Trong những năm qua, thành phố Huế đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển du lịch đêm, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa địa phương trở thành trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước.
Các mô hình du lịch đêm ngày càng được định hình rõ nét, tập trung tại các khu vực trọng điểm như: tuyến phố đi bộ Phạm Ngũ Lão – Võ Thị Sáu – Chu Văn An, phố đi bộ Hai Bà Trưng, không gian văn hóa nghệ thuật trục đường Lê Lợi, khu vực phụ cận Đại Nội, và các tuyến đi bộ hai bờ sông Hương. Những không gian này tích hợp hoạt động văn hóa – nghệ thuật, ẩm thực, vui chơi giải trí và mua sắm về đêm, qua đó đã thu hút lượng lớn du khách cũng như cộng đồng địa phương tham gia.
Trên nền tảng giá trị văn hóa đặc sắc, Huế đang xây dựng chiến lược phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo có thương hiệu riêng, như "Huế – Kinh đô ẩm thực", "Huế – Kinh đô áo dài Việt Nam", "Huế – Thành phố lễ hội". Song song đó, thành phố đẩy mạnh phát triển các dòng sản phẩm du lịch đặc trưng như du lịch sinh thái, chăm sóc sức khỏe, du lịch nông nghiệp, du lịch tâm linh, du lịch làng nghề, kết hợp với chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông minh trong quảng bá, quản lý và trải nghiệm du lịch.
Người dân và du khách tham quan tuyến phố đi bộ Hai Bà Trưng (TP. Huế).
Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm đã được triển khai có thể kể đến như các chương trình biểu diễn về đêm đa dạng, gắn kết giữa không gian di sản và đời sống đô thị. Các chương trình biểu diễn nhã nhạc cung đình Huế được duy trì định kỳ vào buổi tối tại Duyệt Thị Đường, Ca Huế trên sông Hương. Ngoài ra, trước đây tại phố đêm Hoàng Thành đã duy trì các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố vào các tối cuối tuần. Các lễ hội văn hóa về đêm trong khuôn khổ Festival Huế 2024 đã thu hút trên 2.000 lượt khách mỗi đêm diễn.
Bên cạnh đó, thành phố Huế đã bước đầu phát triển một số hoạt động thể thao và chăm sóc sức khỏe về đêm, góp phần hình thành thói quen sinh hoạt lành mạnh cho người dân và du khách. Các sự kiện như "Hue Jogging Night" thu hút trên 1.000 người tham gia, trong đó có khoảng 30% là khách du lịch. Các CLB yoga tổ chức luyện tập tại công viên Thương Bạc, khu vực cầu gỗ lim, phối hợp với âm nhạc tạo nên không gian sinh hoạt cộng đồng sinh động….
Các hoạt động mua sắm và giải trí đêm tại thành phố Huế chủ yếu tập trung tại các phố đi bộ (Nguyễn Đình Chiểu, Võ Thị Sáu – Chu Văn An – Phạm Ngũ Lão) và trung tâm thương mại như Vincom, AEON Mall. Phố đi bộ Hai Bà Trưng, Chợ đêm Trương Định hoạt động vào các tối cuối tuần với hơn 40 gian hàng ẩm thực, thủ công, thời trang…
Hoạt động tham quan du lịch về đêm tại Huế đã có bước phát triển tích cực, với nhiều sản phẩm độc đáo, gắn liền với di sản và trải nghiệm văn hóa bản địa. Chương trình "Đại Nội về đêm" được thí điểm kéo dài thời gian mở cửa đến 23h, trong vòng 4 tháng đã thu hút trên 20.000 lượt khách. Các tour "Huế về đêm" kết hợp xe điện, xe buýt 2 tầng, dạo bộ và thưởng thức Ca Huế hoặc ẩm thực truyền thống được triển khai bởi nhiều đơn vị lữ hành đạt công suất bình quân 70% mỗi tối. Ngoài ra, tuyến du thuyền đêm trên sông Hương kết hợp nhạc truyền thống và dịch vụ ăn tối đã được tổ chức định kỳ, góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch về đêm…
Các hoạt động giới thiệu văn hóa ẩm thực và dịch vụ ăn uống về đêm tại Huế có nhiều thuận lợi khi Huế là địa phương phong phú về món ăn đặc sản và không gian phục vụ truyền thống. Tuyến ẩm thực đêm tại các đường Võ Thị Sáu – Phạm Ngũ Lão – Trương Định hoạt động ổn định vào các buổi tối cuối tuần, với trên 100 cơ sở phục vụ đến sau 23h, trong đó khoảng 60% nhận được đánh giá tích cực trên nền tảng du lịch quốc tế. Các chương trình Ngày hội "Huế - Kinh đô ẩm thực", Lễ hội ẩm thực chay được tổ chức định kỳ mỗi năm thu hút trung bình 3.000–5.000 lượt khách/sự kiện. Các tour street food bằng xích lô được khai thác hằng ngày, tạo trải nghiệm đặc trưng cho du khách…
Theo Sở Du lịch thành phố Huế, việc triển khai Đề án một số mô hình phát triển du lịch đêm tại địa phương thời gian qua đạt được một số kết quả nổi bật như: Doanh thu từ các sản phẩm, dịch vụ hoạt động vào ban đêm chiếm khoảng 20% tổng doanh thu du lịch khu vực nội đô, cho thấy tiềm năng phát triển của loại hình này; Mối quan hệ hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và khối doanh nghiệp dịch vụ du lịch – lữ hành được tăng cường, đặc biệt trong việc tổ chức và khai thác các chương trình tham quan, biểu diễn nghệ thuật tại các điểm di tích vào buổi tối; Hình ảnh thành phố Huế từng bước chuyển biến theo hướng năng động, cởi mở và hiện đại hơn, góp phần làm mới trải nghiệm du lịch, thu hút nhóm khách trẻ và khách quay trở lại; Nguồn lực xã hội hóa được huy động hiệu quả từ các doanh nghiệp để tổ chức các sự kiện nghệ thuật, lễ hội và dịch vụ phục vụ về đêm.
Về tổng thể, có thể thấy, việc triển khai đồng bộ các giải pháp đã bước đầu hình thành hệ sinh thái sản phẩm du lịch đêm tại thành phố Huế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ và cải thiện hình ảnh điểm đến. Du lịch ban đêm đang trở thành một điểm nhấn mới, thu hút đông đảo du khách, đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố Huế trở thành đô thị di sản – văn hóa – sinh thái – cảnh quan – thân thiện với môi trường và thông minh.
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/du-lich-dem-dang-tro-thanh-diem-nhan-moi-thu-hut-khach-den-hue-20250704115155821.htm
Bình luận (0)