Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, lĩnh vực đường sắt ít được quan tâm nhiều năm qua do điều kiện, nguồn lực của đất nước còn khó khăn; hoạt động đường sắt chưa tương xứng sự phát triển của đất nước.
Vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội trên cơ sở đề xuất của Chính phủ đã rất tích cực triển khai các hoạt động liên quan đường sắt nói chung, trong đó chỉnh đốn, khôi phục các hệ thống đường sắt đã có; khôi phục tuyến đường sắt quốc tế trước đây đã bị gián đoạn, đặc biệt là triển khai các dự án lớn như tuyến đường sắt tốc độ cao bắc-nam, tuyến đường sắt kết nối Trung Quốc, các tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Do đó phải thành lập Ban Chỉ đạo để vừa chỉ đạo, kiểm tra, điều phối, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện các nhiệm vụ đầu tư, xây dựng theo đúng các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, nhất là chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, chỉ đạo của các bộ, ngành, cơ quan liên quan, địa phương thực hiện các công việc theo chức năng, nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả các dự án trọng điểm quốc gia.
Thủ tướng khẳng định, nếu không đôn đốc, các công trình, dự án trọng điểm không thể đạt chất lượng. Do đó, các bộ, ngành, địa phương phải quán triệt điều này.
![]() |
Các đại biểu tham dự phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Thủ tướng nhấn mạnh, đầu tư cho đường sắt là đầu tư lớn nhưng hiệu quả cao. Đường sắt là phương thức trung hoà phương thức vận tải hàng không và đường biển. Kinh nghiệm cho thấy, Trung Quốc hay Tây Ban Nha sau khi phát triển hệ thống đường sắt thì kinh tế đã phát triển mạnh. Vì vậy, vấn đề là tổ chức thực hiện, đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
![]() |
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Thủ tướng nêu rõ, thời gian có hạn, công việc thì nhiều, đòi hỏi thì cao trong khi năng lực công nghệ đường sắt còn hạn chế, chưa hiểu biết hết lĩnh vực này, quan hệ nhiều sự phát triển chung. Ban Chỉ đạo đã họp phiên thứ nhất và đã ra thông báo Kết luận, theo đó, Thủ tướng đã giao 24 nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương để tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án; đồng thời xây dựng, hoàn thiện các thể chế. Chính phủ đã đề xuất và Quốc hội đã ban hành Nghị quyết liên quan lĩnh vực đường sắt; Chính phủ sẽ bổ sung sửa đổi Luật Đường sắt. Bộ Xây dựng phải phối hợp Ủy ban Khoa học của Quốc hội để làm việc này.
![]() |
Phiên họp được truyền trực tuyến tới các địa phương có các dự án trọng điểm đường sắt đi qua. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Thủ tướng khẳng định phải hoàn thiện thể chế thì mới thực hiện phát triển hệ thống đường sắt bài bản hơn; các bộ, ngành, địa phương có cơ sở pháp lý để triển khai. Do đó, phải tập trung hoàn thiện thể chế ngay trong kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XV tới.
Thủ tướng mong các bộ, ngành chủ động; phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu chuyển giao công nghệ, tìm kiếm nguồn vốn… là những vấn đề quan trọng. Mỗi phiên họp đề ra các nhiệm vụ với thực hiện “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ thẩm quyền”; làm việc nào dứt việc đó, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện.
![]() |
Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Về nhiệm vụ sắp tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách huy động nguồn lực; kịp thời báo cáo Quốc hội cập nhập kịp thời các cơ chế, chính sách đặc thù; cụ thể là sửa đổi Luật Đường sắt; tinh thần khi trình các luật cần phải cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục rườm rà không cần thiết; cần tăng thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phải tăng cường phân cấp, phân quyền, đi đôi phân bổ nguồn lực; đi qua tỉnh, thành phố nào thì tỉnh, thành phố đó phải giải phóng mặt bằng, thậm chí tính đến việc các địa phương đầu tư xây dựng và khai thác nhà ga; "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm"; phát huy tối đa tinh thần tự lực, tự cường của các địa phương, Nhà nước hỗ trợ xây lắp; tinh thần là Trung ương chỉ làm những công trình lớn. Thủ tướng dẫn ví dụ vừa qua, Chính phủ đã mạnh dạn giao một số địa phương làm các đoạn tuyến cao tốc và thực tế đến nay, các đoạn tuyến cao tốc này được triển khai rất nhanh.
![]() |
Lãnh đạo một số bộ, ngành, các đại biểu tham dự phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Thủ tướng yêu cầu cần phải có niềm tin; lưu ý các bộ, ngành chỉ làm các công việc liên quan quản lý nhà nước, không sa vào các việc cụ thể; cần phải giao nhiệm vụ cho các Ban Quản lý dự án, các địa phương.
Theo Thủ tướng, tới đây sẽ rà soát lại việc đầu tư công, nếu bộ, ngành, địa phương nào không thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, phải bị thay thế nếu hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân. Tập trung triển khai các dự án trọng điểm, triển khai các dự án quan trọng như tuyến đường sắt tốc độ cao bắc-nam, tuyến đường sắt kết nối các vùng trọng điểm, tuyến đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Khẩn trương, nhanh chóng giải quyết các vướng mắc liên quan giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư; tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả vận hành, tiếp cận áp dụng các công nghệ tiên tiến trong xây dựng, quản lý, khai thác đường sắt như mô hình thông tin công trình (BIM), đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vận hành hệ thống đường sắt hiện đại, đáp ứng phát triển lâu dài.
Thủ tướng đề nghị nghiên cứu phát triển Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thành tập đoàn lớn để phát triển nhanh, mạnh và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ mới.
Các thành viên Ban Chỉ đạo phải thần tốc, táo bạo thì Ban Chỉ đạo mới thần tốc, táo bạo được.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng 4 lịch sử, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa” trong triển khai các nhiệm vụ liên quan phát triển hệ thống đường sắt, đáp ứng yêu cầu hiện nay. Các thành viên Ban Chỉ đạo phải thần tốc, táo bạo thì Ban Chỉ đạo mới thần tốc, táo bạo được; các bộ, ngành, địa phương phải thần tốc, táo bạo thì Chính phủ mới thần tốc, táo bạo được. Bài học kinh nghiệm lớn rút ra sau nhiều năm là các dự án, công trình phải được triển khai nhanh thì mới hiệu quả, tránh đội vốn.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đã nỗ lực rồi thì phải nỗ lực hơn nữa, “nghĩ sâu, làm lớn, nhìn xa, trông rộng”; đề nghị các đại biểu trao đổi thẳng thắn, nêu rõ những tồn tại hạn chế, đề xuất các giải pháp phù hợp, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đường sắt. Thủ tướng yêu cầu sau mỗi cuộc họp của Ban Chỉ đạo thì phải rà soát xem từ cuộc họp trước đến cuộc họp sau đạt được kết quả như thế nào; ai làm xong, ai chưa làm xong, nguyên nhân? Phải đề ra nhiệm vụ từng tháng, từng bộ, ngành, địa phương…
Nguồn: https://nhandan.vn/than-toc-hon-nua-trong-trien-khai-dau-tu-cac-du-an-duong-sat-trong-diem-post875401.html
Bình luận (0)