Đường tồn tại dưới 2 dạng chính là đường tự nhiên và đường bổ sung. Đường tự nhiên có trong trái cây, rau củ, sữa và các thực phẩm nguyên chất, trong khi đường bổ sung được thêm vào thực phẩm chế biến như bánh kẹo, nước ngọt và đồ ăn nhanh.
Mặc dù cơ thể cần glucose để hoạt động, nhưng việc tiêu thụ quá nhiều đường bổ sung có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, theo trang sức khỏe Health.
Bà Anthea Levi, chuyên gia dinh dưỡng làm việc tại Mỹ, đã chia sẻ những tác hại của việc tiêu thụ quá nhiều đường.
Tiêu thụ thực phẩm có nhiều đường thường xuyên có thể làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột, làm mất cân bằng và gây ra các vấn đề tiêu hóa
Ảnh: AI
Tăng cảm giác thèm ngọt
Khi đường kích thích trung tâm khen thưởng của não, cảm giác no và thỏa mãn có thể bị suy giảm, khiến con người cảm thấy cần ăn nhiều hơn để đạt được cảm giác tương tự.
Ngoài ra, việc tiêu thụ đường thường xuyên có thể làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột, làm mất cân bằng và gây ra các vấn đề tiêu hóa.
Gây sâu răng
Khi đường tiếp xúc với vi khuẩn trong miệng, chúng tạo ra axit làm mòn men răng, gây sâu răng và viêm nướu.
Đặc biệt, trẻ em và người tiêu dùng nhiều đồ uống có đường có nguy cơ mắc sâu răng cao hơn.
Gây hạ đường huyết đột ngột
Khi ăn thực phẩm có nhiều carbohydrate tinh chế, glucose trong máu tăng nhanh, mang lại cảm giác tràn đầy năng lượng.
Tuy nhiên, ngay sau đó, mức insulin tăng cao khiến đường huyết giảm nhanh chóng, dẫn đến mệt mỏi, uể oải và khó tập trung. Điều này có thể ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc, khả năng học tập và tinh thần.
Ảnh hưởng đến chức năng não
Việc tiêu thụ nhiều đường bổ sung có thể liên quan đến suy giảm nhận thức và các rối loạn thần kinh như Alzheimer và sa sút trí tuệ.
Một số nghiên cứu cho thấy đường có thể gây viêm trong hệ thần kinh trung ương, đặc biệt là vùng hippocampus, nơi kiểm soát trí nhớ và cảm giác đói.
Tăng nguy cơ bệnh tật
Lượng đường bổ sung cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường, gan nhiễm mỡ và một số loại ung thư.
Quá trình oxy hóa tế bào diễn ra nhanh hơn khi cơ thể hấp thụ nhiều đường, gây tổn thương mô và làm suy yếu hệ miễn dịch.
Ăn nhiều đường dễ mắc chứng béo phì
Ảnh: AI
Tăng cân
Các sản phẩm chứa nhiều đường như bánh ngọt, nước ngọt và đồ ăn nhanh thường không cung cấp đủ chất xơ và protein để tạo cảm giác no, khiến con người ăn nhiều hơn. Kết quả là người dùng dễ mắc chứng béo phì, một yếu tố nguy cơ lớn đối với nhiều bệnh lý nghiêm trọng.
Làm da lão hóa
Collagen là một loại protein quan trọng giúp da căng mịn và đàn hồi. Khi tiêu thụ nhiều đường, quá trình sửa chữa collagen bị gián đoạn, khiến da trở nên mỏng hơn, giảm độ đàn hồi và dễ xuất hiện nếp nhăn.
Gây căng thẳng
Tiêu thụ đường có thể ảnh hưởng đến tâm lý và cảm xúc. Trong thời gian ngắn, đường có thể làm giảm mức cortisol, hormone gây căng thẳng, mang lại cảm giác thư giãn tạm thời.
Tuy nhiên, về lâu dài, đường có thể khiến mức độ căng thẳng tăng cao, làm trầm trọng thêm tình trạng lo âu và trầm cảm.
Theo Hướng dẫn Dinh dưỡng Mỹ (DGA), lượng đường bổ sung nên dưới 50 g/ngày. Trẻ dưới 2 tuổi không nên ăn đường bổ sung.
Nguồn: https://thanhnien.vn/an-nhieu-duong-gay-hai-nhu-the-nao-va-lam-sao-de-bao-ve-suc-khoe-185250403221102164.htm
Bình luận (0)