Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

An Giang: Ngôi chùa nhỏ ươm mầm ngôn ngữ Khmer

Lớp dạy học chữ Khmer được duy trì không chỉ giúp các em biết đọc, viết tiếng mẹ đẻ mà còn góp phần bảo tồn, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Khmer tại tỉnh An Giang.

VietnamPlusVietnamPlus23/07/2025

Mỗi dịp Hè, trong không gian thanh tịnh của chùa Snayđonkum, xã Ô Lâm, tỉnh An Giang lại vang lên tiếng đánh vần, đọc chữ Khmer của các em học sinh.

Những lớp dạy học chữ Khmer được nhà chùa duy trì suốt nhiều năm qua không chỉ giúp các em biết đọc, viết tiếng mẹ đẻ mà còn góp phần bảo tồn, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Khmer nơi đây.

Gieo chữ nơi cửa chùa

Mùa Hè năm nay, chùa Snayđonkum tổ chức 6 lớp học chữ Khmer cho 132 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Các em học liên tục 2 buổi/ngày và cả 7 ngày/tuần.

Lớp học hoàn toàn miễn phí, do các vị sư có trình độ Trung cấp Pali-Khmer trực tiếp đứng lớp, giảng dạy bằng cả tâm huyết với ngôn ngữ và văn hóa dân tộc mình.

Trên những chiếc bàn gỗ đơn sơ, các em chăm chú đánh vần, nắn nót từng ký tự Khmer. Giáo trình dạy học được chính các sư trong chùa biên soạn, phù hợp theo từng lứa tuổi và trình độ nhận thức của học sinh.

Học sinh từ lớp 1-4 được các sư tập trung dạy đọc, viết tiếng Khmer. Học sinh lớp 4-5 được học thêm nội dung về phong tục, nghi lễ, văn hóa và đạo đức truyền thống của dân tộc.

Sư Chau An, giáo viên trực tiếp phụ trách lớp 3 chia sẻ: Bên cạnh việc học chữ, các em còn được giáo dục kỹ năng sống, kiến thức pháp luật cơ bản, phòng chống tệ nạn xã hội…

Lớp học góp phần giúp các em rèn luyện nhân cách, đạo đức và ý thức cộng đồng ngay từ nhỏ; nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc và tình yêu tiếng Khmer, giúp các em hiểu sâu hơn về nguồn cội, phong tục và giữ gìn bản sắc của dân tộc mình.

Dù là kỳ nghỉ hè, ngày nào các em nhỏ xã Ô Lâm và vùng lân cận cũng đều đặn đến lớp. Em Chau Sóc Phia (ấp Phước Thọ, chuẩn bị vào lớp 8) cho biết, đã có thể đọc, viết tiếng Khmer và đọc kinh sách của ông bà.

Em Chau Nết (Trường Trung học cơ sở An Tức) chia sẻ ngoài học chữ, em còn được học hát các bài lễ hội và đọc kinh Khmer - những giá trị mà em rất tự hào.

ttxvn-2307-agiang.jpg
Học sinh đọc chữ Khmer. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Dù đang nghỉ hè, mỗi ngày các em nhỏ ở xã Ô Lâm và vùng lân cận vẫn đều đặn đến chùa học chữ Khmer. Em Chau Sóc Phia (ấp Phước Thọ, xã Ô Lâm) chuẩn bị vào lớp 8, cho biết: Em đang học lớp 3 chương trình Khmer, giờ em đã biết đọc, viết tiếng Khmer và có thể đọc kinh sách của ông bà.

Tương tự, em Chau Nết (Trường Trung học Cơ sở An Tức) cũng theo học lớp 3 chương trình chữ Khmer tại chùa Snayđonkum. Ngoài học chữ, Chau Nết còn được học hát các bài lễ hội và đọc được kinh bằng tiếng Khmer.

Niềm say mê học chữ Khmer và sự tiến bộ nhanh chóng của học sinh là động lực để các vị sư tiếp tục gắn bó với lớp học, bền bỉ truyền dạy ngôn ngữ và văn hóa Khmer qua từng con chữ, từng lời giảng.

Cần chính sách hỗ trợ để lớp học phát triển bền vững

Sư Chau Rine, Sư phó chùa Snayđonkum, cho biết: Ngôi chùa không chỉ là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng mà còn là trường học cộng đồng, nơi gìn giữ và truyền dạy ngôn ngữ, văn hóa dân tộc Khmer qua nhiều thế hệ. Từ đó giúp hàng ngàn trẻ gìn giữ các giá trị văn hóa của dân tộc, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc.

“Khác với các mô hình giáo dục chính quy, lớp học trong chùa không chỉ truyền đạt kiến thức về ngôn ngữ mà còn lồng ghép giáo lý, đạo đức, kỹ năng sống, giáo dục truyền thống văn hóa, tín ngưỡng dân tộc.

Không gian học tập tại chùa còn giúp gắn bó sư sãi với cộng đồng, phát huy vai trò của chùa trong đời sống văn hóa, xã hội của người Khmer”, Sư Chau Rine chia sẻ.

ttxvn-2307-ag-2.jpg
Học sinh tập viết chữ Khmer. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Tại An Giang, nhiều ngôi chùa như Snay Đon Kum, Soài So, Tà Pạ… đã trở thành địa chỉ quen thuộc mỗi dịp hè, thu hút hàng trăm học sinh Khmer đến học chữ để giữ gìn ngôn ngữ và bản sắc văn hóa dân tộc.

Dù bước đầu mang lại nhiều hiệu quả tích cực, mô hình này vẫn đối mặt với nhiều khó khăn như: thiếu giáo trình chuẩn hóa, cơ sở vật chất đơn sơ, đội ngũ giảng dạy chủ yếu là sư sãi kiêm nhiệm…

Để các lớp học tiếng Khmer phát huy hiệu quả và lan tỏa sâu rộng cần có sự quan tâm của các cấp, ngành trong việc hỗ trợ tài liệu giảng dạy, tập huấn cho giáo viên và có chính sách động viên, khen thưởng.

Đặc biệt, sự phối hợp giữa nhà chùa – nhà trường – gia đình sẽ là yếu tố then chốt giúp lan tỏa, duy trì lớp học bền vững.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, giao thoa văn hóa ngày càng mạnh mẽ, việc gìn giữ tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số càng trở nên cấp thiết. Vì vậy, các lớp dạy tiếng Khmer trong chùa đang góp một phần quan trọng trong chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số tại Việt Nam; góp phần xây dựng cộng đồng Khmer An Giang phát triển bền vững, đậm đà bản sắc trong lòng dân tộc Việt Nam đa sắc màu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/an-giang-ngoi-chua-nho-uom-mam-ngon-ngu-khmer-post1051316.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm