Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bài 3: Bứt phá để dẫn đầu

(Chinhphu.vn) - Với hàng loạt chiến lược phát triển mạnh mẽ, TPHCM đang khẳng định vai trò tiên phong trong kỷ nguyên số, vươn mình trở thành một siêu đô thị hiện đại có tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ28/04/2025

Bài 3: Bứt phá để dẫn đầu- Ảnh 1.

Tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vừa đưa vào vận hành đánh dấu bước tiến quan trọng trong giao thông công cộng của TPHCM

Tràn đầy khát vọng vươn lên

Sau giải phóng, TPHCM không ngừng chuyển mình mạnh mẽ, mang lại diện mạo mới với những công trình hiện đại. Đặc biệt, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vừa đưa vào vận hành đánh dấu bước tiến quan trọng trong phát triển giao thông công cộng. Cùng với đó, hàng loạt dự án như kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, rạch Xuyên Tâm, cao tốc TPHCM - Mộc Bài và các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4 đang được triển khai, mở ra những không gian phát triển mới, tạo động lực kết nối vùng mạnh mẽ hơn.

Với tầm nhìn dài hạn, Thành phố không chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế mà còn đẩy mạnh phát triển công nghệ số, tài chính số, logistics và hạ tầng đô thị hiện đại. Một trong những dự án quan trọng nhất của TPHCM trong giai đoạn hiện nay là xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức). Dự án này có diện tích 9,2 ha, được quy hoạch trở thành trung tâm tài chính hiện đại, thu hút các tập đoàn trong và ngoài nước.

Với định hướng trở thành "Phố Wall" của Việt Nam, Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM sẽ là nơi tập trung các dịch vụ tài chính - ngân hàng, công nghệ tài chính (Fintech), giao dịch chứng khoán và các hoạt động kinh doanh tầm cỡ khu vực.

Bài 3: Bứt phá để dẫn đầu- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TPHCM nhìn nhận, Trung tâm tài chính không chỉ là nơi hội tụ dòng vốn lớn mà còn là động lực chiến lược thúc đẩy đổi mới sáng tạo - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TPHCM nhìn nhận, Trung tâm tài chính không chỉ là nơi hội tụ dòng vốn lớn mà còn là động lực chiến lược thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ cao, nâng cao năng lực quản trị, gia tăng sức cạnh tranh và hội nhập của quốc gia.

Theo người đứng đầu chính quyền Thành phố, đây là cơ hội để nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực, mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, phát triển hạ tầng và khẳng định vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính - thương mại toàn cầu.

Việc phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM không chỉ mang lại lợi ích kinh tế - xã hội thiết thực cho Thành phố và cả nước, mà còn tạo ra sức lan tỏa tới các đô thị lân cận và cả khu vực Đông Nam Á. Đây sẽ là nền tảng để TPHCM nâng cao năng lực quản trị đô thị, phát triển bền vững và mở rộng hợp tác toàn diện với các đối tác toàn cầu.

Bên cạnh Trung tâm tài chính, TPHCM cũng tập trung đầu tư phát triển logistics nhằm tối ưu hóa chuỗi cung ứng và tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế. Trong năm 2025, Thành phố dự kiến sẽ khởi công dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, hứa hẹn mở ra bước ngoặt kinh tế biển cũng như bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn - "lá phổi xanh" của Việt Nam.

Dự án Cảng Cần Giờ được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 1/2025. Dự án sử dụng 571 ha đất, trong đó có gần 83 ha đất rừng được chuyển mục đích, tổng mức đầu tư trên 50.000 tỷ đồng. Dự án chia làm 7 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu hoàn thành năm 2027, hoàn tất toàn bộ cuối năm 2045. Theo tính toán của cơ quan chức năng, Cảng Cần Giờ khi được đầu tư hoàn chỉnh, đạt công suất thiết kế vào năm 2045 sẽ có nguồn thu 34.000 - 40.000 tỷ đồng mỗi năm.

Ngoài ra, TPHCM đã ban hành Kế hoạch thực hiện các khu vực TOD dọc tuyến Metro số 1, Metro số 2, tuyến Vành đai 3 theo Nghị quyết 98. Đây là bước đột phá để Thành phố giải phóng giá trị đất đai, tạo nguồn tài chính cho phát triển hạ tầng, đô thị.

