Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

AI trong trường học: Đối thủ hay người bạn của học sinh?

TPO - Học sinh cho rằng AI như một người thầy luôn có mặt hỗ trợ bất cứ lúc nào nhưng sự phụ thuộc sẽ khiến các em lười suy nghĩ, thậm chí ỷ lại.

Báo Tiền PhongBáo Tiền Phong26/04/2025

Trong Talkshow “AI trong văn hoá đọc: Đối thủ hay người bạn” tổ chức tại Trường THCS – THPT Nguyễn Siêu ngày 26/4, anh Kenny Nguyễn, Giám đốc kỹ thuật Công ty Công nghệ Cốc Cốc cho rằng, trong kỷ nguyên số đã có sự chuyển dịch của việc tiếp nhận thông tin. Với thời gian hạn hẹp, người đọc ngày càng chọn lựa nội dung ngắn gọn và dễ hiểu.

Người đọc sử dụng AI để tóm tắt giúp về nội dung các cuốn sách nhằm nhanh chóng nắm bắt thông điệp chính thay vì đọc toàn bộ nội dung. Tuy nhiên, việc này đặt ra vấn đề nghiêm trọng cần xem xét đó là công nghệ hỗ trợ đọc hay làm giảm vai trò của con người trong tìm tòi, khám phá.

Học sinh đã có những chia sẻ sôi nổi về việc sử dụng AI trong học tập cũng như ưu điểm, mặt trái của công nghệ.

AI trong trường học: Đối thủ hay người bạn của học sinh? ảnh 1

Học sinh đã chia sẻ, đặt câu hỏi với khách mời về việc sử dụng AI hiệu quả trong học tập cũng như đọc sách.

Nhiều học sinh cho rằng, sự xuất hiện của AI đã hỗ trợ các em rất lớn trong học tập, có thể nói như một người thầy cô giáo thứ hai.

Ví dụ, khi đọc một cuốn sách hay, ở phần khó, học sinh có thể đặt ra những câu hỏi để AI phân tích sâu hơn, giúp em hiểu nội dung hơn. Hoặc, với những từ ngữ khó hiểu, tìm hiểu thông tin về tác giả, hoàn cảnh ra đời tác phẩm, học sinh cũng nhờ đến sự hỗ trợ của AI.

Tuy nhiên, cũng có học sinh thừa nhận mình đã lạm dụng công nghệ để giúp làm bài tập mà đáng ra, em phải tự làm.

Ở phần mặt trái của AI, học sinh cũng nhận thức được việc nếu phụ thuộc sẽ giảm tư duy, khiến người trẻ lười suy nghĩ vì mọi việc đã có lời giải. Thậm chí, có em còn cảnh báo, đã có lúc AI đưa thông tin sai lệch.

Đặc biệt, đối với việc đọc sách, nữ sinh Trường THCS – THPT Nguyễn Siêu chia sẻ, em thường thích tự mày mò, tìm hiểu, khám phá ra những cuốn sách phù hợp với nhu cầu học tập, giải trí.

AI bỏ qua các chi tiết hay, người đọc không còn thư giãn

Em cũng từng sử dụng AI để tóm tắt sách nhưng nó chỉ cung cấp các “gạch đầu dòng” cơ bản, bỏ qua các chi tiết hay. “Trong khi, người học thấy được cung cấp thông tin khá cơ bản nên lười đọc, lười ghi nhớ sẽ là đòn chí mạng trong bối cảnh không nhiều người trẻ hứng thú với việc đọc sách như hiện nay”, nữ sinh nói.

Anh Kenny Nguyễn cho rằng, AI có những tính năng nổi bật như có thể tóm tắt nội dung giúp người đọc tiết kiệm thời gian hoặc chuyển đổi văn bản thành giọng nói giúp chúng ta có thể nghe thay vì đọc. Ai cũng cung cấp kiến thức, giải thích các khái niệm khó một cách nhanh chóng.

Nhưng anh cũng khuyên học sinh sử dụng AI trong học tập một cách có đạo đức, vì nếu không chủ động mà hoàn toàn phụ thuộc sẽ khiến các em giảm tư duy, hình thành thói quen lười suy nghĩ.

Ngoài ra, người đọc cũng có thể cảm thấy áp lực từ việc sử dụng công nghệ và làm giảm đi sự thư giãn thoải mái của việc đọc sách truyền thống mang lại. Đó cũng là hạn chế, mặt trái của AI.

Theo anh Kenny Nguyễn, trong quá trình tuyển dụng công ty có sử dụng bài kiểm tra để chọn học viên. Hai năm trở lại đây đã phát hiện ứng viên sử dụng công nghệ để giải bài test nên khi vào vòng phỏng vấn các bạn không nắm được thông tin. Đó là một điều rất đáng ngại. Các bạn học sinh là những chủ nhân tương lai của đất nước nên hiểu rõ lợi ích, mặt trái của AI để sử dụng hiệu quả nhất.

Đặc biệt, trong học tập, khi thông tin của AI cung cấp, các em học sinh chưa đủ khả năng để biết chính xác hoàn toàn đúng hay không, cần có trao đổi lại với thầy cô hoặc cha mẹ.

Chuyên gia này cũng hướng dẫn học sinh cách đặt những câu hỏi, đưa ra bối cảnh, gợi ý rõ ràng thì câu trả lời của AI sẽ cụ thể, dễ hiểu hơn.

Ngày 26/4, Trường THCS – THPT Nguyễn Siêu tổ chức chương trình “Ngày hội sách và văn hoá đọc” nhằm chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày hội đọc sách sẽ giúp học sinh hiểu được giá trị của sách và nuôi dưỡng niềm đam mê đọc.

AI trong trường học: Đối thủ hay người bạn của học sinh? ảnh 2

Học sinh tham gia “Ngày hội sách và văn hoá đọc”.

Tại ngày hội, ban tổ chức đã trao thưởng cho những học sinh hoá thân thành nhân vật văn học và lịch sử trong cuộc thi “Nhân vật trong sách bước ra cuộc đời”.

Các không gian sáng tạo thu hút hàng trăm học sinh như: Triển lãm sách, đố vui, kể chuyện bằng tranh, vẽ bìa sách…

Cô Nguyễn Thị Minh Thuý, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, văn hóa đọc trong “thế giới phẳng” được hỗ trợ rất nhiều bởi công nghệ, AI, vì thế chúng ta không chỉ nuôi dưỡng niềm đam mê đọc mà còn phải trở thành một người đọc thông minh.

Thế hệ học sinh hôm nay là thế hệ tiếp bước của cha anh trong lịch sử, là “thế hệ vàng” kiến tạo tương lai bằng ánh sáng của tri thức, niềm tin và sự tự tôn dân tộc.

"Sách sẽ là kho báu giúp các em nuôi dưỡng hiện tại và xây đắp tương lai nên hi vọng mỗi học sinh sẽ là một đại sứ văn hóa đọc truyền cảm hứng cho bạn bè, bố mẹ, người thân. Sau ngày hội sách hôm nay, các con sẽ tiếp tục các chuỗi hoạt động của văn hóa đọc cho một mùa hè bổ ích", cô nói.

Nguồn: https://tienphong.vn/ai-trong-truong-hoc-doi-thu-hay-nguoi-ban-cua-hoc-sinh-post1737357.tpo


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời
Xem trực thăng kéo cờ, tiêm kích xé gió trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm