuỗi giá trị đều đạt 100% so với nghị quyết như: tôm đạt 1 tỷ USD và bò đạt 500 triệu USD. Chuỗi giá trị dừa, sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh, đã đạt giá trị 838 triệu USD, tương đương 83% so với nghị quyết. Chuỗi cây giống và hoa kiểng đạt 400 triệu USD, đạt 80% nghị quyết.
Nâng cao chuỗi giá trị
Thời gian qua, tỉnh đã tập trung xuyên suốt vào hoạt động xây dựng, phát triển của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Trong giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh thành lập mới 49 HTX, nâng tổng số lên 170 HTX. Trong đó, có 85 HTX đã tham gia chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.
Theo Phó giám đốc Sở NN&MT Huỳnh Quang Đức, để hoàn thiện và nâng cao chất lượng các chuỗi, tỉnh đã hỗ trợ kết nối hợp tác giữa HTX, tổ hợp tác với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ, nhằm liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thị trường. Trong đó, liên kết có chiều sâu và rộng nhất là trong chuỗi dừa. Qua đó, góp phần tăng giá trị sản xuất đối với các ngành hàng. Cụ thể, giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến dừa (giá so sánh 2010) giai đoạn 2021 - 2025 ước tăng bình quân 2,05%/năm, kim ngạch xuất khẩu dừa giai đoạn 2021 - 2025 ước tăng bình quân 8,75%/năm, chiếm 29,73% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Giá trị sản xuất ngành sản xuất, chế biến thủy sản (giá so sánh năm 2010) giai đoạn 2021 - 2025 ước giảm bình quân 1,99%/năm, kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản giai đoạn 2021 - 2025 ước tăng bình quân 14,39%/năm.
Một trong những đột phá của ngành nông nghiệp trong thời gian qua là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ. Hiện tỉnh có hơn 27.400ha sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ hoặc tương đương, góp phần cải thiện chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đặc biệt, các sản phẩm chủ lực như: dừa, bưởi da xanh, sầu riêng đã được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý. Nhiều sản phẩm đã và đang được đăng ký bảo hộ thương hiệu tại các thị trường quốc tế như Canada và Trung Quốc. Bên cạnh đó, hệ thống hơn 350 mã số vùng trồng xuất khẩu và 34 mã số cơ sở đóng gói cho phép doanh nghiệp tiếp cận các thị trường khó tính như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, tạo tiền đề vững chắc cho nông sản tỉnh vươn xa.
Nguồn lực đầu tư từ ngân sách và các kênh xã hội hóa cũng được huy động tích cực. Tỉnh đã bố trí hơn 3.400 tỷ đồng cho hàng chục công trình hạ tầng nông nghiệp, hệ thống thủy lợi, trạm bơm, hồ chứa nước và các dự án cấp nước sinh hoạt phục vụ vùng bị xâm nhập mặn. Hệ thống logistics đang dần được hình thành với quy hoạch khu đô thị nông nghiệp thông minh - công nghiệp sạch và dịch vụ tổng hợp quy mô 5.300ha tại TP. Bến Tre và huyện Châu Thành.
Kết quả sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết số 07-NQ/TU đã giúp nâng tầm sản phẩm nông nghiệp tỉnh. Đồng thời, khẳng định vai trò kinh tế trụ cột của nông nghiệp trong chiến lược phát triển kinh tế địa phương giai đoạn tới.
Tính đến tháng 3-2025, toàn tỉnh có hơn 60 đơn đăng ký nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể; trong đó, có 57 văn bằng bảo hộ, 9 chỉ dẫn địa lý “Bến Tre”, 13 nhãn hiệu chứng nhận, 35 nhãn hiệu tập thể; 2 nhãn hiệu chứng nhận mang chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” dùng cho sản phẩm bưởi da xanh và dừa xiêm xanh được bảo hộ tại Canada. Tỉnh đang xây dựng 4 chỉ dẫn địa lý (bò, gà, sản phẩm dừa, tôm) và sầu riêng đang đăng ký bảo hộ xác lập quyền tại Trung quốc. |
Bài, ảnh: Cẩm Trúc
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/xay-dung-vung-san-xuat-tap-trung-phat-trien-chuoi-gia-tri-26052025-a147204.html
Bình luận (0)