Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ba anh em một nhà cùng tham gia Chiến dịch mùa xuân 1975

Việt NamViệt Nam27/04/2025


Một gia đình có 4 quân nhân chống Mỹ cứu nước, trong đó 3 người trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân 1975, được Chính phủ tặng “Bảng vàng Danh dự” là một trong những câu chuyện như thế.

giai-phong-mien-nam-8.jpg
Bức ảnh chụp 3 anh em Hoàng Kim Tuyên (đã mất), Hoàng Kim Hiên và Hoàng Phúc Hưng. (Ảnh lưu niệm gia đình)

1. Tôi đến phố Cù Chính Lan (quận Thanh Xuân) thăm Đại tá Hoàng Kim Hiên, nguyên cán bộ chính trị của Cục Chính trị Quân đoàn 1. Ngôi nhà nằm khuất nẻo trong ngõ sâu. Đại tá Hoàng Kim Hiên năm nay đã bước sang tuổi 85, nhưng khí chất người lính vẫn toát lên trong dáng vẻ rắn rỏi.

Ông vốn là cộng tác viên của Báo Hànộimới, nhiều lần trao đổi, trò chuyện với ông, tôi vô tình biết được gia đình ông có 4 anh em trai thì tất cả đều tham gia phục vụ quân đội. Đó là các ông Hoàng Kim Tuyên, Hoàng Kim Hiên, Hoàng Kim Hiển và Hoàng Phục Hưng. Và ba trong số bốn người đó đã cùng tham gia Chiến dịch mùa xuân năm 1975. Chỉ có ông Hiển là bác sĩ quân y Binh đoàn 11 nên không trực tiếp tham gia.

Bốn anh em ông Hiên được sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Thân sinh của họ là cụ ông Hoàng Kim Tu và cụ bà Nguyễn Thị Nguyên cùng sinh năm 1910. Cụ Tu vốn là tự vệ thành Hoàng Diệu, đã tham gia chiến đấu bảo vệ Thủ đô trong trận chiến ác liệt mở màn cuộc kháng chiến chống Pháp mùa Đông năm 1946.

Sau ngày đó, cả gia đình tản cư sang Bắc Ninh, rồi tiếp tục lên chiến khu Việt Bắc, trú tại huyện Phú Bình, Thái Nguyên. Tại đây, cụ Tu được cử đi học ngành Y tế, sau đó tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Đến năm 1954, cả gia đình trở về Hà Nội. Ban đầu, gia đình mở tiệm ở phố Tràng Tiền, sau đó chuyển sang Tràng Thi.

Dòng đời chảy trôi, 4 anh em trai lớn lên trong vòng tay cha mẹ trong những năm tháng gian khó khi đất nước bị chia cắt. Ai cũng cố gắng học tập, phấn đấu và lúc nào cũng trong tâm thế sẵn sàng lên đường phục vụ Tổ quốc. Có lẽ do có duyên với quân y từ người cha nên người anh cả Hoàng Kim Tuyên vào quân đội cũng theo ngành Y, phục vụ trong Bệnh viện 103, rồi chuyển sang Bệnh viện Quân khu 4, đặc biệt có nhiều thời gian phục vụ chiến đấu trên đất bạn Lào trước khi tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam. Sau này khi chuyển ngành, ông Tuyên trở thành bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức.

Đại tá Hoàng Kim Hiên là con thứ hai trong gia đình. Học về kinh tế - tài chính, sau khi ra trường ông công tác tại Tạp chí Giao tế. Năm 1965, theo tiếng gọi của non sông, ông lên đường tòng quân, tham gia cả 4 chiến dịch lớn: Khe Sanh 1968, Đường 9 Nam Lào 1971, Quảng Trị 1972 và Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh 1975.

Người con thứ ba là Hoàng Kim Hiển nhập ngũ năm 1963, sau đó được cử đi học bác sĩ và phục vụ trong Binh đoàn 11, đóng quân ở miền Bắc..

Người con thứ tư là Hoàng Phục Hưng, khi đang học phổ thông thì ông Hưng được khám tuyển và cử đi học không quân ở Trung Quốc, đến năm 1968 thì trở về rồi tham gia chiến đấu tại chiến trường nước bạn Lào.

Đại tá Hoàng Kim Hiên chia sẻ, khi cán bộ khu phố mang giấy gọi nhập ngũ của người con út đưa cho cụ Hoàng Kim Tu, cụ bảo, nhà có 4 đứa, thì 3 đứa đi rồi, cụ không đành lòng để đứa út đi. Nhưng rồi vì lòng yêu nước và khát vọng thống nhất Tổ quốc, cụ vẫn để con đi và không quên dặn một câu: “Con đi nhớ dù vất vả, hiểm nguy đến đâu cũng không được đảo ngũ!”.

giai-phong-mien-nam-8a1.jpg
Đại tá Hoàng Kim Hiên kể về Chiến dịch mùa xuân năm 1975.

2. Nhớ lại những ngày tháng hào hùng cách đây 50 năm khi hòa vào dòng chảy cả nước hướng về miền Nam ruột thịt, Đại tá Hoàng Kim Hiên kể, khi được nghe phổ biến quán triệt mệnh lệnh Quân đoàn 1 vào gấp Đồng Xoài, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị ông hết sức vui sướng.

Bản thân ông tâm niệm đã tham gia 3 chiến dịch nhưng mới chỉ đến được Quảng Trị thì giống như “Đường giải phóng mới đi một nửa”. Nay thời cơ đến thực sự là thỏa niềm ước mong “tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù” để “Bắc Nam xum họp xuân nào vui hơn”. “Sài Gòn! Hai tiếng thân thương ấy cứ vang lên thôi thúc, giục giã chúng tôi khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho cuộc hành quân lịch sử” - ông chia sẻ.

Đơn vị hành quân ngay để kịp thực hiện nhiệm vụ. Hành trình gập ghềnh từ quốc lộ 1, qua Vinh, đèo Ngang, Đồng Hới, sông Bến Hải, Dốc Miếu, Gio Linh, thị xã Đông Hà, rồi đường 9 qua Cam Lộ, Ba Lòng, Khe Sanh, Hướng Hóa; tiếp đến Lao Bảo, cầu Chaky, Huội San, Bản Đông trên nước bạn Lào... Sau đó đơn vị hành quân đến Sê Pôn, rồi rẽ về hướng Nam theo đường Tây Trường Sơn qua Thakhek, Savannakhet, cao nguyên Bolaven của nước bạn Lào.

Đội hình hành quân vừa tới đèo Nứa thì nhận được lệnh của Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận! Giải phóng miền Nam! Quyết chiến và toàn thắng!”. Nội dung mệnh lệnh như một lời hịch thiêng liêng nhanh chóng được truyền đi khắp các đơn vị, được ghi thành các khẩu hiệu dán lên vành mũ, báng súng, trên thùng xe, trên nòng, lá chắn các khẩu pháo...

Ông Hiên hào hứng kể: Một khí thế thi đua sôi nổi dâng lên trong toàn quân đoàn, ai ai cũng muốn “thần tốc” xốc tới mặt trận. Người bám xe, xe bám đường, xe hỏng thì khẩn trương sửa chữa, cứu kéo khắc phục ngay. Lái xe chính kèm lái phụ đảm bảo xe luôn lăn bánh, tốc độ hành quân nâng lên tới mức cao từ 100 đến 150km/ngày, tăng lên 200 rồi 250km/ngày... Bộ đội nghỉ ngủ trên thùng xe tải chạy xóc nhảy chồm chồm... Ngày 13-4-1975, Quân đoàn 1 có mặt ở Đồng Xoài - Bình Long. Quân đoàn đã thực hiện thắng lợi cuộc hành quân thần tốc, đi qua chặng đường dài nhất, nhiều địa hình phức tạp nhất, di chuyển một lượng binh chủng hợp thành lớn nhất từ trước đến nay...

Đêm đầu tiên mắc võng nằm trong rừng cao su Đồng Xoài và cũng là lần đầu tiên tôi được cùng Quân đoàn 1 đặt chân tại Thành đồng Tổ quốc, tiền tuyến anh hùng. 0h ngày 29-4-1975, năm cánh quân trên các hướng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với khí thế: “Tiến lên, toàn thắng ắt về ta” đã tiến công vào 5 mục tiêu chủ yếu ở nội đô Sài Gòn... Ở hướng Bắc, Quân đoàn 1, sau khi làm tan rã Sư đoàn 5, Lữ đoàn 3 thiết giáp và 4 tiểu đoàn bảo an ngụy, giải phóng tỉnh Bình Dương, tiếp tục thần tốc đánh chiếm và làm chủ Bộ tổng tham mưu ngụy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao...

Kể đến đây, Đại tá Hoàng Kim Hiên cầm tấm ảnh 3 anh em ông đưa cho tôi xem và ông xúc động chia sẻ: “Không hẹn mà gặp, cả 3 anh em cùng đi chiến dịch, góp phần nhỏ bé cùng quân dân cả nước làm nên đại thắng vĩ đại mùa xuân 1975”. Trong khi ông đi theo Quân đoàn 1, thì từ ngày 16-3-1975, anh cả Hoàng Kim Tuyên, nguyên Tiểu đoàn trưởng Quân y, Sư đoàn 968 đã cùng đơn vị tham gia đánh địch rút chạy và góp phần lần lượt giải phóng Pleiku, Kontum, Đà Nẵng, các đảo Hòn Tre, Cù Lao Thu (đảo Phú Quý), Khánh Hòa... Còn người em út Hoàng Phục Hưng, nguyên Chính trị viên phó Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 149, Sư đoàn 316, đã tham gia trận mở màn tiến công thị xã Buôn Mê Thuột trong chiến dịch Tây Nguyên tháng 3-1975, góp phần đập vỡ một mảng lớn hệ thống phòng thủ của địch trên chiến trường Tây Nguyên...

Nhớ lại thời khắc lịch sử ngày 30-4-1975, Đại tá Hoàng Kim Hiên cho biết, khi đó tại Cục Chính trị thuộc Sở chỉ huy Quân đoàn 1, ông cùng đồng đội mở máy thu thanh nghe tin chiến thắng. Lúc Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, tất cả đều nhảy lên, reo lên, ôm hôn nhau. Tiếng vỗ tay, tiếng cười ran, náo nhiệt, tưng bừng như cả mùa xuân đang tràn về.



Nguồn: https://hanoimoi.vn/ky-niem-50-nam-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-30-4-1975-30-4-2025-ba-anh-em-mot-nha-cung-tham-gia-chien-dich-mua-xuan-1975-700519.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM
Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025
Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm