Trước mắt đã có 4 đội tuyển quốc gia (quyền Anh, bắn cung, bắn súng, taekwondo) ứng dụng AI thông qua sự hợp tác với một công ty công nghệ trong nước, kèm theo việc sử dụng phần mềm huấn luyện của một công ty Pháp. Sau thử nghiệm từ 4 đội tuyển, dựa vào đánh giá kết quả thực tế, trong năm 2026, ngành thể thao dự kiến triển khai AI kết hợp công nghệ và huấn luyện chuyên sâu vào nhiều môn thể thao trọng điểm nhằm đạt hiệu quả tối ưu.
Thực tế, Thể thao Việt Nam đang đi khá chậm trong việc ứng dụng AI dù những nhà quản lý đã nhận ra xu thế này. Năm ngoái, Cục trưởng Cục TDTT Việt Nam, khi đó là ông Đặng Hà Việt, đã dự tính áp dụng AI sớm vào công tác huấn luyện, quản lý. Thể thao Việt Nam rất cần xây dựng ngân hàng dữ liệu để phân tích từng chỉ số liên quan khối lượng tập luyện của vận động viên (VĐV). Tuy nhiên, từ mong muốn đến hiện thực là khoảng cách rất xa. AI hay những ứng dụng công nghệ liên quan đòi hỏi nguồn dữ liệu lớn (Big Data) được “nạp” liên tục với độ chuẩn xác cao, theo thời gian thực, nhất là ở giai đoạn tập luyện.
Đáng tiếc, cơ sở vật chất hiện tại ở Việt Nam chưa có khả năng đáp ứng, hoặc nếu có cũng chỉ dành cho một đối tượng rất nhỏ, khó hình thành một quy trình huấn luyện với sự đồng bộ về công nghệ. Ngay một số môn đòi hỏi từng thông số chi tiết như bóng chuyền, điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ…, chúng ta cũng chưa có những hồ bơi, đường chạy, nhà thi đấu trang bị cảm biến, máy ghi hình chuyên dụng đo thông số cho VĐV. Khó khăn khách quan khiến chất lượng của dữ liệu đầu vào trở thành một thách thức.
Ngành thể thao cũng cần đội ngũ nhân sự có chuyên môn cao, từ huấn luyện viên (HLV), bác sĩ, chuyên gia dữ liệu đến kỹ sư công nghệ. AI có thể đưa ra những phân tích chính xác, khuyến nghị thông minh, nhưng chính những chuyên gia này mới quyết định cách sử dụng thông tin đó ra sao. Để ứng dụng AI hiệu quả vào công tác huấn luyện, chúng ta cũng nên nâng cấp từng khâu dinh dưỡng, y học thể thao, thi đấu quốc tế... Chính từ đòi hỏi của công nghệ, ngành thể thao mới có thêm động lực thay đổi chính mình. Với việc áp dụng AI vào huấn luyện, thay vì lệ thuộc vào kinh nghiệm cảm tính, thể thao Việt Nam có thể tiến tới thiết lập mô hình khoa học, minh bạch, dựa trên sự đầu tư nghiêm túc, có lộ trình và cam kết đồng hành lâu dài từ lãnh đạo ngành đến đối tác công nghệ.
Điều này đặt ra yêu cầu những người làm thể thao phải chủ động liên kết, hợp tác, thúc đẩy tiến trình xã hội hóa mạnh mẽ, thực chất hơn để đa dạng nguồn lực đầu tư. Ngân sách nhà nước chắc chắn không thể choàng gánh toàn bộ, nên vai trò chính nằm ở các đơn vị, tổ chức quản lý từng môn thể thao. Về lâu dài, ứng dụng AI chính là áp lực để HLV và VĐV nâng cao hiệu quả đào tạo, đánh giá kết quả bằng con số, dữ liệu. Đây cũng là cơ sở có tính thuyết phục cho việc thu hút đầu tư thông qua từng con số có độ tin cậy cao.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/ai-thuc-day-nang-chat-van-dong-vien-post804414.html
Bình luận (0)