Sáng 4.4, tại Trường mầm non 19/5, quận 7, TP.HCM, cụm chuyên môn 5 tập huấn chuyên đề cấp quận "Tổ chức hoạt động khám phá khoa học qua thực hành, trải nghiệm cho trẻ mầm non".
Trẻ 3-4 tuổi thực hành thí nghiệm với việc pha màu vào nước lọc, quan sát sự đổi màu của nước, giáo viên Nguyễn Thị Tam hướng dẫn
Các giáo viên mầm non khác quan sát hoạt động khám phá khoa học cho trẻ để học hỏi kinh nghiệm
ẢNH: PHƯƠNG HÀ
Tại đây, 3 hoạt động giáo dục được giáo viên Trường mầm non 19/5, quận 7 tổ chức gồm: cho trẻ thực hành thí nghiệm (trẻ 3-4 tuổi); tích hợp lồng ghép giáo dục STEM (trẻ 4-5 tuổi) và khám phá hiện tượng tự nhiên: mặt trăng (trẻ 5-6 tuổi). Các cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non cùng quan sát hoạt động của giáo viên và trẻ, từ đó chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp giáo dục phù hợp, tối ưu.
Cô Vương Thanh Phương Thủy, Hiệu trưởng Trường mầm non 19/5, cho biết kinh nghiệm của nhà trường là từ đầu năm học đã bồi dưỡng chuyên đề cho giáo viên, xây dựng nhiều hoạt động khám phá khoa học, giúp giáo viên được nâng cao kiến thức về phương pháp tổ chức hoạt động khám phá khoa học qua thực hành trải nghiệm cho trẻ. Các giáo viên cần đặt ra câu hỏi: hoạt động này có giúp trẻ phát huy trí tò mò, óc sáng tạo không, có giúp các bé mong muốn khám phá thế giới xung quanh, tiếp thu kiến thức hay không?
Trẻ 5-6 tuổi trong hoạt động khám phá hiện tượng tự nhiên: mặt trăng, lớp học được tổ chức bởi cô Vũ Thị Bích Thuận
ẢNH: PHƯƠNG HÀ
Nhà trường đưa ra 4 nguyên tắc cơ bản để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ khi khám phá khoa học qua thực hành, trải nghiệm:
- Xây dựng môi trường giáo dục đảm bảo an toàn, không có vật dụng nguy hiểm, các thiết bị và dụng cụ thí nghiệm phải được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi sử dụng.
- Chỉ sử dụng các thiết bị giáo dục phù hợp với lứa tuổi của trẻ, đảm bảo dễ sử dụng và an toàn khi tổ chức các hoạt động. Nên lựa chọn nội dung khám phá khoa học có tính thực tiễn, gắn với cuộc sống hằng ngày của trẻ, từ môi trường tổ chức hoạt động giáo dục, cho trẻ quan sát đến nguyên vật liệu thực hành, trải nghiệm như cây cối, con vật, đất, nước, cát, sỏi... Điều này giúp trẻ dễ dàng tích lũy kinh nghiệm, kiến tạo kiến thức và áp dụng vào giải quyết các tình huống thực tế một cách tự nhiên.
- Để trẻ khám phá khoa học hiệu quả sẽ cần trẻ trực tiếp sử dụng các giác quan của mình để cảm nhận thế giới xung quanh, sau đó trẻ sẽ hiểu sâu hơn về các khái niệm khoa học đơn giản.
- Các kiến thức khoa học cần được giáo viên mầm non giải thích cho trẻ bằng từ ngữ chuẩn xác và đơn giản, không quá cao so với trẻ, gắn với trực quan và chỉ giải thích khi hiện tượng đang diễn ra qua việc thực hiện.
Cô Nguyễn Ngọc Kiều Trang tích hợp lồng ghép giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) cho trẻ 4-5 tuổi
ẢNH: PHƯƠNG HÀ
Thực hiện tốt, góp phần nâng cao hiệu quả trong giáo dục trẻ
Hoạt động cho trẻ mầm non khám phá khoa học qua thực hành, trải nghiệm là quá trình sắp xếp, bố trí có mục đích, có kế hoạch của giáo viên. Việc này tạo nhiều cơ hội cho trẻ vận dụng nhóm phương pháp thực hành, trải nghiệm, sử dụng các giác quan để tham gia tìm tòi, khám phá, phát hiện ra cái mới, cái ẩn giấu về sự vật, hiện tượng xung quanh một cách tích cực bằng các hành động cụ thể, thực tế và tích lũy kiến thức, kỹ năng. Từ đó hình thành thái độ phù hợp với nhu cầu, khả năng và sự hứng thú của trẻ.
Cô Nguyễn Thị Cẩm Hồng, chuyên viên Phòng GD-ĐT quận 7, cho biết với quan điểm lấy trẻ mầm non làm trung tâm, các hoạt động tổ chức cho trẻ khám phá khoa học thông qua trải nghiệm cần được tổ chức an toàn, sinh động, cuốn hút trẻ. Hoạt động xây dựng phù hợp theo từng độ tuổi, bám sát Chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD-ĐT.
Cô Vương Thanh Phương Thủy, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết khi các hoạt động cho trẻ khám phá khoa học qua thực hành, trải nghiệm được tổ chức hiệu quả sẽ góp phần nâng cao chất lượng trong công tác giáo dục trẻ mầm non.
Nguồn: https://thanhnien.vn/4-chu-y-an-toan-khi-tre-kham-pha-khoa-hoc-qua-thuc-hanh-185250404221551679.htm
Bình luận (0)