Nỗ lực ổn định đời sống đối tượng chính sách
Trải qua các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như những địa phương khác trong cả nước, Bắc Ninh có hàng nghìn người con ưu tú đã chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần xương máu ở các mặt trận. Theo thống kê của Phòng Người có công (Sở Nội vụ), tỉnh Bắc Ninh hiện đang quản lý hơn 284,8 nghìn hồ sơ người có công. Trong đó có hơn 37,2 nghìn liệt sĩ; hơn 37,8 nghìn thương binh, bệnh binh; hơn 2,9 nghìn Mẹ Việt Nam Anh hùng; còn lại là người hoạt động kháng chiến, nạn nhân chất độc da cam… Đến nay, toàn tỉnh có hơn 40 nghìn người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hằng tháng.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Sông Thương Bắc Giang khám, tư vấn các bệnh về mắt cho người có công. |
Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, góp phần tô thắm truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, tỉnh luôn quan tâm đến việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội. Ngành Nội vụ (trước đây là ngành Lao động-Thương binh và Xã hội) phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp rà soát, lập danh sách bổ sung để giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ cho người có công, thân nhân liệt sĩ. Cùng đó, công tác xã hội hóa, chăm lo người có công đã trở thành phong trào lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của các cơ quan, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và mọi tầng lớp Nhân dân.
Vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) hằng năm, UBND tỉnh ban hành kế hoạch, chỉ đạo các ngành, địa phương mở đợt cao điểm vận động xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp. Kết quả, trung bình mỗi năm, kêu gọi được hàng chục tỷ đồng, dành kinh phí tặng quà đối tượng chính sách, hỗ trợ người có công khó khăn xây mới, sửa chữa nhà ở, động viên tinh thần thương binh, bệnh binh bằng các hoạt động thăm hỏi, gặp mặt.
Mỗi ngành, mỗi đoàn thể, mỗi người dân đều có cách tri ân riêng của mình, coi đây là việc làm ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn sâu sắc. Điển hình tại xã Quang Trung, ngoài kinh phí hỗ trợ của cấp trên, địa phương đều dành ngân sách bố trí cho hoạt động tu sửa, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ; chỉ đạo mỗi đoàn thể nhận giúp đỡ ít nhất một trường hợp thuộc diện chính sách. Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong (xã Hiệp Hòa) mỗi năm hỗ trợ kinh phí xây mới, sửa chữa ít nhất 3 nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách. Xã Tiên Du duy trì mô hình “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”, tặng 100% gia đình chính sách trên địa bàn, giúp họ ổn định đời sống. Tỉnh đoàn chỉ đạo 100% đoàn cấp xã, đoàn trực thuộc đồng loạt ra quân thực hiện một công trình, phần việc vào dịp 27/7 như tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, làm đẹp phần mộ, tổ chức “thắp nến tri ân”...
Chia sẻ về cách làm của địa phương, bà Nguyễn Hồng Khánh, Trưởng phòng Văn hóa - Xã hội xã Tân Yên cho biết: “Trong kế hoạch triển khai các hoạt động chăm lo người có công dịp 27/7, chúng tôi tham mưu với UBND xã tổ chức quán triệt tới đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên các hội, đoàn thể... nêu gương ủng hộ. Cùng đó, kêu gọi xã hội hóa, nhất là các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, những con em địa phương đang học tập, sinh sống ở khắp mọi miền đất nước và nước ngoài nhằm huy động tối đa nguồn lực hỗ trợ, chăm lo đời sống người có công, thân nhân liệt sĩ”.
Xã hội hóa hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Thực tế, thời gian qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong tỉnh được triển khai hiệu quả là nhờ huy động nguồn xã hội hóa từ các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm. Điều này khẳng định công tác tri ân người có công đã được toàn xã hội đặc biệt quan tâm, góp phần nâng cao đời sống của đối tượng chính sách.
Nhờ huy động nguồn xã hội hóa, đời sống của thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh được cải thiện đáng kể. 100% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú. 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng, chăm sóc đến suốt đời. Từ nhiều năm nay, tỉnh duy trì kết quả không để phát sinh hộ nghèo là người có công. |
Đã thành thông lệ, vào trung tuần tháng Bảy, Bệnh viện Đa khoa Sông Thương Bắc Giang thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” bằng việc tổ chức chương trình khám, tư vấn sức khỏe, xét nghiệm miễn phí cho người có công, thân nhân liệt sĩ, nạn nhân da cam. Năm nay, đơn vị bố trí khoảng 700 triệu đồng dành để khám, sàng lọc các bệnh về mắt và xét nghiệm máu (đánh giá chức năng gan, thận) cho 1 nghìn trường hợp trên địa bàn xã Đồng Việt và 7 phường: Bắc Giang, Đa Mai, Tiền Phong, Tân An, Yên Dũng, Tân Tiến, Cảnh Thụy. Ông Lý Trần Dần (sinh năm 1949), thương binh nặng với tỷ lệ tổn thương cơ thể 77%, nạn nhân da cam ảnh hưởng 60% sức khỏe ở tổ dân phố Phú Mỹ 1, phường Bắc Giang phấn khởi khi đón nhận việc làm nghĩa tình này. Ông chia sẻ: “Không chỉ được khám sàng lọc, phát hiện bệnh, tại đây, các bác sĩ còn tận tình tư vấn cho chúng tôi cách sinh hoạt, rèn luyện nhằm bảo vệ sức khỏe”. Ông Dương Quốc Huy, Giám đốc Bệnh viện cho biết: “Hoạt động này được đơn vị duy trì thường niên từ nhiều năm nay. Để tạo thuận lợi cho người có công khi di chuyển, với khoảng cách dưới 5 km, bệnh viện phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn đối tượng tự đến viện; nếu xa hơn, bệnh viện sẽ bố trí đoàn khám lưu động tại địa phương”.
Trên hành trình tri ân người có công trên địa bàn tỉnh phải kể đến sự góp sức không nhỏ của Công ty cổ phần Tập đoàn Long Phương, Cụm công nghiệp Hạp Lĩnh (phường Hạp Lĩnh). Từ nhiều năm nay, công ty trích kinh phí khoảng 400 triệu đồng tổ chức chương trình “Tri ân người đi trước” vào dịp 27/7. Thông qua chính quyền địa phương, lãnh đạo doanh nghiệp đến thăm, tặng quà (khoảng 400 suất) cho gia đình chính sách trên địa bàn phường Hạp Lĩnh (nơi doanh nghiệp đứng chân) và một số địa phương khác trong tỉnh. Ngoài ra, công ty cũng đóng góp một phần kinh phí cố định cho Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tại địa phương. Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết: "Mỗi phần quà (gồm hiện vật là sản phẩm của công ty và tiền mặt) không chỉ mang giá trị vật chất mà còn chứa đựng sự trân trọng và biết ơn những hy sinh của các thế hệ đi trước. Hoạt động này cũng thể hiện tinh thần đoàn kết và việc chia sẻ lợi ích, trách nhiệm với cộng đồng của doanh nghiệp. Niềm vui của thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ khi nhận món quà tri ân là động lực để chúng tôi tiếp tục thực hiện chương trình này".
Dù không có con số thống kê cụ thể, nhưng trong số những người có công, thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều trường hợp khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do họ mất sức lao động, trong gia đình có nhiều người phụ thuộc, đau ốm dài ngày với chi phí điều trị tốn kém; thiếu vốn, kinh nghiệm sản xuất dẫn đến thu nhập thấp và không ổn định... Theo ông Trần Ngọc Đạo, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, để duy trì hiệu quả công tác chăm lo đời sống cho họ, giải pháp quan trọng nhất vẫn là vận động các nguồn xã hội hóa. Điều này đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, để mọi tầng lớp Nhân dân thấm nhuần, phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, ủng hộ tích cực, tạo nguồn quỹ giúp đỡ người có công. Các địa phương chủ động nắm bắt hoàn cảnh từng đối tượng chính sách để có hình thức hỗ trợ kịp thời, phù hợp, giúp họ sớm vượt qua khó khăn.
Nguồn: https://baobacninhtv.vn/bac-ninh-them-nguon-luc-cham-lo-doi-song-nguoi-co-cong-postid422693.bbg
Bình luận (0)