Tuy nhiên, để phát triển bền vững, đồng bộ, hiện đại sau khi sáp nhập, tỉnh cần tiếp tục có những giải pháp cả trước mắt và lâu dài, bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng và chất lượng cuộc sống của người dân.
Tăng tính kết nối, tạo diện mạo mới
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Kết luận số 103 ngày 9/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Bắc Giang (trước khi sáp nhập) có bước chuyển mạnh mẽ về hạ tầng và diện mạo đô thị. Toàn tỉnh có gần 20 đô thị loại II, loại IV, loại V, thuộc các phường, xã: Bắc Giang, Việt Yên, Chũ, Hiệp Hòa…
Một góc đô thị phường Kinh Bắc. |
Được biết, ngay từ khi ban hành kết luận, tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền triển khai nghiêm túc từ khâu học tập, quán triệt đến cụ thể hóa bằng các kế hoạch hành động, chương trình phát triển đô thị phù hợp với điều kiện từng địa phương. Bên cạnh chú trọng công tác tuyên truyền, tỉnh chủ động kêu gọi các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các khu đô thị, khu dân cư mới. Qua đó, hàng loạt dự án nhà ở, công trình công cộng dần hình thành, mang lại sự thay đổi tích cực trong không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị.
Nổi bật là dự án Khu đô thị hỗn hợp và giải trí cao cấp thành phố Bắc Giang (Royal Mansion) thuộc phường Bắc Giang do Tập đoàn Tuta làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư hơn 3 nghìn tỷ đồng, được xem là một trong những tổ hợp hiện đại tại tỉnh. Dự án bao gồm khách sạn 5 sao quốc tế mang thương hiệu Marriott, tháp văn phòng, bốn tòa căn hộ cao cấp cao 29 tầng và 171 căn shophouse thương mại, tích hợp hệ thống tiện ích đẳng cấp như trung tâm hội nghị 2 nghìn chỗ ngồi, khu thương mại - giải trí, chăm sóc sức khỏe và trường mầm non quốc tế. Với định hướng phát triển bền vững, năm 2024, Tập đoàn lần đầu hợp tác với các thương hiệu lớn toàn cầu như Marriott, CBRE (Mỹ) và Adaes (Anh), mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tỉnh Bắc Ninh phấn đấu đến năm 2030 đáp ứng tiêu chí đô thị loại I và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành lập 48 phường của tỉnh Bắc Ninh mới; là tỉnh đứng trong tốp đầu cả nước về quy mô kinh tế; một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển; là thành phố xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống với trình độ phát triển cao, mang đậm bản sắc văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc. |
Hạ tầng giao thông và đô thị cũng được đầu tư đồng bộ góp phần nâng cao tính kết nối và diện mạo hiện đại. Nổi bật là các tuyến đường huyết mạch kết nối đôi bờ sông Cầu, sông Thương, mở rộng liên vùng với các tỉnh lân cận như Hải Dương (cũ), Thái Nguyên, Quảng Ninh, Lạng Sơn… Bên cạnh đó, nhiều công trình điểm nhấn mang dấu ấn kiến trúc đô thị đưa vào vận hành như tòa nhà liên cơ quan cao 22 tầng nổi và 2 tầng hầm, Trung tâm Văn hóa - Triển lãm tỉnh, Quần thể văn hóa thể thao, Công viên Nguyễn Thế Nho, Quảng trường trung tâm phường Nếnh…, tạo diện mạo đô thị năng động, đáng sống. Tính đến hết năm 2024, tỷ lệ dân số đô thị của tỉnh Bắc Giang trước khi sáp nhập đạt hơn 57,1%, vượt hơn 24,7% so với kế hoạch (32,4%). Đây là kết quả ấn tượng, phản ánh xu hướng dịch chuyển dân cư, mở rộng không gian đô thị.
Tỉnh Bắc Ninh (cũ) cũng đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển đô thị. Tỉnh thường xuyên rà soát, điều chỉnh các chương trình phát triển đô thị, lựa chọn dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư và hiện đã đạt tỷ lệ đô thị hóa 60,3%, cao hơn mức trung bình cả nước. Hiện nay đang triển khai dự án khu đô thị hàng chục nghìn tỷ đồng với sự tham gia của Tập đoàn Vingroup, Sungroup…
Ban hành cơ chế tạo bước đột phá
Khảo sát cho thấy, trong phát triển đô thị, tại cả hai địa phương Bắc Giang, Bắc Ninh (cũ) đều có bước chuyển mạnh mẽ song vẫn còn những điểm “nghẽn”. Cụ thể, dù tỷ lệ dân số đô thị đến cuối năm 2024 của tỉnh Bắc Giang vượt mục tiêu đề ra nhưng mức tăng chủ yếu do sáp nhập đơn vị hành chính, chưa tạo được sức hút mạnh mẽ về chuyển dịch dân cư tự nhiên từ nông thôn ra thành thị. Tiến độ lập và điều chỉnh quy hoạch sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt còn chậm; nguồn vốn cho quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức, chủ yếu dựa vào xã hội hóa. Không gian cây xanh quy mô lớn còn thiếu, diện tích khuôn viên tại các khu dân cư, khu đô thị còn nhỏ, thiếu không gian vui chơi, giải trí. Dịch vụ đô thị phát triển chậm.
Bên cạnh đó, hạ tầng xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu, thiếu các dự án thương mại, dịch vụ quy mô lớn phục vụ chuyên gia và người dân. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm, nhiều địa phương thiếu chủ động dẫn tới tiến độ dự án bị kéo dài. Trong quản lý đô thị, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè còn diễn ra phổ biến; việc thi tuyển, chọn phương án kiến trúc các công trình công cộng còn hạn chế khiến cảnh quan thiếu đồng bộ; chất lượng giám sát thực hiện hợp đồng đầu tư chưa được quan tâm đúng mức.
Phối cảnh dự án Khu đô thị tại phường Đa Mai đang được triển khai. |
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, sau sáp nhập, tỉnh Bắc Ninh phấn đấu đến năm 2030 đáp ứng tiêu chí đô thị loại I và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành lập 48 phường của tỉnh Bắc Ninh mới; là tỉnh đứng trong tốp đầu cả nước về quy mô kinh tế; một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển; là thành phố xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống với trình độ phát triển cao, mang đậm bản sắc văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc. Để đạt mục tiêu trên, trong giai đoạn tới đòi hỏi tỉnh tiếp tục hoàn thiện về cơ chế, chính sách và định hướng chiến lược.
Sau khi hợp nhất hai địa phương đã mở rộng không gian phát triển nên cần khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành, đồng thời xây dựng và ban hành các cơ chế mới mang tính đột phá nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển đô thị và kinh tế đô thị. Nhiều ý kiến đề xuất, ngành chức năng cần tham mưu để Ban Thường vụ Tỉnh ủy sớm ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển đô thị tỉnh Bắc Ninh giai đoạn đến năm 2030 nhằm tạo động lực mới cho công cuộc đô thị hóa nhanh, bền vững.
Cùng với đó, tăng cường huy động nguồn lực đầu tư cho công tác quy hoạch, đẩy mạnh phủ kín quy hoạch đô thị với tư duy mới, tầm nhìn dài hạn. Quy hoạch các khu đô thị, khu dân cư cần phát huy bản sắc vùng miền, lồng ghép hợp lý các công trình phúc lợi xã hội, hạ tầng dịch vụ, thương mại, nhà ở xã hội tại những vị trí thuận lợi, đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm. Gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch đô thị với quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực khác là yêu cầu bắt buộc để bảo đảm tính nhất quán và khả thi trong tổ chức thực hiện.
Các đô thị hiện hữu và khu vực xã, phường mới hình thành phải được đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật trước khi cho phép triển khai dự án. Đặc biệt, cần nhanh chóng khắc phục tình trạng ngập úng đô thị, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm cho việc lập dự án, đầu tư đô thị cho giai đoạn tới.
Nguồn: https://baobacninhtv.vn/bac-ninh-go-diem-nghen-tao-dot-pha-phat-trien-do-thi-postid422332.bbg
Bình luận (0)