Đồng hành hỗ trợ ngư dân vươn khơi
Năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng ngành Thủy sản Nghệ An đã góp sức lớn để kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước đạt 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023. Với việc hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, dư địa và thị trường xuất khẩu mở rộng, Việt Nam phấn đấu năm 2025 đạt và vượt mục tiêu kim ngạch nông, lâm, thủy sản là 64-65 tỷ USD.
Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư trao cờ Tổ quốc cho ngư dân Quỳnh Lưu. Ảnh: Nguyễn Hải
Đối với Nghệ An, sản lượng khai thác hải sản năm 2024 đạt 213,919 tấn, tăng 10,8% so với kế hoạch năm 2023. Năm 2025, mặc dù điều kiện thời tiết khó khăn, nhưng bà con ngư dân các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thị xã Hoàng Mai và TP. Vinh đã tích cực vươn khơi ngay từ những ngày đầu. Nhờ vậy, đã có hàng chục chuyến biển trúng đậm cá và mực, đạt doanh thu cao... Tính đến ngày 15/3, sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh ước đạt 44.682 tấn, đạt 23,03% kế hoạch năm.
Ngư dân Quỳnh Phương (TX. Hoàng Mai) chuẩn bị ngư lưới cụ để đi đánh bắt. Ảnh: Nguyễn Hải
Để có đà thuận lợi trên, ngoài nỗ lực vượt khó của bà con ngư dân, sự hỗ trợ, đồng hành từ các chính sách hỗ trợ nghề cá của tỉnh là vô cùng quan trọng.
Ngoài các chính sách hỗ trợ trước đó, năm 2024, tỉnh hỗ trợ 11 máy tời thủy lực cho 11 tàu làm nghề lưới chụp. Nhận thấy hiệu quả, 3 tháng đầu năm 2025, có 15 chủ tàu cá ở huyện Quỳnh Lưu đăng ký chính sách hỗ trợ máy tời thủy lực theo Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Môi trường Quỳnh Lưu và Hội nghề cá xã Phú Nghĩa hỗ trợ ngư dân làm thủ tục đăng ký lại tàu thuyền thuộc diện "3 không". Ảnh: Nguyễn Hải
Đồng thời, nhằm tạo điều kiện cho bà con ngư dân tham gia khai thác trên các vùng biển xa, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho 861 lượt tàu đánh bắt xa bờ năm 2024. 3 tháng đầu năm 2025, tỉnh tiếp tục hỗ trợ 49 lượt tàu và điều chỉnh thông tin cho 38 tàu cá đăng ký tham gia khai thác, dịch vụ khai thác.
Đến thời điểm ngày 14/3, Nghệ An có 871 tàu cá đủ điều kiện tham gia khai thác, dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa được phê duyệt, tăng 1,16% so với năm trước.
Bên cạnh đó, nhằm động viên ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, rủi ro, các cơ quan tỉnh và Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư kết nối với một số đơn vị, doanh nghiệp kịp thời thăm hỏi, động viên, trao cờ Tổ quốc và các phần quà hỗ trợ ý nghĩa giúp ngư dân vươn khơi bám biển.
Trao các suất quà cho ngư dân có tàu tại địa bàn TX. Hoàng Mai khó khăn, rủi ro. Ảnh: Nguyễn Hải
Ông Mai Hồng Phong – Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư tỉnh đánh giá: Trong bối cảnh nghề cá còn nhiều khó khăn, các chính sách trên là nguồn động viên, tiếp sức hỗ trợ kịp thời cho bà con vươn khơi bám biển; giúp bà con tích cực đầu tư trang thiết bị đánh bắt; tập trung khai thác các loại hải sản hiệu quả có giá trị cao và bền vững hơn.
Ông Phan Tiến Chương – Giám đốc Ban Quản lý cảng Nghệ An chia sẻ thêm: Nhờ duy trì kiểm tra, nhắc nhở tại cửa lạch, ngư dân đã dần thay đổi thói quen, mỗi lần ra, vào lạch đều “đi khai, về báo” đầy đủ hơn. Đối với cảng, sản lượng hải sản được khai báo thống kê ngày càng tăng, năm 2024, sản lượng hải sản khai báo qua cảng đã đạt 40% và phấn đấu nâng dần lên 50-60% vào năm 2025.
Quản lý nghề cá thực chất
Ông Trần Xuân Học - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho hay: Một trong những yêu cầu, nhiệm vụ trong quản lý nghề cá hiện nay là đảm bảo các hoạt động quản lý, chấp pháp đối với hoạt động khai thác đúng quy định của Luật Thủy sản năm 2017, quyết liệt chống khai thác trái phép, không báo cáo và không theo quy định (IUU) để sớm gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC).
Đoàn kiểm tra liên ngành xuất quân kiểm tra ven biển ngay từ đầu tháng 3 năm 2025. Ảnh: Nguyễn Hải
Sau gần 7 năm thực hiện khuyến cáo gỡ thẻ vàng EC, Trung ương đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương mở các đợt tập trung cao điểm để tuyên truyền, vận động và tuần tra, xử lý vi phạm IUU.
Tại Nghệ An, 2 năm lại đây, ngoài Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc quyết liệt. Nhờ vậy, tình hình khai thác chấp hành IUU đã có chuyển biến, ý thức chấp hành của chủ tàu, ngư dân đã tăng lên.
Về phía các lực lượng chức năng, cùng với việc liên tục tổ chức các đoàn kiểm tra, đoàn liên ngành, tổ công tác để kiểm tra, giám sát nhằm chấn chỉnh các hoạt động thu mua, chế biến trên bờ cho đến tổ chức đánh bắt trên biển.
Các kiểm ngư viên trao đổi, vận động ngư dân vi phạm trong quá trình kiểm tra, lập biên bản. Ảnh: Nguyễn Hải
Đại diện Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư cho biết: Để giám sát và kịp thời phát hiện hoạt động khai thác vi phạm IUU, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã có Công văn số 423/SNNMT-TSKN ngày 19/3/2025 kèm theo danh sách các tàu có nguy cơ vi phạm đề nghị UBND các huyện, thị và thành phố Vinh; UBND các xã, phường ven biển niêm yết danh sách các tàu nguy cơ vi phạm tại nhà văn hóa thôn, xóm để người dân và chính quyền giám sát.
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham quan mô hình nuôi tôm áp dụng công nghệ cao ở xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu. Ảnh tư liệu: Xuân Hoàng
Tại văn bản, ngành cũng giao cho các đơn vị và các địa phương tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân bổ sung thủ tục để cấp phép hoặc xóa đăng ký và báo cáo trước ngày 31/3 để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Bộ đội Biên phòng sẽ kiên quyết không cho ra khơi với các tàu thuộc danh sách trên hoặc qua kiểm tra trên biển sẽ xử phạt nặng; các địa phương phải tăng cường giám sát đảm bảo các tàu cải hoán, sửa chữa hoặc nằm bờ không ra khơi đánh bắt nếu chưa đủ thủ tục…
Kiểm tra, làm thủ tục trước khi xuất bến; qua đó giám sát và kiên quyết không cho tàu đi đánh bắt nếu chưa đầy đủ thủ tục hoặc hợp lệ. Ảnh: Nguyễn Hải
Nhằm tiếp tục nâng tỷ lệ hải sản được giám sát bốc dỡ tại cảng, UBND tỉnh vừa ban hành Văn bản số 9121/UBND-NN ngày 21/3/2025 giao trách nhiệm cho các sở, ngành, địa phương ven biển thực hiện các nội dung giám sát, thống kê sản lượng khai thác thủy sản tại cảng.
Theo văn bản này, 4 cảng chỉ định ngoài thống kê sản lượng thủy sản bốc dỡ tại cảng mình thì còn phải tăng cường nắm bắt, thống kê sản lượng hải sản vào neo đậu bốc dỡ tại các bến cá tư nhân để báo cáo.
Tới đây, Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư cùng với cảng lập tổ công tác, về các địa phương tổ chức tập huấn cho các đại lý thu mua, chủ bến cá tư nhân, chủ tàu về cách ghi chép, thống kê sản lượng tàu cá, loài thủy sản mỗi lần về bến. Quy trình các bước thống kê cũng rõ ràng.
Hàng tuần, Ban Quản lý các cảng hoặc UBND các địa phương sẽ phát biểu mẫu cho các đại lý thu mua lớn tại cảng, sau đó cuối tuần thu lại và tập hợp, cập nhật vào hệ thống; định kỳ trước ngày 15 hàng tháng báo cáo sản lượng về Sở Nông nghiệp và Môi trường.
Ngư dân phường Nghi Thủy, TP. Vinh ra khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: Thanh Phúc
Ông Mai Hồng Phong - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư chia sẻ: 3 tháng đầu năm 2025, Nghệ An vẫn còn 200 tàu/404 lượt mất kết nối VMS trên biển trên 6 giờ, 1 tàu/1 lượt mất kết nối VMS trên biển quá 10 ngày. Chính quyền các cấp, ngành đang cùng ngư dân tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đồng hành cùng ngư dân để hoạt động khai thác hiệu quả, bảo vệ môi trường biển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
ADQuảng cáo
Nguồn: https://baonghean.vn/66-nam-ngay-truyen-thong-nghe-ca-viet-nam-1-4-1959-1-4-2025-phat-trien-nghe-ca-nghe-an-vung-manh-10294120.html
Bình luận (0)