Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3 cho biết, việc rung chân có thể là một tật vô thức, một cơ chế tự điều tiết cảm xúc, nhưng cũng có thể là biểu hiện của bệnh lý tiềm ẩn.
Tật hay thói quen sinh lý?
Bác sĩ Vũ cho biết, nhiều người rung chân khi đang chờ đợi, làm việc, nói chuyện hoặc ngồi một mình. Đây là một dạng cử chỉ vô thức, thường không có chủ đích, giúp họ cảm thấy dễ chịu hơn, giải tỏa căng thẳng hoặc giữ được sự tập trung.
Rung chân có thể là một tật vô thức nhưng cũng có thể là biểu hiện của bệnh lý tiềm ẩn
ẢNH: LÊ CẦM
“Bộ não kiểm soát vận động và tư duy nhận thức có những vùng chồng lấn nhau, do đó việc rung chân đôi khi giúp con người suy nghĩ tốt hơn hoặc duy trì sự tập trung trong tình huống căng thẳng”, bác sĩ Vũ phân tích.
Hành vi này cũng xuất hiện ở người ghét ngồi yên, người mắc chứng rối loạn chú ý hoặc tăng động giảm chú ý (ADHD). Rung chân khi buồn chán được xem như một phản xạ giúp tạo ra kích thích nhỏ, làm dịu tâm trí.
Khi nào rung chân là biểu hiện bệnh lý
Không phải ai rung chân cũng chỉ vì thói quen. Bác sĩ Vũ cảnh báo rằng rung chân không kiểm soát có thể là dấu hiệu của các rối loạn thần kinh như Hội chứng chân không yên (RLS), bệnh Parkinson, bệnh đa xơ cứng hoặc do cường giáp. Những người bị RLS thường cảm thấy ngứa ran, châm chích hoặc bứt rứt ở chân, đặc biệt vào buổi tối, khiến họ không thể ngồi yên hoặc ngủ ngon.
Ngoài ra, thói quen rung chân kéo dài còn có thể gây ra tổn thương khớp, mỏi cơ, đau dây thần kinh và làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Một nghiên cứu tại Trường Y Harvard cho thấy, người rung chân do Hội chứng chân không yên có thể lắc chân đến 300 lần mỗi đêm, gây tăng huyết áp và nhịp tim - yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến đau tim.
Khắc phục tật rung chân thế nào?
Thay đổi tư thế cơ thể: Theo bác sĩ Vũ, việc điều chỉnh thói quen rung chân cần bắt đầu từ việc nhận thức nguyên nhân. Nếu do căng thẳng, hãy thử thay đổi tư thế ngồi, luyện thở sâu, tập yoga hoặc tìm kiếm những hoạt động thú vị để giảm nhàm chán.
Hãy thử thay đổi tư thế ngồi, luyện thở sâu, tập yoga hoặc tìm kiếm những hoạt động thú vị để giảm nhàm chán
Ảnh: AI
Thử những điều mới: Nếu thường thấy mình rung chân vì buồn chán, hãy tìm kiếm sự kích thích mới. Đối với một số tình huống, ghi chú, viết nguệch ngoạc trên giấy hoặc thậm chí sáng tác một bài hát hoặc bài thơ, có thể là những hoạt động thú vị. Trong một số trường hợp, có thể thấy hữu ích khi đánh lạc hướng bản thân khỏi sự nhàm chán bằng cách nhai kẹo cao su hoặc ngậm một viên kẹo bạc hà. Có thể cầm các loại đồ chơi nhỏ trong tay hoặc dưới gầm bàn để giúp giữ im lặng và đạt sự tĩnh lặng tâm thể.
Nói về cảm xúc: Hãy tự hỏi bản thân xem có thể lo lắng về điều gì nếu rung chân khi lo lắng? Hiện tại điều gì khiến mình lo lắng nhất? Khi đã xác định được nguyên nhân gây ra chuyển động của mình, có thể bắt đầu dạy cơ thể mình phản ứng khác đi khi những tác nhân đó phát huy tác dụng. Điều này đôi khi là thách thức và tốn thời gian, nhưng nó có thể làm được. Bí quyết là chuẩn bị trước và luyện tập trong hoàn cảnh ít căng thẳng hơn, dần dần sẽ có thể kiểm soát tốt hơn các chuyển động của mình trong những tình huống căng thẳng.
Ngủ đủ giấc: Cơ thể bạn sẽ tự nhiên bị mất năng lượng và động lực nếu bạn không ngủ đủ giấc vào ban đêm. Rung chân có thể do kích thích và lo lắng gây ra bởi điều này. Cân nhắc ngủ thêm một hoặc hai giờ và xem hiệu quả thế nào sau đó.
"Rung chân không chỉ là một cử chỉ nhỏ mang tính thói quen hay cá tính. Nó có thể là lời thì thầm từ cơ thể về một trạng thái tâm lý, một nỗi lo ẩn giấu, hoặc thậm chí là triệu chứng bệnh lý cần can thiệp. Hãy kiểm soát đôi chân trước khi thói quen nhỏ ấy làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cuộc sống của bạn. Nếu bạn cảm thấy việc rung chân ngày càng thường xuyên và khó kiểm soát, đừng ngần ngại đến gặp bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời”, bác sĩ Vũ khuyến cáo.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bac-si-rung-chan-la-tat-hay-benh-ly-185250520002023039.htm
Bình luận (0)