Đó là câu chuyện về Trung tá QNCN Đỗ Thị Hồng Nhung, diễn viên Đội Múa (Đoàn Văn công Quân khu 3) cùng 2 cháu gái là Thiếu úy QNCN Lê Thị Phương Ly, diễn viên Đội múa (Đoàn Văn công Quân khu 3) và Đỗ Phương Hoài Linh, học viên Lớp 40, Khoa Múa, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Với niềm vinh dự và tự hào, Trung tá QNCN Đỗ Thị Hồng Nhung cùng 2 cháu gái đang tích cực luyện tập để đóng góp vào thành công của lễ kỷ niệm.

Khi tiếp xúc với đồng chí Nhung cùng 2 cháu gái, điểm chung lớn nhất chúng tôi nhận thấy chính là sự đam mê đối với nghệ thuật múa và tình yêu dành cho màu xanh áo lính. “Phương Ly là con của chị gái, còn Hoài Linh là con của anh trai tôi. Cả hai cháu đến ở với tôi khi mới 10 tuổi. Do thấy các cháu đam mê học múa nên bố mẹ các cháu gửi gắm đến ở cùng tôi. Cùng sống dưới một mái nhà, chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ và truyền dạy, uốn nắn cho các cháu những bài học múa đầu tiên nên tôi coi các cháu như con của mình. Với các cháu, tôi cũng như người mẹ thứ hai, cùng chia sẻ buồn vui, cùng nỗ lực cố gắng để thực hiện ước mơ của bản thân”, Trung tá QNCN Đỗ Thị Hồng Nhung tâm sự.

Trung tá QNCN Đỗ Thị Hồng Nhung, diễn viên Đội Múa (Đoàn Văn công Quân khu 3) luyện tập cùng các đồng nghiệp. 

Được cô - dì dìu dắt, Ly và Linh luôn nỗ lực học tập và phấn đấu trở thành diễn viên múa trong Quân đội. Thiếu úy QNCN Lê Thị Phương Ly tốt nghiệp và về công tác tại Đoàn Văn công Quân khu 3 cùng dì. Còn Hoài Linh hiện đang là sinh viên năm thứ hai khoa Múa, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội.

Như một cơ duyên, để phục vụ cho Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả 3 cô cháu, dì cháu đều được triệu tập. Với trách nhiệm của một quân nhân và niềm vinh dự khi được lựa chọn phục vụ diễu binh và xếp hình nghệ thuật, 3 thành viên trong gia đình đều nỗ lực luyện tập cao nhất, khắc phục khó khăn, sắp xếp công việc gia đình và chuyên môn tại đơn vị để hoàn thành nhiệm vụ.

Người “hành quân” trước là Thiếu úy QNCN Lê Thị Phương Ly khi em được triệu tập vào đội hình của khối nữ sĩ quan gìn giữ hòa bình Việt Nam vào tháng 12 năm 2024. Hằng ngày quen với các động tác múa mềm mại, nghệ thuật nhưng khi luyện tập diễu binh, Phương Ly nhanh chóng tiếp cận, chăm chỉ luyện tập, thực hiện các động tác đúng điều lệnh, thể hiện sự mạnh mẽ, hùng mạnh của Quân đội. Phương Ly cho biết: “Cùng với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chỉ huy Đoàn Văn công Quân khu 3 cũng thường xuyên duy trì chúng tôi học tập tại chức, trong đó có điều lệnh đội ngũ nên tôi đã nắm vững những động tác cơ bản để bước vào luyện tập nâng cao, với yêu cầu khắt khe hơn. Những ngày đầu luyện tập, tôi cùng các chị em có bị đau mỏi nhưng nhờ kinh nghiệm khi tập múa, tôi nhanh chóng khắc phục được tình trạng đó”.

Thiếu úy QNCN Lê Thị Phương Ly trong quân phục nữ sĩ quan gìn giữ hòa bình Việt Nam luyện tập diễu binh

Sau gần 5 tháng luyện tập, đến nay, Thiếu úy QNCN Lê Thị Phương Ly cùng cán bộ, nhân viên trong khối nữ sĩ quan gìn giữ hòa bình Việt Nam ngày càng tiến bộ, hiệp đồng động tác trong khối đạt được yêu cầu: Đúng, đều, mạnh, đẹp, thống nhất, qua các lần kiểm tra của Quân khu, hợp luyện do Bộ Quốc phòng tổ chức đều được đánh giá cao.

Những ngày đầu tháng 3, được giao thực hiện nhiệm vụ bổ sung, Trung tá QNCN Đỗ Thị Hồng Nhung cùng học viên Đỗ Phương Hoài Linh bắt đầu luyện tập cho màn xếp hình nghệ thuật trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thời lượng chương trình chỉ có gần 10 phút nhưng tái hiện lại những hình ảnh lịch sử của giai đoạn giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước với yêu cầu cao, động tác chuẩn xác, tạo được hình khối, vừa bảo đảm tính nghệ thuật vừa thực hiện các động tác điều lệnh kèn của quân nhạc. Trung tá QNCN Đỗ Thị Hồng Nhung chia sẻ: “Phần biểu diễn cần sự hiệp đồng chặt chẽ từ tất cả các thành viên trong khối, nhất là việc đi đúng tuyến, đứng đúng vị trí, không được lệch dù chỉ vài centimet nếu không sẽ ảnh hưởng việc tạo hình. Bên cạnh đó, việc thực hiện các động tác vừa uyển chuyển, mềm mại nhưng cũng vẫn phải dứt khoát, mạnh mẽ theo điều lệnh quân nhạc”.

Còn với cô sinh viên năm thứ hai Đỗ Phương Hoài Linh, được cùng cô Nhung và các cô chú đồng nghiệp tham gia biểu diễn trong một chương trình lớn, Linh cảm thấy rất vinh dự, tự hào nhưng cũng rất hồi hộp, lo lắng. “Các cô, chú đều là những người có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn và bản lĩnh khi tham gia chương trình, do đó, việc nắm bắt kịch bản, thực hiện động tác cũng nhanh hơn tôi”, Đỗ Phương Hoài Linh bày tỏ.

 Trung tá QNCN Đỗ Thị Hồng Nhung.

Dù phải luyện tập gấp rút, cường độ cao, thời tiết thất thường, khi nắng, khi mưa nhưng Trung tá QNCN Đỗ Thị Hồng Nhung vẫn động viên Đỗ Phương Hoài Linh cùng nỗ lực cố gắng. Sau mỗi buổi tập, hai cô cháu đều tập thêm để giúp Linh thực hiện động tác mềm mại, uyển chuyển hơn.

Thời gian qua, Đoàn Văn công Quân khu 3 được giao thực hiện rất nhiều nhiệm vụ đan xen, thời gian chuẩn bị gấp, yêu cầu nghệ thuật cao nhưng Trung tá QNCN Đỗ Thị Hồng Nhung và Thiếu úy QNCN Lê Thị Phương Ly luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, cùng cả Đoàn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, gặt hái nhiều thành tích nổi bật như tham gia Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2023, đạt huy chương Vàng.

Với niềm khát khao cống hiến cho nghệ thuật và tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, Trung tá QNCN Đỗ Thị Hồng Nhung cùng Thiếu úy QNCN Lê Thị Phương Ly và học viên Đỗ Phương Hoài Linh đang nỗ lực, gấp rút luyện tập, sẵn sàng đóng góp vào thành công của Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

PHẠM QUYẾT - NGỌC ÁNH

Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/ba-co-chau-cung-tham-gia-ngay-hoi-thong-nhat-non-song-824610