Nữ hiệu phó trường đại học có khối tài sản 6 tỷ USD
Tháng 5 năm nay, việc bổ nhiệm bà Phạm Đại Đễ làm hiệu phó trường Đại học Tây Bắc (Trung Quốc) thu hút sự quan tâm lớn tại xứ tỷ dân. Theo truyền thông Trung Quốc, bà Phạm Đại Đễ là người giàu nhất tỉnh Thiểm Tây.
Theo các nguồn thông tin chính thức mà tạp chí tài chính Forbes (Mỹ) thu thập được, bà Đại Đễ hiện là tỷ phú giàu thứ 913 trên thế giới với khối tài sản vào khoảng 4,3 tỷ USD.

Bà Phạm Đại Đễ - nữ hiệu phó trường đại học có khối tài sản 6 tỷ USD (Ảnh: The Richest).
Sinh ra tại một ngôi làng ở huyện Bồ Thành, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, bà Đại Đễ là con gái của một bác sĩ công tác ở vùng nông thôn. Bà từng học cử nhân và thạc sĩ chuyên ngành hóa học tại Trường Đại học Tây Bắc hồi thập niên 1980.
Năm 1994, bà nhận bằng tiến sĩ ngành kỹ thuật sinh hóa tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Đông. Trong giới học thuật, bà Đại Đễ vốn được biết tới là người phụ nữ Trung Quốc đầu tiên có học vị tiến sĩ ở lĩnh vực này.
Thay vì ở lại Thượng Hải hay ra nước ngoài học tập và làm việc, bà Đại Đễ khiến những người quen biết bà rất bất ngờ với quyết định quay về quê nhà, làm công tác giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Tây Bắc.
Năm 2000, bà Đại Đễ cùng chồng thành lập công ty công nghệ sinh học Giant Biogene. Cùng năm, bà phát minh và đăng ký bằng sáng chế cho công nghệ collagen tái tổ hợp, tạo nền tảng cho loạt sản phẩm mặt nạ dưỡng da cao cấp. Đây là dòng sản phẩm chủ lực rất được ưa chuộng của công ty Giant Biogene.
Ngoài ra, hai vợ chồng bà còn đầu tư mạnh vào một công ty sản xuất vật liệu hàng không. Theo truyền thông Trung Quốc, tổng giá trị tài sản của vợ chồng bà Đại Đễ tính đến ngày 12/5 thực tế đạt mức 45,7 tỷ tệ (khoảng 6 tỷ USD).
Mặc dù có đầu óc kinh doanh nhanh nhạy, sắc bén, nhưng bà Phạm Đại Đễ vẫn gắn bó với công tác nghiên cứu khoa học.
Trong suốt hai thập kỷ qua, bà vừa làm kinh doanh tại công ty riêng, vừa tham gia công tác giảng dạy tại Đại học Tây Bắc. Trước khi được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng của trường, bà là trưởng khoa kỹ thuật hóa học, kiêm giáo sư hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ.
Giáo sư Đại học Stanford có khối tài sản 15 tỷ USD
Ông David Ross Cheriton (74 tuổi) là một giảng viên, nhà khoa học máy tính kiêm doanh nhân người Canada. Ông hiện là giáo sư chuyên ngành khoa học máy tính tại Đại học Stanford (Mỹ).
Ông Cheriton có bằng cử nhân toán tại Đại học British Columbia (Canada), bằng thạc sĩ và tiến sĩ ngành khoa học máy tính tại Đại học Waterloo (Canada).

Ông David Ross Cheriton - giáo sư Đại học Stanford có khối tài sản 15 tỷ USD (Ảnh: The Richest).
Sau khi hoàn tất việc học, ông Cheriton làm giảng viên tại Đại học British Columbia trong vòng 3 năm, trước khi chuyển tới giảng dạy tại Đại học Stanford (Mỹ).
Là chuyên gia trong lĩnh vực điện toán và mạng máy tính, ông Cheriton nổi tiếng với khả năng nhận diện những cơ hội mới xuất hiện trên thị trường.
Trong sự nghiệp đầu tư, ông sớm đặt cược vào những công ty công nghệ giàu tiềm năng ngay từ giai đoạn sơ khai, chẳng hạn như Google. Ông Cheriton thuộc vào thế hệ những nhà đầu tư huyền thoại đầu tiên đặt niềm tin vào Google.
Trong quá trình giảng dạy tại Đại học Stanford, ông Cheriton đã gặp hai nghiên cứu sinh Sergey Brin và Larry Page - hai người đồng sáng lập ra Google. Ông Cheriton đã nhanh chóng quyết định đầu tư 100.000 USD cho dự án của Brin và Page, khi mọi ý tưởng còn ở giai đoạn sơ khai.
Khoản đầu tư vào Google về sau đã mang về cho ông Cheriton hơn 1 tỷ USD. Xuyên suốt hành trình của một nhà đầu tư mạo hiểm, ông Cheriton thể hiện tầm nhìn xa của một nhà khoa học, cũng đồng thời là một nhà đầu tư chiến lược.
Tính đến năm 2025, theo thống kê của tạp chí Forbes, tài sản của ông Cheriton đã lên tới 15,3 tỷ USD, ông là tỷ phú giàu thứ 162 trên thế giới.
Ông Cheriton đã dành ra hàng chục triệu USD để tài trợ cho hoạt động nghiên cứu và cấp học bổng tại các trường đại học mà ông từng gắn bó trong quá trình học tập và công tác.
Giảng viên tỷ phú USD kiêm ông chủ đội khúc côn cầu
Ông Henry Samueli (70 tuổi) là giảng viên, kỹ sư kiêm doanh nhân người Mỹ. Ông là người đồng sáng lập tập đoàn sản xuất vi mạch bán dẫn Broadcom, cũng đồng thời là chủ sở hữu đội khúc côn cầu Anaheim Ducks (Mỹ). Ông Samueli hiện giữ chức Chủ tịch tập đoàn Broadcom.
Bên cạnh sự nghiệp kinh doanh, ông Samueli còn là giáo sư tại khoa kỹ thuật điện và máy tính thuộc Đại học California, Los Angeles (Mỹ), giáo sư trợ giảng tại Đại học California, Irvine (Mỹ). Dù vậy, vì công việc bận rộn, ông Samueli không còn thường xuyên tham gia giảng dạy.

Ông Henry Samueli - giảng viên tỷ phú USD kiêm ông chủ đội khúc côn cầu (Ảnh: The Richest).
Trong sự nghiệp nghiên cứu và phát triển công nghệ, ông Samueli là chủ nhân của 75 bằng sáng chế được công nhận tại Mỹ.
Ông Henry Samueli hiện được tạp chí Forbes (Mỹ) xếp hạng là người giàu thứ 79 thế giới với tổng tài sản ước tính vào khoảng 25,8 tỷ USD.
Ông Samueli sinh ra trong một gia đình nhập cư gốc Ba Lan. Cuộc sống của gia đình ông từng rất khó khăn. Dù vậy, niềm đam mê dành cho những vi mạch điện tử đã được ông nhen nhóm từ những năm tháng trung học.
Ông từng theo học tại Đại học California, Los Angeles (Mỹ). Tại ngôi trường này, ông lần lượt nhận bằng cử nhân, bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ chuyên ngành kỹ thuật điện. Sau đó, ông ở lại trường giảng dạy.
Trong quá trình làm giảng viên, ông Samueli đã sáng lập ra tập đoàn Broadcom, một công ty chuyên thiết kế chip bán dẫn. Khi công ty phát triển mạnh, ông Samueli giảm bớt thời gian dành cho công tác giảng dạy, để tập trung cho sự nghiệp kinh doanh.
Dù vậy, tên ông vẫn được giữ lại trong danh sách giảng viên của trường, như một sự ghi nhận đối với tài năng và thành tựu của ông.
Từ khối tài sản gây dựng được tại tập đoàn Broadcom, ông Samueli bắt đầu mở rộng hoạt động kinh doanh. Ông mua lại đội khúc côn cầu Anaheim Ducks, rồi đầu tư sang lĩnh vực y tế và giáo dục.
Theo The Richest/Forbes
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/3-giang-vien-la-ty-phu-usd-thuoc-vao-top-1000-nguoi-giau-nhat-the-gioi-20250703091324784.htm
Bình luận (0)