Chính quyền bang Andhra Pradesh (Ấn Độ) sẽ thành lập 125 Trung tâm Hỗ trợ Trẻ tự kỷ tại các trường công lập thuộc 26 quận theo sáng kiến Bhavitha của Samagra Shiksha Andhra Pradesh (chương trình giáo dục toàn diện nhằm nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập tại bang).
Đây là dự án thí điểm do Chính phủ phê duyệt, nhằm cung cấp các liệu pháp chuyên biệt cho trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ (ASD) như phân tích hành vi ứng dụng (ABA), trị liệu ngôn ngữ, định hướng nghề nghiệp, đào tạo kỹ năng sống... Nếu thành công, mô hình này có thể được nhân rộng trên toàn quốc.
Mỗi trung tâm sẽ được trang bị cơ sở vật chất hiện đại và có đội ngũ chuyên gia hỗ trợ trẻ vượt qua những khó khăn trong quá trình phát triển. Để triển khai, chính quyền bang đã phê duyệt khoản kinh phí 27,75 lakh rupee (khoảng 833 triệu đồng) để xây dựng trung tâm hỗ trợ trẻ tự kỷ cấp đô thị. Ngoài việc cung cấp liệu pháp chuyên môn, các trung tâm này cũng sẽ nâng cao nhận thức cho gia đình và cộng đồng về ASD.
Chánh Thư ký Sở Giáo dục Bang Andhra Pradesh, ông Kona Shashidhar, nhấn mạnh rằng đây là lần đầu tiên các trung tâm hỗ trợ tự kỷ được thiết lập trong hệ thống giáo dục công lập tại Ấn Độ, đánh dấu một bước tiến quan trọng. Ông cũng ghi nhận sự hỗ trợ từ Samagra Shiksha và Sở Giáo dục trong việc phê duyệt đề xuất và phân bổ ngân sách.
Samagra Shiksha Andhra Pradesh đã được công nhận trên toàn quốc vì những nỗ lực trong giáo dục hòa nhập. Đầu năm nay, chương trình này đã nhận được Giải thưởng của Tổng thống Ấn Độ nhờ phương pháp Sư phạm Kỹ thuật số Tiếp cận, giúp trẻ có nhu cầu đặc biệt tiếp cận giáo dục một cách dễ dàng và hiệu quả hơn. Giám đốc Dự án Bang Samagra Shiksha AP, ông B Srinivasa Rao, cho biết sáng kiến này nhằm hỗ trợ trẻ có nhu cầu đặc biệt (CwSN) hòa nhập vào hệ thống giáo dục chính quy.
Hiện tại, 679 Trung tâm Bhavitha đang hoạt động trong các trường công lập, hỗ trợ học sinh hòa nhập vào hệ thống giáo dục chính quy. Bang Andhra Pradesh hiện có tỷ lệ trẻ tự kỷ cao nhất tại Ấn Độ, với hơn 10.000 học sinh được chẩn đoán.
125 Trung tâm Hỗ trợ Trẻ tự kỷ được mở tại các trường công lập. Nguồn: The New Indian Express
Với số ca mắc tự kỷ ngày càng gia tăng, nhu cầu về các biện pháp can thiệp chuyên biệt cũng tăng lên. Hiện nay, chỉ có một số ít tổ chức phi chính phủ (NGO) và phòng khám tư nhân cung cấp hỗ trợ, nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu.
Cố vấn cấp cao của Chính phủ về Giáo dục Hòa nhập, ông Ram Kamal, chia sẻ với The New Indian Express (TNIE) rằng mô hình giáo dục hòa nhập của Andhra Pradesh ứng dụng công nghệ số để giúp trẻ vượt qua rào cản học tập và đảm bảo cơ hội bình đẳng. Chính phủ đã bày tỏ sự quan tâm đến việc áp dụng mô hình này, thể hiện qua quyết định phê duyệt kinh phí cho 125 Trung tâm Hỗ trợ Trẻ tự kỷ hoạt động.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/an-do-thanh-lap-125-trung-tam-ho-tro-tre-tu-ky-tai-cac-truong-cong-lap-20250401173206505.htm
Bình luận (0)