Với tinh thần “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, quyết thắng” chỉ sau 6 ngày luyện tập, chuyển loại máy bay khẩn trương, chiều 28/4/1975, Phi đội Quyết thắng gồm 4 phi công của Trung đoàn 923 là Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng và phi công Nguyễn Thành Trung, Trần Văn On, sử dụng máy bay A37 tập kích sân bay Tân Sơn Nhất. Cuộc tập kích đã phá hủy 24 máy bay, làm cho tinh thần của Mỹ-ngụy hoảng loạn, thúc đẩy nhanh chóng quá trình tan rã của ngụy quyền Sài Gòn.
Các phi công Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng đã được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Phi công Trần Văn On được tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất.
Những phi công của Phi đội Quyết thắng đã vượt qua những điều “không tưởng” như chỉ kịp học lái máy bay chuyển loại trong vài ngày, bay chiến đấu không radar, không dẫn đường, không quen địa bàn chiến đấu, thời tiết không thuận… để hoàn thành sứ mệnh lịch sử ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất. Thiên không thời, địa không lợi, nhưng có “nhân hòa”, với ý chí quyết tâm sắt đá phải đánh thắng bằng được trận này, các anh em phi đội đã thần tốc và táo bạo bất ngờ tấn công vào hang ổ cuối cùng của Mỹ ngụy, khiến kẻ địch hoảng loạn, nhanh chóng tan rã ý chí tử thủ Sài Gòn.
Với Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Lục, tham gia chiến đấu trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là niềm vinh dự, tự hào và cũng là hành động khẳng định được bản lĩnh, ý chí và quyết tâm cao độ của Phi đội Quyết thắng, tạo được niềm tin với cấp trên.
AHLLVTND Nguyễn Văn Lục (thứ 2 từ trái sang) chia sẻ trong buổi giao lưu tại Báo Nhân Dân.
“KHÍ THẾ THẦN TỐC CỦA MẶT TRẬN THÔI THÚC CHÚNG TÔI QUYẾT TÂM HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ”
26 tuổi, sau quãng thời gian cùng đồng đội bảo vệ bầu trời phía bắc, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ ở ngoài bắc, Đại tá Nguyễn Văn Lục - Đại đội trưởng Đại đội 4, Trung đoàn 923 nhận lệnh rời Thọ Xuân, vào Đà Nẵng chuẩn bị cho một trận đánh lớn để góp phần giải phóng miền nam. 12 phi công được chọn, đều là những tay lái cừ khôi, tinh nhuệ thành thạo trong chiến đấu.
“Chúng tôi vinh dự vì được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ thực hiện chiến đấu. Trách nhiệm lớn, nên Đại đội đều nỗ lực hết mình. Chúng tôi nói với nhau, đây là thời cơ để cho mình lập công, để đền đáp sự nuôi dưỡng, giáo dục, đào tạo của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân với mình”, ông nói.
Sân bay Đà Nẵng khi đó chỉ có 2 chiếc A37, nhưng sau hôm đầu tiên bay huấn luyện, một chiếc bị hỏng. Thời gian gấp, máy bay thiếu, việc huấn luyện phải cấp tốc và ngắn ngủi, nên phải chọn những phi công tinh nhuệ nhất, có kinh nghiệm, kỹ năng và bản lĩnh chiến đấu, có ý chí quyết tâm cao nhất trong số này để tập luyện trước, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao.
Mỗi người được bay 3 chuyến, thời gian bay 1 giờ 30 phút, máy bay mới, rất khó khăn. Bằng ý chí thần tốc của mặt trận thôi thúc nên chúng tôi quyết tâm bằng mọi giá phải thực hiện mệnh lệnh trên giao.
Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Lục
Cả phi đội chỉ có thời gian rất ngắn, với 3,5 ngày để huấn luyện chuyển loại từ máy bay Liên Xô sản xuất sang máy bay Mỹ. Hai hệ máy bay hoàn toàn khác nhau, trang thiết bị, ngôn ngữ sử dụng khác nhau là thách thức đầu tiên với phi đội.
Thông lệ, để chuyển loại máy bay, phi công cần khoảng 6 tháng, trong đó 2 tháng học lý thuyết, 4 tháng học thực hành bay (tương đương 60-80 giờ bay). 6 tháng ấy, cả phi đội gói gọn lại trong 3,5 ngày, gồm hơn 1 ngày học lý thuyết và 2,5 ngày thực hành. “Mỗi người được bay 3 chuyến, thời gian bay 1 giờ 30 phút, máy bay mới, rất khó khăn. Bằng ý chí thần tốc của mặt trận thôi thúc nên chúng tôi quyết tâm bằng mọi giá phải thực hiện mệnh lệnh trên giao”, ông Lục bày tỏ.
Để có được kết quả chuyển loại thần tốc đó, Đại tá Nguyễn Văn Lục, người chỉ huy Phi đội Quyết thắng nhận định có công lao của những phi công, kỹ thuật viên của ngụy mà ta thu phục: “Chúng tôi đã cảm hóa và thuyết phục được một số phi công, thợ máy ngụy phục vụ cho ta - điều đó giúp ta tiếp thu nhanh hơn và có thể chuẩn bị hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu”. Điều này cũng thể hiện được tầm nhìn của Bộ Tư lệnh, đã biết khai thác sử dụng lực lượng của địch ta cần đến để giúp sức chúng ta hoàn thành nhiệm vụ.
Nhiều phương án được đặt ra để phi đội cùng nhau thảo luận tác chiến. Các mục tiêu như Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu, Tổng Nha cảnh sát, hay Tòa đại sứ Mỹ, kho xăng Nhà Bè đều nằm trong thành phố, việc phát hiện mục tiêu khó khăn khi nhìn từ độ cao cả nghìn mét. Ngay cả khi xác định được mục tiêu, khi oanh kích có thể xảy ra “bom rơi, đạn lạc”, gây nguy hiểm tính mạng cho nhân dân Sài Gòn”.
Trong số các mục tiêu đặt ra, Sân bay Tân Sơn Nhất là lựa chọn lý tưởng nhất cho trận oanh kích vì sân bay rộng, từ xa nhìn rõ để phi đội chủ động và triển khai đội hình chiến đấu. “Đây là sự lựa chọn mục tiêu tấn công rất hiểm vì sân bay Tân Sơn Nhất là điểm tựa, là niềm hy vọng cuối cùng để địch có thể di tản, tháo chạy nếu Sài Gòn thất thủ. Vì vậy, tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất sẽ làm cho địch hoảng loạn, ý chí phòng thủ tan rã nhanh hơn, tạo điều kiện cho các cánh quân của ta tiến vào Sài Gòn nhanh hơn, sẽ ít đổ máu hơn”, ông Lục nói giọng đầy khí thế.
Đại đội 4, Trung đoàn Kháng chiến là cái nôi của Phi đội Quyết thắng, là đơn vị duy nhất trong quân chủng Phòng không-không quân được 3 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lục:
- Sinh năm: 01/05/1947
- Quê quán: Vĩnh Phúc
- Từ năm 1965 đến 1968: Học viên lái máy bay của Trường Không quân Việt Nam
- Từ năm 1968 đến năm 1975: Phi công chiến đấu của Trung đoàn Không quân 923
- Ông đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ
- Ông là thành viên Phi đội Quyết thắng tấn công sân bay Tân Sơn Nhất trong chiến dịch Hồ Chí Minh
- Ông được tặng thưởng 3 Huy hiệu Bác Hồ, 5 Huân chương chiến công ...
“NHÂN HÒA” CHO CUỘC TẤN CÔNG LỊCH SỬ
Trải qua khó khăn trong huấn luyện chuyển loại, giờ đây, họ phải đối mặt với khó khăn của “thiên không thời, địa không lợi”. Chiều 28/4/1975, trời có chỗ mưa lắc rắc, nhiều mây. Phi đội bay bằng mắt thường, không radar, không dẫn đường. Tất cả đều chưa biết địa bàn Sài Gòn, chưa biết mục tiêu thế nào, trừ phi công Nguyễn Thành Trung và Trần Văn On. Chúng tôi thực hiện theo phương châm “4 tự” gồm: Tự đi-Tự tìm-Tự đánh-Tự về.
Với ý chí quyết tâm nỗ lực của tất cả mọi người, trong đó có các phi công, tổ chức chỉ huy, kỹ thuật… đều tập trung vào nhiệm vụ tấn công sân bay Tân Sơn Nhất. Sự chuẩn bị chu đáo ở dưới mặt đất đã “tạo điều kiện cho chúng tôi ấn nút cuối cùng để hoàn thành nhiệm vụ”, ông nói.
Trong khó khăn, lại thấy được sự sáng suốt và chỉ đạo tài tình của Tư lệnh Lê Văn Tri trong chỉ huy trận đánh và ý chí quyết tâm của toàn phi đội. Trước khi thực hiện nhiệm vụ, Tư lệnh ra mệnh lệnh mục tiêu oanh tạc là khu vực để máy bay chiến đấu, đường lăn, khu để bom đạn của không quân ngụy trên sân bay Tân Sơn Nhất. Trận tấn công này phải gây ra được những tiếng nổ liên tiếp, làm rung chuyển Sài Gòn. Một điều tối quan trọng đối với phi đội là phải bảo đảm an toàn cho nhân dân và hai phái đoàn quân sự của ta đang ở trại David-Tân Sơn Nhất.
Nói về “nghệ thuật” tác chiến, Đại tá Nguyễn Văn Lục hào hứng nói: Bí mật, bất ngờ, thần tốc là mục tiêu đặt ra đối với toàn phi đội. Để bảo đảm đường bay an toàn, phi đội “trà trộn” vào đường bay quen thuộc của địch từ Phan Rang, vòng qua Vũng Tàu vào Sài Gòn. Nguyễn Thành Trung thuộc địa hình được phân công bay trước dẫn đường. Các phi công khác bay trong đội hình theo cự ly đã định, bảo đảm có cảnh giới, có công kích, có yểm hộ. Phi đội bay thấp để tránh radar địch, nhưng phải tính toán tránh được hỏa lực phòng không của quân ta. Thời gian bay chập choạng chiều, để tấn công đúng vào lúc địch sơ hở nhất khi thay ca trực.
Chừng 40 phút, phi đội tiếp cận Sân bay Tân Sơn Nhất và tấn công bằng những quả bom đầu tiên, gây chấn động sân bay. Các thành viên phi đội lần lượt cắt bom làm rung chuyển cả thành phố Sài Gòn. Các phi công còn nghe rõ tiếng hỏi dồn dập của địch từ sở chỉ huy sân bay Tân Sơn Nhất: “A-37 của phi đoàn nào, cho biết phiên hiệu”. Cả phi đội đều nghe thấy giọng thất thanh của địch.
Từ trên cao, phi đội nhìn thấy những cột khói bốc lên cao vút, mù mịt. Dưới mặt đất, quân ngụy hoảng loạn bỏ chạy, không quân và pháo cao xạ của chúng hoàn toàn bị động, không kịp phản ứng. Sau khi cắt bom, không kích, phi đội hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc với 18 quả bom đánh trúng mục tiêu.
Ông nhớ lại giây phút đặc biệt: “Chúng tôi thoát ly bay về sân bay Phan Rang theo đường thẳng vì lúc đó chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ. Bay thẳng sẽ an toàn, tiết kiệm nhiên liệu. Về Phan Rang, trời xâm xẩm tối. Tôi phải bay lại một vòng để ưu tiên các đồng chí khác hạ cánh. Lúc hạ cánh sau cùng, tôi phải bật đèn để lăn bánh về”.
Trở về, trong chạng vạng tối, các phi công xúc động nghẹn ngào khi mọi người đều đổ ra sân bay chờ ngóng. Khi hạ cánh, mọi người ùa ra phấn khởi chúc mừng. Tư lệnh Lê Văn Tri bắt tay ôm hôn từng người một, sung sướng tự hào biết bao. Vậy là cơ hội để lập công đã thành hiện thực, đã đền đáp được công sức đào tạo, giáo dục của Đảng, Nhà nước, quân đội.
Các thành viên Phi đội Quyết Thắng bên chiếc máy bay A-37, loại đã dùng oanh tạc Tân Sơn Nhất.
Các thành viên Phi đội Quyết Thắng chia sẻ kỷ niệm (từ phải qua trái Hán Văn Quảng, Nguyễn Văn Lục, Trần Văn On). (Ảnh: HỮU VIỆT)
Các thành viên Phi đội Quyết Thắng và những người phục vụ cho phi đội trong trận đánh Tân Sơn Nhất. (Ảnh: HỮU VIỆT)
Trận ném bom rung chuyển Sài Gòn làm cho cố vấn quân sự Mỹ và các quan chức ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn hoảng loạn. Chỉ sau 1 ngày, Mỹ buộc phải tổ chức “chiến dịch” di tản mang tên “Người liều mạng”, dồn hết máy bay trực thăng đến Sài Gòn để bốc cố vấn quân sự Mỹ và chóp bu, ngụy quân Sài Gòn tháo chạy.
Sau nửa thế kỷ đất nước ta hoàn toàn giải phóng, dân tộc ta non sông về một giải, hồi tưởng lại chiến công lịch sử năm đó, ông Nguyễn Văn Lục bồi hồi, xúc động về những năm tháng sống hết mình cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, không màng tính mạng.
“Có được chiến thắng đó, là sự dũng cảm hy sinh và quyết chiến, quyết thắng của cả dân tộc để làm nên chiến thắng lịch sử, trong đó rất vinh dự và may mắn, chúng tôi được Đảng, Nhà nước, Quân đội giao trọng trách một trong những nhiệm vụ quan trọng là tấn công vào sào huyệt cuối cùng của địch. Chúng tôi cảm thấy vinh dự, tự hào và thấy mình đã góp phần công sức nhỏ bé của mình vào chiến thắng lịch sử của dân tộc”, ông Lục xúc động nói.
Mừng chiến thắng giải phóng miền nam, các phi công lại về sân bay Cần Thơ, tiếp tục chiến đấu giải phóng các đảo phía nam. Năm 1976, ông ra Hải Phòng, làm giáo viên huấn luyện bay trên biển, ném bom thia lia trên biển. Đến 1978, ông lại dẫn phi đội của Trung đoàn 923 vào Biên Hòa phục vụ cho nhiệm vụ chiến đấu giải phóng Campuchia.
50 năm qua, người chỉ huy phi đội năm xưa vẫn đảm đương với công việc làm Trưởng Ban liên lạc Phi đội Quyết thắng. Những ngày sau khi đất nước giải phóng, phi công Hoàng Mai Vượng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Sau này, có dịp về thắp hương cho đồng đội, nhìn căn nhà đơn sơ, di ảnh và bát hương chỉ đặt trên chiếc hòm, ông không khỏi xót xa. Với vai trò là một Đại đội trưởng, ông Nguyễn Văn Lục đề nghị Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân tặng một số đồ dùng thiết yếu, tivi và hỗ về mặt kinh phí để sửa chữa nhà cho khang trang hơn và điều ấy đã được thực hiện ngay lập tức. Với phi công Trần Văn On, Phi đội cũng đặt vấn đề với Sư đoàn 370 hỗ trợ trao tặng sổ tiết kiệm cho gia đình. Những điều ấy, thể hiện trách nhiệm của người chỉ huy với anh em.
Tròn 50 năm kể từ trận đánh lịch sử năm ấy, ông Nguyễn Văn Lục đang bận rộn để tổ chức buổi gặp mặt. Ông tâm sự, đến nay, chỉ còn 25 đồng chí còn sống, những năm sau chắc còn rơi rớt nữa. Ông mong lần này sẽ mời được đầy đủ lãnh đạo đương chức, Thủ trưởng các đơn vị và anh em để ôn lại kỷ niệm, ôn lại chiến công hào hùng “có một không hai” của Quân chủng Phòng không-không quân nhân dân Việt Nam.
“Trong 10 năm từ 1965 đến 1975, chúng ta chỉ làm nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ mục tiêu trọng yếu để chống chiến tranh phá hoại của địch. Sau 10 năm, không quân ta vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng vào thời điểm lịch sử tháng 4/1975, chúng ta không chỉ phòng thủ, bảo vệ mà chúng ta đã chuyển từ phòng thủ sang tấn công vào sào huyệt cuối cùng của địch, làm rung chuyển Sài Gòn, đánh bại ý chí của kẻ địch, làm chủ bầu trời Sài Gòn. Đó là điều kiêu hãnh, tự hào của quân đội ta nói chung và không quân Việt Nam nói riêng”, Đại tá Nguyễn Văn Lục tự hào nói.
Nguồn: https://special.nhandan.vn/phicongnguyenvanluc-phidoiquyetthang/index.html
Bình luận (0)