Ông Vincent Choo Wing Sung, Giám đốc Đầu tư Công ty cổ phần đầu tư Metro Star (CT Group) đánh giá Nghị quyết 98 đã mở ra cơ hội tự chủ rất lớn cho TPHCM trong việc phát triển TOD, khuyến khích doanh nghiệp TOD tập trung phát triển chuỗi dự án, chuỗi các khu đô thị carbon thấp theo mô hình Green TOD. Nếu vận dụng tốt Nghị quyết 98, có thể giúp Công ty triển khai nhanh các dự án dọc 8 tuyến Metro như kế hoạch đã đề xuất.

"Chuỗi các khu đô thị carbon thấp theo mô hình Green TOD sẽ bao gồm từ thiết kế xanh, năng lượng sạch, vật liệu xây dựng carbon thấp hoặc hấp thụ carbon, tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là tình kết nối cao với các phương tiện như tàu điện, xe bus hydrogen để giảm 50% ô tô và xe máy trong mỗi khu", ông Vincent Choo Wing Sung nói, đồng thời mong TPHCM quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia phát triển các dự án Green TOD đầu tiên hoàn thiện các mô hình thí điểm có thể áp dụng đại trà và thể chế hóa bằng các hướng dẫn pháp luật rõ ràng, công bằng cho mọi thành phần kinh tế.

Bài 3: Bứt phá để dẫn đầu- Ảnh 3.

Cảng Cần Giờ khi được đầu tư hoàn chỉnh, đạt công suất thiết kế vào năm 2045 sẽ có nguồn thu 34.000 - 40.000 tỷ đồng mỗi năm

Nghị quyết 98 đã trao cho TPHCM những cơ chế đặc thù, giúp Thành phố linh hoạt hơn trong quản lý và huy động nguồn lực. Hiện TPHCM đang đổi mới cơ chế thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án hạ tầng quan trọng. Một số dự án trọng điểm đang được kêu gọi đầu tư bao gồm hệ thống đường sắt đô thị dài 355 km, cảng biển quốc tế Cần Giờ và Trung tâm tài chính quốc tế tại Thủ Thiêm.

Các chuyên gia nhận định, nếu thu hút đủ nguồn vốn đầu tư, Thành phố có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế hai con số vào năm 2025. Điều này sẽ giúp TPHCM không chỉ phát triển vượt bậc về hạ tầng mà còn trở thành một đô thị đáng sống với chất lượng dịch vụ và tiện ích ngang tầm các thành phố lớn trên thế giới.

Tự tin bước vào kỷ nguyên mới

Để vươn lên tầm cao mới, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng TPHCM cần lột xác mạnh mẽ, cần đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng, nhân lực chất lượng cao; tăng tốc đầu tư vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, dịch vụ chất lượng cao…

Một trong những nhiệm vụ quan trọng là đánh giá, tổng kết Nghị quyết 98, để tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc, giúp TPHCM tháo gỡ các nút thắt trong quá trình phát triển. Ngoài ra, để khai thác tối đa tiềm năng và giải quyết những thách thức của một siêu đô thị, việc đẩy nhanh việc ban hành Luật đô thị đặc biệt, chính quyền đô thị đặc biệt là vô cùng cấp thiết.

Cùng quan điểm, TS. Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98 cũng nhìn nhận ưu tiên hàng đầu là triển khai hiệu quả Nghị quyết này trong thực tế. Cần đánh giá định kỳ sau 3 và 5 năm để hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị, xây dựng nền công vụ phục vụ và kiến tạo phát triển.

Theo ông Lịch, Nghị quyết 98 mới chỉ là giai đoạn thí điểm về mô hình phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực quản lý Nhà nước cho chính quyền địa phương và một số chính sách đặc thù cho Thành phố. Cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng mô hình chính quyền đô thị phù hợp với quy mô và vị trí, vai trò của Thành phố gắn với việc tổ chức các đô thị trực thuộc Thành phố.

Đột phá về hạ tầng cũng được xem là yếu tố quan trọng nhất, như "xương sống" cho sự phát triển, đang là điểm nghẽn lớn hạn chế sự phát triển toàn diện của TPHCM.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, trong nhiều năm qua, Thành phố đã gánh vác trọng trách lớn lao của cả nước, điều tiết nguồn lực để đầu tư vào hạ tầng quốc gia. Điều này phần nào làm cho sự phát triển hạ tầng đô thị bị chậm lại, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của người dân và doanh nghiệp.

Do vậy, việc đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm như đường Vành đai 3, 4, cao tốc TPHCM - Trung Lương, TPHCM - Mộc Bài, hệ thống đường sắt đô thị... không chỉ là giải pháp trước mắt mà còn là định hướng chiến lược để TPHCM trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội hiện đại của khu vực.

Còn theo TS. Trần Du Lịch, TPHCM cần hoàn thành hệ thống giao thông kết nối vùng, triển khai các tuyến cao tốc và đường vành đai, đặc biệt là hoàn thành hệ thống giao thông Bắc - Nam và đường ven sông Sài Gòn theo quy hoạch. Cần ưu tiên các điểm nghẽn cửa ngõ thành phố, như Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, Quốc lộ 1, và Quốc lộ 50 trong giai đoạn 2025-2026, với mục tiêu hoàn thành toàn bộ hệ thống giao thông trước năm 2030.

Ngoài ra, Thành phố cũng cần tập trung vào các dự án lớn tác động đến chuyển đổi mô hình tăng trưởng, với sự chủ đạo của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Định hình trung tâm khởi nghiệp sáng tạo ở TP. Thủ Đức và các trung tâm dữ liệu lớn (DC) phục vụ cho kinh tế số. Tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong hàng chục dự án bất động sản đang gây lãng phí nguồn lực, những dự án có sức lan tỏa lớn nhưng bị "treo" hàng chục năm qua.

Bài 3: Bứt phá để dẫn đầu- Ảnh 4.

TS. Huỳnh Thế Du, Đại học Indiana cho rằng TPHCM nên tập trung phát triển theo hướng "một trung tâm, ba hành lang" trong kỷ nguyên vươn mình

Về không gian phát triển, TS. Huỳnh Thế Du, Đại học Indiana cho rằng TPHCM nên tập trung phát triển theo hướng "một trung tâm, ba hành lang" trong kỷ nguyên vươn mình. Thành phố là trung tâm gắn kết Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, hướng ra Biển Đông và kết nối trong ASEAN.

Trong đó, TP. Thủ Đức là trung tâm hướng ra biển và hội nhập quốc tế, gắn với trung tâm hiện hữu; còn 3 hành lang gồm: phía tây nam gắn với vùng đồng bằng sông Cửu Long; phía tây kết nối với Campuchia qua tỉnh Tây Ninh; phía tây bắc kết nối với Tây Nguyên qua tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước hiện nay.

Tầm nhìn tập trung phát triển TPHCM theo hướng "một trung tâm, ba hành lang" không đơn thuần về mặt không gian phát triển mà còn mang thông điệp chính sách và chính trị rất mạnh. Bởi tầm nhìn này sẽ giúp Thành phố phát huy vai trò trung tâm và đầu tàu. Đồng thời, phát huy được sức mạnh và tiềm năng của các địa phương có quy mô nền kinh tế lớn trong vùng, như Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Song song với đó, cần tạo điều kiện để các địa phương còn lại trong vùng hình thành làn sóng tăng trưởng và phát triển; tạo ra các cơ hội phát triển và gắn kết cho các địa phương khác, kết nối quốc tế và thực hiện tầm nhìn phát triển ASEAN.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân khẳng định, trong quá khứ cũng như hiện tại, ở những giai đoạn và thời khắc khó khăn, Thành phố luôn thể hiện bản lĩnh vượt qua, luôn có sự đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của đất nước. Tài sản quan trọng mà TPHCM trước nay luôn có là truyền thống cách mạng kiên cường, thành phố anh hùng, sự năng động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm của người dân, doanh nghiệp và chính quyền.

"Với vị trí địa lý thuận lợi, cửa ngõ giao lưu hội nhập quốc tế, trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ, đổi mới, sáng tạo và nguồn lao động chất lượng cao, cùng nhiều không gian phát triển, nhiều dự án có sức lan tỏa thì chúng ta tự tin, vững vàng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", PGS. TS Trần Hoàng Ngân kỳ vọng.

Anh Thơ – Khánh Linh


Nguồn: https://baochinhphu.vn/bai-3-but-pha-de-dan-dau-102250409111025981.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Góc nhìn đặc biệt từ tiêm kích Su30-MK2 nhào lộn thả bẫy nhiệt
Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TP.HCM trong tiếng reo hò của người dân, du khách
Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM
Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm