Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ý chí Việt Nam từ Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đến vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

TCCS - Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam, là minh chứng cho sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và sự ủng hộ của quốc tế. Thắng lợi này đã củng cố thành quả của kỷ nguyên độc lập, tự do và bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam do Đảng lãnh đạo; tiếp tục khẳng định hệ giá trị cho nhân loại về tính chính nghĩa của hòa bình, hữu nghị, hợp tác và vươn mình phát triển.

Tạp chí Cộng SảnTạp chí Cộng Sản28/04/2025


Miền Bắc vì miền Nam ruột thịt

Trong suốt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đã chi hàng trăm tỷ USD, huy động nguồn nhân lực, vật lực lớn để nghiên cứu chiến lược chiến tranh, chế tạo, sản xuất các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh. Đế quốc Mỹ đã đưa vào miền Nam Việt Nam đội quân viễn chinh hơn 60 vạn lính Mỹ và quân của 5 nước đồng minh, trang bị cho hơn một triệu quân ngụy những vũ khí kỹ thuật quân sự tối tân. Riêng về quân đội Mỹ, lúc cao nhất huy động tới 68% bộ binh, 60% lính thủy đánh bộ, 32% lực lượng không quân chiến thuật, 50% lực lượng không quân chiến lược, trên 60% lực lượng tàu hải quân, trong đó có 5 tàu sân bay; ném xuống nước ta 7 triệu 850 ngàn tấn bom và tiêu tốn 352 tỷ USD(1)

Đảng ta xác định đây là cuộc chiến đấu vô cùng khó khăn, gian khổ, sẽ có nhiều mất mát hy sinh, bởi địch mạnh về cả thế và lực, sử dụng nhiều chiến lược chiến tranh hiện đại, quy mô ngày càng lớn. Dù vậy, với ý chí quyết chiến quyết thắng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, quân và dân ta ở cả hai miền Nam - Bắc đã chiến đấu mưu trí, dũng cảm, ngoan cường, bền bỉ, từng bước phá sản các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ. 

Một buổi thao diễn kỹ thuật của công nhân nhà máy cơ khí Duyên Hải, Hải Phòng - lá cờ đầu của ngành công nghiệp toàn miền Bắc đầu những năm 1960_Ảnh: TTXVN

Trải qua hơn 20 năm (1954 - 1975), miền Bắc tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhưng phải hai lần hứng chịu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ. Chiến tranh đã phá hủy những thành quả mà nhân dân ta đã xây dựng. Các khu công nghiệp, tuyến đường sắt, cầu, bến cảng, đường biển, đường sông, bệnh viện, trường học, kho tàng… đều bị đánh phá, nhiều nơi bị hủy diệt; nhiều bệnh viện bị san phẳng, hàng nghìn công trình thủy lợi, các nông trường và hàng nghìn héc-ta ruộng vườn, trâu, bò bị tổn thất nặng nề…

Với ý chí, tài năng và lòng dũng cảm, quân và dân miền Bắc đã đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, điển hình là chiến thắng 12 ngày đêm trận “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội (từ ngày 18 - 30-12-1972). Quân dân miền Bắc đã kiên cường đáp trả cuộc tập kích, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B-52, 5 chiếc F-111, bắt sống 43 “giặc lái”(2)

Miền Bắc vừa tiến hành hàn gắn vết thương chiến tranh vừa ra sức khôi phục kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, trở thành hậu phương lớn cung cấp sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng” hay các khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”… đã thể hiện tinh thần quyết tâm thực hiện “mở đường Nam tiến” của quân và dân miền Bắc. Nhân dân miền Bắc, đặc biệt là thanh niên đã viết đơn xin gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam chiến đấu vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Đường Trường Sơn trở thành con đường của ý chí quyết thắng, lòng dũng cảm, khí phách anh hùng và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong 2 năm 1973 - 1974, có 379.000 tấn vật chất được chuyển vào chiến trường, 25 vạn thanh niên miền Bắc được động viên vào lực lượng vũ trang, 15 vạn quân đã vào các chiến trường và hàng nghìn cán bộ kỹ thuật được đưa vào vùng giải phóng miền Nam để xây dựng hậu phương tại chỗ; chỉ trong những tháng đầu năm 1975, có 110.000 cán bộ, chiến sĩ cùng 230.000 tấn vật chất được nhanh chóng chuyển vào miền Nam để phục vụ chiến dịch mùa Xuân năm 1975(3)

Hai mươi mốt năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, miền Bắc đã trở thành chỗ dựa vững chắc về vật chất và tinh thần cho cách mạng miền Nam. Nhờ có sự chi viện mạnh mẽ của miền Bắc, thế và lực của cách mạng miền Nam ngày càng mạnh, áp đảo quân địch. Đảng ta khẳng định: “miền Bắc đã dốc vào chiến tranh cứu nước và giữ nước toàn bộ sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa, và đã làm tròn một cách xuất sắc nghĩa vụ căn cứ địa cách mạng của cả nước, xứng đáng là pháo đài vô địch của chủ nghĩa xã hội”(4).

Lực lượng xe tăng Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) được nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn Nguyễn Trung Kiên (Cao Thị Nhíp) dẫn đường, đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30-4-1975_Ảnh: TTXVN

Miền Nam giữ vững chí khí “Thành đồng Tổ quốc”

Quân và dân miền Nam đã nêu cao tấm gương kiên cường, kiên quyết “đánh đổ đế quốc Mỹ và bọn tay sai, giải phóng miền Nam khỏi ách thực dân và độc tài, giành độc lập dân tộc, tự do, dân chủ, hòa bình, trung lập và cải thiện đời sống. Chừng nào những nguyện vọng thiêng liêng ấy chưa đạt được thì nhân dân miền Nam chưa buông tay súng và cuộc kháng chiến vẫn tiếp tục”(5). Đế quốc Mỹ đã thực hiện các chiến lược: “chiến tranh đơn phương”, “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”. Thiết lập ở miền Nam nước ta một chế độ độc tài, phát xít tàn bạo với chính sách “tố Cộng, diệt Cộng” và Luật 10/59. Chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm thẳng tay đàn áp, gây ra những vụ tàn sát dã man hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng và đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn; làm thất bại âm mưu của địch. 

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (năm 1968) đã giành được thắng lợi có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng, mở ra bước ngoặt quyết định cục diện chống đế quốc Mỹ và tay sai. Ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn thông báo quyết định ngừng ném bom miền Bắc, chấp nhận đàm phán với ta tại Paris; ngày 1-11-1968, đế quốc Mỹ tuyên bố xuống thang chiến tranh, rút dần quân chiến đấu Mỹ và quân đồng minh ra khỏi miền Nam. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 1968, quân địch bị thiệt hại nặng nề về lực lượng cũng như vũ khí, phương tiện chiến tranh; nhưng thế và lực lượng của ta ở miền Nam cũng bị tổn thất nghiêm trọng, đã có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị hy sinh và bị thương, hàng vạn quần chúng cách mạng đã ngã xuống. Ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ bị lung lay, nhưng chúng vẫn chưa chịu từ bỏ âm mưu thống trị lâu dài bằng chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam. Đây là thời điểm khó khăn nhất của cách mạng miền Nam. 

Trước tình hình đó, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định chủ trương chỉ đạo chiến trường miền Nam: Xây dựng và động viên sức mạnh chính trị - tinh thần; kết hợp bạo lực cách mạng với hai lực lượng, lực lượng chính trị của quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân; tiến hành nổi dậy từng phần ở nông thôn phát triển thành chiến tranh cách mạng. Kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và ngoại giao, giữa nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy. Đánh địch trên cả ba vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn và đồng bằng. Đánh địch bằng ba mũi giáp công: quân sự, chính trị, binh vận, kết hợp chặt chẽ ba thứ quân, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ; kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; kết hợp đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ. Luôn giữ vững thế chủ động tiến công; biết tạo thời cơ và nắm bắt thời cơ đánh thắng địch từng bước, đẩy mạnh tổng công kích, tổng khởi nghĩa, thực hiện “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Quân và dân miền Nam với ý chí sắt đá, bất khuất, người trước ngã, người sau tiến lên, vượt qua mọi gian khổ, thử thách, hy sinh, giương cao ngọn cờ độc lập, đấu tranh để tự giải phóng. Tháng 6-1969, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam đã lập ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Chính phủ Cách mạng lâm thời là đại diện hợp pháp của nhân dân miền Nam, một thành viên tại Hội nghị Paris. Bên cạnh đó, trên mặt trận quân sự ta đã giành thêm những thắng lợi tại Đường 9 - Nam Lào, tổng tiến công và nổi dậy năm 1972 tại chiến trường Trị - Thiên, miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên..., cùng với chiến thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của địch, buộc chính quyền Mỹ phải ngồi vào bàn hội nghị đàm phán giữa các bên. Cuộc đấu tranh ngoại giao trên bàn Hội nghị Paris kéo dài gần 4 năm 9 tháng với hơn 200 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cao cấp, hơn 500 cuộc họp báo, hơn 1.000 cuộc phỏng vấn đã kết thúc vào ngày 27-1-1973 với việc ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Từ ngày 4-3-1975, Đảng ta đã quyết định mở cuộc Tổng tiến công chiến lược đã làm Mỹ, ngụy bàng hoàng, sửng sốt. Ta nổ súng tiến công một số mục tiêu trọng yếu ở Plâyku để nghi binh tạo thế cho Chiến dịch Tây Nguyên. Rạng sáng 10-3-1975, ta đánh Buôn Ma Thuột, mở cửa đột phá, khai màn cho cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1975 giành thắng lợi to lớn trên chiến trường Tây Nguyên. Ngày 18-3-1975, Bộ Chính trị họp, kịp thời bổ sung quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Cùng khoảng thời gian đó, ta bắt đầu tiến công giải phóng Trị Thiên - Huế, Đà Nẵng và 5 tỉnh ven biển miền Trung. Với thắng lợi như “chẻ tre” trên chiến trường Tây Nguyên và ven biển miền Trung, Bộ Chính trị kịp thời bổ sung chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam trước mùa mưa. Đến ngày 3-4-1975, ta đã quét sạch quân địch và giải phóng toàn bộ đồng bằng ven biển miền Trung. Ngày 25-3-1975, căn cứ vào đà tiến công dồn dập và thắng lớn của ta trên chiến trường, Bộ Chính trị tiếp tục bổ sung quyết tâm chiến lược: giải phóng miền Nam trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4-1975, trước mùa mưa, không thể chậm trễ. 

Ngày 9-4-1975, ta bắt đầu cuộc chiến đấu tạo thế ở Đông Bắc, Tây Nam Sài Gòn và đánh địch ở toàn miền Đông Nam Bộ với việc huy động lực lượng lớn nhất trong lịch sử kháng chiến chống đế quốc Mỹ, mở một chiến dịch tiến công quy mô nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam gồm 4 quân đoàn và đoàn 232 tương đương quân đoàn. Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị quyết định Chiến dịch giải phóng Sài Gòn mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, ngày 26-4-1975, ta bắt đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định, buộc Tổng thống ngụy Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vào 11giờ 30 phút ngày 30-4-1975, gây chấn động toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long, ba nước Đông Dương và thế giới. Trong hai ngày 30-4 và 1-5-1975, đồng bào và chiến sĩ các tỉnh Nam Bộ đã tiêu diệt, bắt sống và làm tan rã toàn bộ lực lượng quân địch và giải phóng hoàn toàn các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long. 

Đồng bào và chiến sĩ miền Nam đứng trên tuyến đầu của Tổ quốc, mở đầu cho cuộc kháng chiến kiên cường kéo dài suốt 21 năm, anh dũng chiến đấu, hoàn thành xuất sắc vai trò “Thành đồng Tổ quốc”, nêu cao tấm gương ngời sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà lịch sử đất nước ta, dân tộc ta đời đời ghi nhớ.

Sự ủng hộ của quốc tế cho cuộc chiến tranh vì chính nghĩa

Lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam đều khẳng định, chúng ta đánh thắng đế quốc Mỹ bởi cuộc chiến tranh của dân tộc ta mang tính chính nghĩa, chống lại cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa do thực dân, đế quốc gây nên, để giành và giữ vững độc lập dân tộc. Việt Nam đã trở thành tuyến đầu của phong trào giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân mới, bảo vệ hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới. Không chỉ nhằm thôn tính Việt Nam, thâm độc hơn, đế quốc Mỹ có mục đích thử nghiệm, rút kinh nghiệm để đối phó với cách mạng thế giới, răn đe, ngăn chặn phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tranh giành ảnh hưởng với các đế quốc khác trên các lục địa. Bởi vậy, đế quốc Mỹ không chỉ là kẻ thù nguy hiểm, trực tiếp của nhân dân ta mà còn là kẻ thù nguy hiểm của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới. 

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, cùng với việc phát huy sức mạnh dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ về vật chất và tinh thần của các nước và nhân loại tiến bộ, yêu chuộng hòa bình. Người khẳng định: “Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, nhân dân Việt Nam đang ra sức phấn đấu xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất nước nhà. Do nhân dân cả nước quyết tâm phấn đấu, với sự giúp đỡ hết lòng của Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em khác, được sự đồng tình và ủng hộ của nhân loại tiến bộ trên thế giới, chúng tôi tin chắc rằng công cuộc kiến thiết chủ nghĩa xã hội ở nước chúng tôi nhất định thắng lợi, sự nghiệp thống nhất Tổ quốc nhất định thành công”(6). Trong thời gian tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Việt Nam nhận viện trợ từ Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa hàng triệu tấn hàng, trong đó có vũ khí, đạn, vật tư quân báo, lương thực, thực phẩm, quân trang, quân y, xăng dầu, vật liệu xây dựng…

Cùng với đó, mặt trận quốc tế rộng lớn ủng hộ Việt Nam, chống đế quốc Mỹ được hình thành. Ở Anh, năm 1962, khoảng 70 thành viên của “Hội hữu nghị Việt - Anh” (BVC) đã biểu tình trước Đại sứ quán Mỹ ở Thủ đô London; tổ chức Hội đồng Anh vì hòa bình ở Việt Nam (BCPV) trong giai đoạn 1965 - 1968 đã nhận được 100.000 chữ ký và kêu gọi hơn 6.000 người dân Anh biểu tình phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, kêu gọi Chính phủ Anh hành động với vai trò hòa giải vì hòa bình(7)… Những năm từ 1969 - 1971, phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam đã lan rộng khắp nước Mỹ, bao gồm mọi tầng lớp xã hội, kể cả nghị sĩ Quốc hội, cựu binh tham chiến ở Việt Nam. Chỉ riêng ngày 4-5-1970, đã có tới 900 khu đại học trên toàn nước Mỹ xuất hiện những làn sóng biểu tình đổ về Thủ đô; ngày 9-5-1970, có khoảng 75.000 - 100.000 người biểu tình để tố cáo “sự leo thang” và “sự điên rồ” của chính quyền Ních-xơn(8). Nhiều đoàn đại biểu các nước, các đảng, các tổ chức tiến bộ từ châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ tiếp tục đến thăm và ủng hộ Việt Nam. Cho đến năm 1970, có 120 lượt mời thăm từ các nước trên thế giới đối với đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Từ năm 1965 - 1971, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đặt và nâng quan hệ ngoại giao lên 18 quốc gia; riêng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969 - 1971) có quan hệ ngoại giao với 26 nước(9)

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 kết thúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm, mở ra kỷ nguyên mới của Việt Nam: Kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới, phát triển. Đảng khẳng định: “Sức mạnh của chúng ta là sức mạnh của hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, gắn liền chặt chẽ với ba dòng thác cách mạng của thời đại. Vì vậy, cuộc kháng chiến của nhân dân ta đã nhận được sự giúp đỡ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và của cả loài người tiến bộ. Đó là một trong những nhân tố bảo đảm cho ta đánh thắng tên đế quốc đầu sỏ”(10)

Thành phố Hồ Chí Minh đổi thay mạnh mẽ với các công trình kiến trúc hiện đại, mang tầm thế kỷ bên sông Sài Gòn_Ảnh: nhandan.vn

Củng cố nền độc lập, hòa bình và vươn mình phát triển

Không “huyễn hoặc” hay “ngủ quên” với chiến thắng, Đảng đã lãnh đạo nhân dân tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần và khí thế hào hùng của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh; hàn gắn, hòa hợp và hòa giải dân tộc; tái thiết, kiến thiết, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đảng đã lãnh đạo thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; với đường lối “ngoại giao tâm công” dần tháo gỡ những hiềm khích, bao vây, cấm vận, “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”. Quan hệ Việt Nam và Mỹ đã có bước đột phá, từ “đối đầu thù địch” đến bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 11 và 12-7-1995), xác lập quan hệ đối tác toàn diện (25-7-2013) và đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững (10-9-2023), tạo điều kiện thuận lợi để hai bên tăng cường lòng tin và mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Nổi bật nhất là các cuộc gặp gỡ của lãnh đạo hai nước, như chuyến thăm Việt Nam của các tổng thống Hoa Kỳ: Tổng thống Bill Clinton (11-2000), Tổng thống George W. Bush (11-2006), Tổng thống Barack Obama (5-2016), Tổng thống Donald Trump (11-2017, 2-2019) và Tổng thống Joe Biden (9-2023); các chuyến thăm Mỹ của lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam: Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (7-2015), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (5-2017), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (5-2022), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (9-2024).

Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ ngày càng có những bước tiến mới. Chỉ tính trong giai đoạn 5 năm (2017 - 2021), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng 230%; năm 2022, thương mại song phương giữa 2 nước đạt hơn 123,9 tỷ USD (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021); năm 2023, kim ngạch thương mại Việt Nam - Mỹ giảm sút (do suy thoái kinh tế và xung đột vũ trang trên thế giới), nhưng vẫn duy trì trị giá trên 100 tỷ USD, đạt 110,8 tỷ USD; năm 2024, kim ngạch thương mại của Việt Nam - Mỹ đạt 134,6 tỷ USD. Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ.

Việt Nam thực hiện đường lối phát triển độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; kiên định về nguyên tắc, mục tiêu, linh hoạt, khôn khéo về sách lược; phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Nhờ đó, Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, là thành viên tích cực của gần 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Với 17 hiệp định thương mại (FTA) đã ký kết và 2 FTA đang tham gia đàm phán, Việt Nam đã và đang tham gia 19 FTA với trên 60 đối tác FTA phủ rộng khắp các châu lục với tổng sản phẩm (GDP) chiếm gần 90% GDP toàn cầu… 

Đến nay, tuy còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với thành tựu to lớn, đáng tự hào của gần 40 năm đổi mới đã tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thời đại. Việt Nam trở thành một mô hình phát triển được nhiều nước trên thế giới học hỏi và tham chiếu kinh nghiệm về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Lịch sử để lại những bài học có giá trị vững bền. Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát huy những bài học đó trong quá trình lãnh đạo cuộc chiến tranh cách mạng lâu dài ở nước ta, viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc. Bước vào kỷ nguyên mới, nhân dân ta nhất định có đủ tinh thần và nghị lực, sức mạnh và tài năng để khắc phục mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù, đưa Tổ quốc Việt Nam, dân tộc Việt Nam hòa chung vào trào lưu tiến hóa của thời đại mới, vươn tới những đỉnh cao mới, xứng đáng với tầm vóc của một dân tộc anh hùng”(11)

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là thắng lợi của ý chí kiên cường, của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tiếp tục mở ra cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín Việt Nam trên bản đồ thế giới. “Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình. Vững tin vào sức mạnh của Đảng và sự đoàn kết của toàn dân tộc, chúng ta khẳng định: Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta sẽ đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, xây dựng một tương lai huy hoàng, rạng rỡ cho dân tộc Việt Nam”(12)./.

---------------------------

(1) Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương: Kỷ niệm 20 năm ngày giải phóng miền Nam và 105 ngày sinh của Bác Hồ, Hà Nội, 1995, tr. 36
(2) Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975: Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 167
(3) Nguyễn Thị Hảo: Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975), Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2018, tr. 159
(4) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t. 37, tr. 490
(5) Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại 1961 - 1964, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1974, t. II, tr. 73
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 288
(7) Trần Ngọc Dũng: “Phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam ở Anh trong thập niên 60 của thế kỷ XX: Những giá trị lịch sử”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 18-3-2023, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/827160/phong-trao-phan-doi-chien-tranh-viet-nam-o-anh-trong-thap-nien-60-cua--the-ky-xx--nhung-gia-tri-lich-su.aspx 
(8) Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 - 1975 (Tập VI - Thắng Mỹ trên chiến trường ba nước Đông Dương), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tr. 232
(9) Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975 (Tập VI - Thắng Mỹ trên chiến trường ba nước Đông Dương), Sđd, tr. 236
(10) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 35, tr. 183
(11) Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945 - 1975: Thắng lợi và bài học, Sđd, tr. 70
(12) GS, TS Tô Lâm: “Rạng rỡ Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 2-2-2025, https://tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/rang-ro-viet-nam 

Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/quoc-phong-an-ninh-oi-ngoai1/-/2018/1079202/y-chi-viet-nam-tu-dai-thang-mua-xuan-nam-1975-den-vung-buoc-tien-vao--ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Góc nhìn đặc biệt từ tiêm kích Su30-MK2 nhào lộn thả bẫy nhiệt
Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TP.HCM trong tiếng reo hò của người dân, du khách
Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM
Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm