50 năm qua, Bình Thuận đã "thay da đổi thịt”, vươn mình phát triển đầy ấn tượng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Bình Thuận tiếp tục chung sức, chung lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh xứng đáng với truyền thống yêu nước vẻ vang của vùng đất kiên trung. 50 năm - một hành trình đầy gian khó song rất đỗi tự hào, Bình Thuận hôm nay tràn đầy khát vọng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thắng giặc thời chiến
Lật từng trang sử trở lại về những năm tháng hào hùng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc cứu nước, lúc bấy giờ Bình Thuận là một địa bàn quan trọng nối liền giữa Nam Tây Nguyên, Khu 5 và Nam bộ. Để thực hiện mục tiêu chiếm đất, giành dân và tiêu diệt lực lượng cách mạng, địch đã sử dụng nhiều chiến lược, chiến thuật như "Trực thăng vận", "Chiến xa vận", "Bủa lưới phóng lao", "Bình định đặc biệt", "Bình định cấp tốc", chà đi xát lại các địa bàn Tam Giác, Khu Lê... liên tục tiến hành hàng loạt các cuộc hành quân càn quét (Sơn Dương 1, Sơn Dương 2, Bình Lâm 1, Bình Lâm 2...); nhân dân luôn phải sống trong cảnh đàn áp, khủng bố với biết bao gian nguy, ác liệt. Trong quá trình xây dựng thế trận tiến công địch, các lực lượng vũ trang, chính trị, binh... không ngừng lớn mạnh; các căn cứ như Khu Lê Hồng Phong, Khu Tam Giác, miền Tây Hàm Thuận, Bắc Bình, vùng Đông Tánh Linh (núi Ông)... đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho lực lượng cách mạng chiến đấu và trưởng thành.
Vào tháng 10/1974, Hội nghị Bộ Chính trị đã thông qua kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Lúc này, địch sáp nhập hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận vào vùng 3 chiến thuật để hòng quyết giữ phần đất còn lại làm "lá chắn" bảo vệ Sài Gòn. Cục diện chiến trường ở Bình Thuận thay đổi mau lẹ, tháng 12/1974 quân và dân tỉnh ta giải phóng 2 huyện Tánh Linh, Hoài Đức, đồng thời làm chủ nhiều vùng nông thôn rộng lớn ở các huyện Hàm Thuận, Bắc Bình, Tuy Phong, tạo vành đai vây ép địch trong các trung tâm thị trấn, thị xã. Mặt khác, bọn tàn binh địch từ các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung chạy về càng làm cho ngụy quân, ngụy quyền tại địa phương vô cùng hoang mang lo sợ. Khi cục diện chiến trường có bước nhảy vọt, xuất hiện thời cơ thuận lợi, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Và rồi, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã diễn ra với nhịp độ thần tốc, quân và dân Bình Thuận đã dồn sức phối hợp với lực lượng chủ lực quyết tấn công tiêu diệt địch tại địa phương. Ngày 8/4/1975 lực lượng ta tấn công Chi khu Thiện Giáo và làm chủ Chi khu quận lỵ Ma Lâm, làm rúng động hệ thống đồn bót địch dọc đường 8 và khu vực xung quanh. Sáng 18/4, các huyện Tuy Phong, Hòa Đa, Phan Lý, Hải Ninh lần lượt được giải phóng. Trong lòng thị xã Phan Thiết, đảng viên và cơ sở của ta hướng dẫn quần chúng sẵn sàng nổi dậy phối hợp với bên ngoài. Đêm 18/4, tại thị xã Phan Thiết, quân ta với 3 mũi chủ yếu đồng loạt tấn công. Địch hốt hoảng tháo chạy tán loạn; sáng 19/4/1975, thị xã Phan Thiết hoàn toàn giải phóng.
Sau khi giải phóng thị xã Phan Thiết, lực lượng ta vượt sông Dinh thọc thẳng xuống tiểu khu Bình Tuy thị trấn La Gi, và giải phóng tỉnh Bình Tuy vào ngày 23/4; được sự chi viện của Đoàn 382 Hải quân, đêm 26/4/1975, Tiểu đoàn 482 của tỉnh, Đại đội 490 giải phóng đảo Cù Lao Thu, tức đảo Phú Quý ngày 27/4/1975. Sau 51 ngày đêm liên tục tấn công và nổi dậy, quân dân tỉnh ta đã giải phóng hoàn toàn quê hương, góp phần cùng quân dân cả nước lập nên kỳ tích đại thắng mùa Xuân năm 1975.
21 năm trường kỳ kháng chiến, vượt qua muôn vàn gian khó, chiến đấu anh dũng kiên cường chống đế quốc xâm lược và bè lũ tay sai, quân và dân Bình Thuận đã chiến đấu 9.053 trận, diệt 55.171 tên địch, thu 39.212 súng các loại, phá hủy 185 xe tăng và bắn rơi 279 máy bay địch. Những tên đất, tên người đã ghi vào lịch sử “Khu Lê bất khuất, Tam giác kiên cường, Nam Sơn trung dũng”… xứng đáng với 12 chữ vàng mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng “Tự lực, tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang”.
“Trị hạn” thời bình
Tiếng súng đã im, khói lửa của chiến tranh cũng đã được dẹp tan, Bình Thuận bước vào công cuộc xây dựng, kiến thiết lại quê hương. Thế nhưng, trên tiến trình ấy, tỉnh nhà phải đối mặt với bao gian nan, thử thách. Những mảnh đất bị bom cày xới, những cánh đồng khô cháy, cây cối xác xơ… Thừa nắng, thiếu mưa, đất đai cằn cỗi, hoang hóa… Giặc hạn, giặc đói bủa vây. Song, chính trong khó khăn, tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường của con người Bình Thuận lại tiếp tục tỏa sáng qua từng công việc, từng dự án xây dựng, để tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển sau này.
Để thoát nghèo, bài toán đặt ra lúc này là nước. Bởi, “sống ở vùng khát”, hơn ai hết, người dân Bình Thuận thấy được giá trị của nước. Đặc biệt, sau giải phóng, số lượng công trình thủy lợi không nhiều, tỷ lệ những cánh đồng được tưới nước khá thấp, chỉ khoảng 3, 4%. Đất đai, ruộng vườn thì nhiều nhưng cằn cỗi, cây sống không nổi, cuộc sống của người nông dân thực sự cơ cực… Năm 1993, sau khi vào thăm và làm việc tại Bình Thuận, Tổng Bí thư Đỗ Mười (lúc bấy giờ) đã chỉ rõ, với Bình Thuận, phải tập trung làm thủy lợi để lo nước cho sản xuất.
“Bài toán” lo nước cho dân được các thế hệ lãnh đạo tỉnh Bình Thuận xem là nhiệm vụ sống còn và quyết tâm thực hiện. Hành trình “trị hạn” hồi sinh những vùng đất hoang hóa, khô cằn bằng việc cho ra đời các công trình thủy lợi như: Hồ Cà Giang, hồ Sông Quao, hồ Tân Lập... trong đó, hồ Sông Quao lớn nhất, chứa được 73 triệu mét khối nước.
Một hành trình không ngưng nghỉ, hằng chục năm trời, từ nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác, các thế hệ lãnh đạo tỉnh vừa tranh thủ nguồn hỗ trợ của Trung ương, vừa tự lực cánh sinh, chắt chiu ngân sách, huy động sức dân để đắp đập, xây hồ trữ nước, đào kênh, mương dẫn nước. Những công trình thủy lợi lớn, nhỏ tiếp tục ra đời, hình thành hệ thống thủy lợi tương đối đều khắp như hồ Cà Giây, hồ Lòng Sông, hồ Đaguri, hồ Sông Dinh, hồ Sông Móng, đập dâng Tà Pao, đập Ba Bàu... cùng hệ thống kênh Phan Rí - Phan Thiết, kênh 812 - Châu Tá, kênh chính đập dâng Tà Pao (Bắc - Nam), kênh chính Tây hồ Sông Dinh, kênh Sông Móng - Đu Đủ - Tân Lập - Tà Mon và hàng chục trạm bơm công suất lớn...
Đặc biệt, làm thủy lợi nhỏ đã đi vào những chỉ thị, nghị quyết của Đảng, lan tỏa trở thành phong trào rộng rãi trong toàn tỉnh. Nơi nào chưa có nước, người dân giúp nhau làm thủy lợi nhỏ, dẫn nước về. Người dân cũng không ngại ngần giao đất sản xuất của mình để đào kênh, Nhà nước đền bù được bao nhiêu cũng vui vẻ nhận, không so tính thiệt hơn… Cuộc chiến “trị hạn” một lần nữa nối ý Đảng với lòng Dân, tạo ra sức mạnh, đưa nước đến mọi nơi, tạo tiền đề cho nông nghiệp, nông thôn phát triển. Cũng từ đây, nông dân Bình Thuận đã bắt đầu thay đổi tư duy để sản xuất, chuyển đổi mô hình công nghệ cao, bắt đầu thu về những mùa vàng trên những cánh đồng “không dấu chân”. Màu xanh trên đất, cuộc sống ngày càng ấm no của nhân dân chính là chiến thắng cuối cùng trong cuộc chiến "trị hạn" của Đảng bộ, chính quyền và quân dân Bình Thuận.
Đến nay, ngoài hệ thống sông, hồ, Bình Thuận đã xây dựng được 78 công trình thủy lợi, 209 công trình hồ chứa, đập dâng, trạm bơm cùng với hệ thống hơn 4.000 km kênh mương... Hệ thống kênh này không chỉ đưa nước về các vùng sản xuất nông nghiệp mà còn kết nối các hồ chứa nước với nhau, tạo ra sự linh hoạt của toàn hệ thống như hồ lớn tăng cường tích trữ vào mùa mưa, cấp đủ nước cho hồ nhỏ vào mùa khô, nâng cao khả năng cung cấp nước tưới cho các vùng.
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/anh-hung-thoi-chien-vung-tien-thoi-binh-129491.html
Bình luận (0)