Rừng núi hoang vu xưa, nay là vùng quê trù phú |
Đầu tháng 10/1977, Thành ủy Huế chủ trương thành lập lực lượng TNXK và giao Thành đoàn vận động, huy động những thanh niên nhiệt huyết đăng ký tham gia lực lượng. Chỉ sau vài tuần, đã có 1.800 người ghi danh và được "biên chế" làm hai trung đoàn.
Họ là những chàng trai cô gái tuổi mười tám, đôi mươi, sinh ra là người thành thị chưa quen với dao rựa, cuốc cày, nhưng ý chí tuổi trẻ và lòng quyết tâm đã biến họ thành những con người lập nên kỳ tích. Trong rất nhiều thành công của hai trung đoàn TNXK TP. Huế một thời, có cuộc khai phá rừng hoang, mở đường, lập vùng KTM mới Hương Lâm, đón 3.000 hộ dân TP. Huế an cư bên dòng sông Đồng Nai giữa vùng đất nam Tây Nguyên hùng vĩ…
Anh Đỗ Đức Đủ - Trưởng ban Liên lạc TNXK TP. Huế tại Lâm Đồng và những người đồng đội của anh cùng bùi ngùi nhắc lại những tháng ngày mà mỗi thời khắc đều in sâu vào dòng ký ức. Những năm tháng cực kỳ gian khổ, muôn vàn thử thách, hiểm nguy nhưng trong mỗi trái tim tuổi trẻ TP. Huế ngày ấy chỉ vang vọng lời dạy của Bác Hồ với lực lượng TNXK: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”.
Anh Đủ cùng mọi người nhớ lại: Vào lúc 8 giờ sáng ngày 15/12/1977, tại sân điện Thái Hòa trong Đại nội Huế, với sự chứng kiến của các vị lãnh đạo tỉnh Bình Trị Thiên và TP. Huế, Thành đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP. Huế long trọng làm lễ xuất quân. Đồng chí Hoàng Lanh - Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy đã trao lá cờ Quyết thắng cho Trung tá Nguyễn Thái Long - Trưởng ban Chỉ huy vùng KTM Hương Lâm (Lâm Đồng) và tiễn hai trung đoàn TNXK rời TP. Huế thân yêu tiến thẳng vào vùng đất Tây Nguyên với nhiệm vụ tiền trạm, khai hoang, đón dân vào xây dựng vùng KTM Hương Lâm tại Vùng 3 thuộc huyện Bảo Lộc, phía nam tỉnh Lâm Đồng…
* * *
Giữa câu chuyện, chúng tôi cùng nhìn về hướng dốc Mạ Ơi, nơi mãi mãi lưu dấu trong tim những người con xứ Huế ngày ấy. Mạ Ơi là tên của một con dốc không cao nhưng rất dài, chắn ngang tạo thành một đường ranh giới giữa nông trường Vùng 3 huyện Bảo Lộc và Khu KTM Hương Lâm. Ngọn đồi này trước kia là điểm cao 167, nó mang tên Mạ Ơi từ cuối năm 1977, khi đội TNXK, trong đó có hơn 300 cô gái Huế mở đường, trèo qua đỉnh dốc vào phát rừng khai phá đất đai, dựng nhà cửa chuẩn bị đón bà con xứ Huế vào dựng xây quê mới. Dạo ấy trời vẫn còn mưa, dốc cao, đường lầy, cứ trèo lên rồi lại tụt xuống. Vừa mệt, vừa đói, lại nhìn thấy một vùng mênh mông toàn tre nứa, lau sậy và rừng già nguyên sinh với bao nhiêu thú dữ, rắn rết, sên vắt, nhiều cô gái trẻ đã không khỏi sụt sùi cảm thán “Mạ ơi!”. Tiếng “Mạ ơi” lúc đó gần như là tiếng kêu cứu. Để nhớ mãi những ngày đầu mở đường, phát rẫy đầy gian khổ ấy, người xứ Huế nơi này đã lưu lại tên cho dốc đến tận bây giờ, trở thành một địa danh “đặc” chất Cố đô giữa miền cao nguyên xa xôi…
Từ ấn tượng tên dốc Mạ Ơi, chúng tôi cùng ngồi bên nhau gom nhặt những ký ức về những ngày tháng đó, những ngày mùa đông rét mướt năm 1977. Sau khi cùng hơn 5.000 đồng bào, đồng chí xây dựng xong Khu KTM Buôn Hồ (Đắk Lắk), anh Nguyễn Thái Long, Trung tá - Chính trị viên Thành đội, Thường vụ Thành ủy Huế được lệnh cùng các anh Nguyễn Cửu Sử, Nguyễn Văn Hữu và Trịnh Hùng Cường cùng một nhóm TNXK lên đường vào khảo sát vùng đất phía nam của tỉnh Lâm Đồng, giáp với tỉnh Đồng Nai, chuẩn bị đưa bà con vào xây dựng khu KTM thứ năm của TP. Huế ở các tỉnh phía nam. Sau những ngày lội rừng vất vả kiếm tìm, ngày 29/11/1977, đoàn khảo sát đến Vùng 3 (một địa danh trong kháng chiến chống Mỹ), và ở đây, đoàn đã gặp một số lãnh đạo địa phương như anh Vũ, anh Ba, anh Tám Bích, những người lãnh đạo của Ban KTM Lâm Đồng. Trên tấm bản đồ tỷ lệ 1/25.000, anh Tám Bích đã khoanh một vùng rộng lớn khoảng 40km2 và nói: “Khu vực của các đồng chí đến khai hoang trước đây là một vùng căn cứ kháng chiến của Khu VI, mảnh đất này đã thấm máu nhiều đồng chí, đồng bào, có bề dày truyền thống. Ấm no là do bàn tay, khối óc của các đồng chí và đồng bào xứ Huế…”.
Sáng hôm sau, với chiếc la bàn trong tay, 7 anh em đồng hướng, cắt đường về vùng đất lạ trên vòng tròn 40km2 được khoanh trên bản đồ hôm trước. Trèo lên một ngọn đồi nhìn bao quát ra xung quanh, anh Nguyễn Thái Long sung sướng reo lên: “Tỉnh bạn đã dành cho chúng ta những vùng đất tuyệt quá các đồng chí ơi! Lúa, cả một vùng lúa bát ngát phơi ra trước mắt chúng ta kia rồi. Thật là một vùng đồng bằng ở giữa cao nguyên. Tuyệt quá!”. Anh Sử, vốn là một người cẩn thận, sau khi dùng dao khoét đến 7 - 8 mươi phân mà vẫn còn moi lên được những vốc mùn đen, lúc ấy mới nói quả quyết: “Sẽ là một vùng lúa tuyệt vời”. Lần theo dòng suối Đạ Lây, đi sâu vào các triền núi, anh em bỗng gặp những vồng khoai nằm lút giữa một vùng dày đặc cỏ tranh và tre gai, nhưng vẫn còn cho từng dây củ; những gốc sắn già nua thân to như cây gỗ, những căn hầm đã sụt lở và một vài vật dụng khác như bi đông đựng nước, dao rựa, nồi niêu đã gỉ sét. Dấu vết hiện ra trước mắt là chứng tích của tinh thần bất khuất, kiên cường của một vùng căn cứ kháng chiến oai hùng. Tất cả những hình ảnh đó đã gieo vào lòng đoàn cán bộ khảo sát một dòng chảy cảm xúc, một tinh thần kiên định, tin tưởng và quyết tâm: Quân dân ta đã thắng Mỹ trên mảnh đất này thì nhất định cũng sẽ chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu.
Chỉ chưa gần một tháng sau ngày khảo sát, ngày 17/12/1977, đoàn TNXK TP. Huế bắt đầu lên đường tiến quân vào vùng đất mới. Cả hai trung đoàn TNXK với gần 1.800 đoàn viên, thanh niên, vào đến nơi vừa đặt ba lô xuống là cầm dao đi phát rừng, quy hoạch khu dân cư và ruộng đất ngay. Phải dành ưu tiên số một cho thời vụ và ruộng đất. Nhà chưa có thì dựng tạm lán trại. Từ sáng tinh mơ cho đến lúc trời tối mịt mọi người đều ở ngoài rừng. Ăn ngủ giữa hiện trường. Nhiều đại đội còn huy động cả lực lượng đơn vị ra phát rẫy trong ánh trăng đêm. Một số nữ thanh niên ngày mới đến nghe tiếng vượn hú, hổ gầm còn ôm nhau run bắn lên mà khóc, rồi cũng quen dần, cũng đốn cây, phát rẫy, cắt tranh, dựng nhà như nam giới. Người yếu bóng vía sống giữa đại ngàn những ngày gian khổ ấy không ít lần tinh thần lung lạc, sợ đến nghẹt thở. Anh Đủ trầm ngâm: “Những ngày cuối đông đó mưa rừng sầm sập. Trong những lán trại che tạm, anh chị em ướt như chuột lột". Đêm tối âm u, nhiều tiếng khóc sụt sùi của các cô gái trẻ hòa trong tiếng mưa và tiếng hát của những chàng trai vống lên vang động cả một khu rừng nguyên sinh. Tội lắm, đồng đội của chúng tôi! Những chàng trai cô gái thị thành đang học hành dở dang, có người chưa một lần cầm cây dao, cây rựa; trèo đèo lội suối, sên vắt cắn máu đỏ nhuộm tay chân, ruồi muỗi bu như trấu, nước độc, rắn độc, ăn đói, sốt rét hành hạ, ghẻ lở đầy người. Sức khỏe mỗi ngày lại bị bào mòn, tóc con gái rụng từng nắm trôi theo dòng suối. Nhiều người đã ngã xuống khi đang cầm cuốc cầm dao như anh Võ Yên Thế, chị Lê Cảnh Thị Dạ Hương…
* * *
Trong muôn vàn thử thách khắc nghiệt, dưới sự lãnh đạo của ban chỉ huy công trường và chi bộ Đảng, 1.800 nam nữ TNXK TP. Huế đã từng bước khắc phục khó khăn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Không có một người nào bỏ cuộc. Không có một người nào gục ngã trước khó khăn. Tất cả đều trưởng thành trong lao động. Hơn 500ha rừng già, tre gai, cỏ tranh, cỏ ống đã được phát quang, dọn sạch để đưa vào trồng tỉa ngay sau khi làm đất. Tôi đã thực sự xúc động khi đọc lại những dòng cảm xúc về tập thể thanh niên xung kích TP. Huế ngày ấy trên một bài viết đăng trên Báo Lâm Đồng đầu Xuân 1978 của nhà báo lão thành Vũ Thuộc: “Khi chúng tôi đến cách một năm sau thì lớp người trai trẻ ấy đã đi rồi. Họ đến với những vùng đất mới đang vẫy gọi phía trước. Họ vui vẻ dấn thân và tự hào được nhận nhiệm vụ mở đường, lập làng thôn cho những vùng quê mới. Họ sẵn sàng đón nhận và vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt của buổi ban đầu. Vinh quang thuộc về họ - những người mở đường!...”.
Không phải tất cả TNXK đều trở về Huế, còn khá nhiều người tình nguyện ở lại, tham gia xây dựng chính quyền và các ban ngành địa phương. Hưởng ứng lời kêu gọi của tỉnh Lâm Đồng, để có nòng cốt góp phần xây dựng, định hình bộ máy chính quyền và các ngành ở vùng quê mới, hơn 40 cán bộ, chiến sĩ TNXK TP. Huế đã tình nguyện rời xa cuộc sống thành phố ở lại với miền đất nam Tây Nguyên nắng gió, ở lại với người dân xứ Huế rời cố xứ đi xa lập cư trên miền đất mới. Nhiều người trong số đó về sau đã trở thành cán bộ chủ chốt của huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai và của tỉnh Lâm Đồng…
(Còn nữa)
Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/bai-1-dong-ky-uc-cua-nhung-nguoi-mo-dat-152660.html
Bình luận (0)