Điệu hát trống quân ngàn năm tuổi
“Làng ta mở hội cổ truyền/Khách thập phương khắp mọi miền gần xa/Về đây hội tụ một nhà/Trước là lễ Thánh sau là du xuân/Nhạc hòa cùng tiếng chuông ngân/Phượng bay rồng múa kỳ lân lượn nhào…”, vừa dứt câu chuyện giới thiệu về quê hương, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Xuyên, Câu lạc bộ Trống quân Dạ Trạch, huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) vừa đưa tay nhịp lên thành ghế hát đoạn đầu của bài “Mừng khai hội đầu xuân” và nhiều bài ca cổ của hát trống quân làng Dạ Trạch. Tiếng hát rộn ràng, khỏe khoắn khiến không gian đầy náo nức, vui tươi.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Xuyên bảo: Tiếc là hôm nay các thành viên câu lạc bộ đều không thể tham gia biểu diễn để các cháu cảm nhận hết cái hay, cái đẹp của hát trống quân. Đây là cô hát ví dụ một vài đoạn có vần nhịp phổ biến để các cháu mường tượng, còn theo lối diễn đặc trưng của loại hình hát này thì còn thiếu nhiều về âm nhạc, số lượng người tham gia cũng như không gian biểu diễn…
Dẫu không được “sống” trong không gian truyền thống nhưng với chúng tôi - những người lần đầu được nghe hát trống quân đã phần nào mường tượng được sự sôi nổi, náo nức, mê say của nghệ nhân làm nên hồn cốt của điệu hát ngàn năm tuổi.
Hát trống quân là lối hát ví von, đối đáp giao duyên phổ biến ở vùng đồng bằng sông Hồng. Theo truyền thuyết kể lại, vào đời Vua Hùng thứ 3, Công chúa Tiên Dung trong một chuyến du ngoạn dọc theo sông Hồng đã có mối duyên kỳ ngộ với chàng trai nghèo Chử Đồng Tử. Sau này, hai vợ chồng đã cùng người dân cải tạo vùng lau sậy bạt ngàn và những bãi cát hoang sơ thành làng quê trù phú. Công chúa Tiên Dung còn dạy Nhân dân cách trồng lúa, ươm tơ, dệt vải và dạy cả điệu hát trống quân.
Hát trống quân dễ đi vào lòng người vì nhạc điệu uyển chuyển, tùy hứng, lên bổng, xuống trầm theo không khí đêm hội. Với lối hát gần gũi, dung dị mang tính cố kết cộng đồng cao, lối hát này nhanh chóng phát triển, trở thành sản phẩm văn hóa chung của nhiều vùng đất. Ngoài Hưng Yên, các tỉnh lân cận như Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc cũng có nghệ thuật hát này.
So với hát trống quân ở các miền quê khác, hát trống quân Hưng Yên có tính độc đáo ở chỗ vừa hát đáp, vừa sáng tạo hát - hỏi, đòi hỏi khả năng ứng tác nhanh, ngẫu hứng, đẩy cuộc hát đến đỉnh cao trào, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong cả người hát và người nghe. Đặc biệt, năm 2016, hát trống quân Hưng Yên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm tự hào của người dân quê hương “nhãn lồng” và cũng là động lực để mỗi người dân thêm trách nhiệm giữ gìn nghệ thuật văn hóa dân gian truyền thống.
Vang mãi điệu chèo Làng Khuốc
Về quê hương “5 tấn” nếu muốn tìm hiểu nghệ thuật chèo và được mục sở thị những nghệ nhân diễn xướng, có một địa điểm chắc chắn khách phương xa không thể bỏ qua đó là làng Khuốc, xã Phong Châu, huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) nằm bên dòng sông Tuộc trong xanh.
Ngay từ đầu làng, chúng tôi đã nghe tiếng hát chèo vọng ra. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông Vũ Lê Nhâm, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Chèo làng Khuốc cười bảo: “Hát chèo là đặc sản làng Khuốc. Khi có thời gian, từ trẻ con đến người lớn đều nghe và hát chèo. Nếu đến đây vào ngày hội làng thì cả làng tưng bừng trống phách, các gánh chèo thi nhau trổ tài, vui lắm”.
Hôm nay có du khách đến đặt chiếu chèo làng Khuốc nên Nghệ nhân Nhân dân Bùi Văn Ro, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chèo làng Khuốc cùng các thành viên đang hối hả chuẩn bị ở không gian nhà thờ tổ nghề chèo của làng. Một chiếc chiếu chèo được trải ra giữa sân nhà văn hóa của làng. Tiếng đàn, sáo, trống, chũm chọe, mõ bắt đầu vang lên để thử thanh khiến không gian bến nước sân đình xưa như đang hiện hữu.
Vừa nhanh tay trang điểm khuôn mặt cho kịp giờ diễn, nghệ nhân Bùi Văn Ro vừa chia sẻ, giọng đầy tự hào: Làng Khuốc được mệnh danh là 1 trong 7 cái nôi sản sinh ra nghệ thuật chèo đất Việt. Chúng tôi luôn tự hào vì làng Khuốc là làng văn hiến, từng được triều đình ban tặng danh hiệu “Mỹ tục khả phong” và “Thuần phong mỹ tục”. Những danh hiệu này được khắc vào bia đá đặt tại cửa đình làng.
Theo các bậc cao niên trong làng kể lại, chèo làng Khuốc ra đời từ rất sớm, vào khoảng thế kỷ XVII. Từ những gánh hát vài ba người, chèo Khuốc đã bước vào cung đình phục vụ vương triều phong kiến. Ngày nay, trong nhịp sống hối hả, hiện đại, người làng Khuốc không còn những gánh chèo đi biểu diễn muôn nơi, mà hình thành những câu lạc bộ cùng sở thích để người dân được thực hành văn hóa cổ và sáng tạo thêm những bài chèo mới.
Sau ít phút chuẩn bị, các diễn viên không chuyên của làng Khuốc bước ra chiếu chèo trong trong tiếng vỗ tay chào mừng của du khách phương xa. Những diễn viên không chuyên ở đây tự hóa trang thành những nhân vật nổi tiếng trong các tích chèo cổ, như Thị Mầu, Thị Kính, Từ Thức, Lưu Bình, Dương Lễ… Nhìn những nghệ nhân của làng quê biểu diễn, ai cũng cảm nhận được sự chân chất, tình yêu với nghệ thuật truyền thống dân tộc của họ qua từng vai diễn.
Cùng với việc dàn dựng vở mới phù hợp với cuộc sống đương đại, chèo làng Khuốc vẫn bảo tồn tinh hoa chèo cổ. Các điển tích cổ như "Từ Thức gặp tiên, "Trương Viên", "Lưu Bình - Dương Lễ, "Quan Âm Thị Kính", "Súy Vân", "Tống Chân - Cúc Hoa"… nhận được sự mến mộ của Nhân dân và du khách.
Người làng Khuốc yêu chèo nên trong những câu lạc bộ chèo sinh hoạt tại làng, có những câu lạc bộ 4 thế hệ. Nghệ nhân Nhân dân Bùi Văn Ro cho biết: Chèo đã ngấm vào máu của người làng Khuốc. Không chỉ những người cao niên, trung niên thích văn hóa cổ, mà ngay cả các cháu nhỏ cũng yêu thích nghệ thuật chèo và theo ông bà, cha mẹ hát những lời cổ. Người làng Khuốc có thể diễn chèo ở bất cứ nơi đâu, ngay cả trên đồng ruộng.
Những điệu dân ca cổ còn mãi với thời gian
Trên hành trình tìm đến những vùng đất dọc sông Hồng, điều khiến chúng tôi lưu luyến không muốn rời đó là tình người, là đời sống văn hóa tinh thần vô cùng phong phú với những làn điệu dân ca cổ được gìn giữ, bảo tồn và phát huy tự ngàn xưa. Trong số đó, nhiều loại hình được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhiều loại hình được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…
Thủ đô Hà Nội được coi là trung tâm ca trù lớn nhất của cả nước với những “giọng ca trù đẹp nhất trời Nam”. Từ khi ca trù được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại vào năm 2009, Hà Nội đã có nhiều hoạt động tích cực bảo vệ, góp phần đưa di sản này ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp. Đến nay, nghệ thuật ca trù truyền thống này đã được hồi sinh mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm, đặc biệt của giới trẻ.
Nghệ nhân Ưu tú Phùng Thị Phương Hồng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù thuộc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam (Hội Nhạc sĩ Việt Nam) là một trong những người đau đáu với nghệ thuật ca trù chia sẻ: Tôi rất yêu ca trù. Ngoài việc tích cực tham gia các hội diễn để trực tiếp trình diễn nghệ thuật ca trù, tôi còn vận động nhiều người tham gia hoạt động giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể bằng cách tuyên truyền, quảng bá sự độc đáo của nghệ thuật ca trù trên các diễn đàn khác nhau.
Ca trù còn có các tên gọi khác như ả đào, đào nương ca… bắt nguồn từ dân ca, dân nhạc cộng với một số trò diễn và múa dân gian, từ lối hát thờ nơi cửa đình, hát khao, hát đám… rồi dần dần được chuyên nghiệp hóa. Sự độc đáo của ca trù chính vì nó là một bộ môn nghệ thuật tổng hợp, là sự phối hợp đa dạng, tinh vi, nhuần nhuyễn giữa thi ca, âm nhạc và đôi khi có cả múa và trò diễn.
Đây là di sản văn hóa thế giới có vùng ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam, có phạm vi trải dài khắp 16 tỉnh gồm: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Nhiều làng quê ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh... là những cái nôi của các làn điệu ca trù.
Nhắc đến những làn điệu dân ca được UNESCO công nhận không thể không nhắc đến hát xoan Phú Thọ. Năm 2011, hát xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Sau đó, với sự chung tay của cả cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa cổ, Di sản hát xoan Phú Thọ đã được UNESCO đưa ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp và chuyển sang danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hoa, cán bộ văn hóa xã Kim Đức, thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) cho biết: Hát xoan đã tồn tại hơn 2.000 năm, là di sản văn hóa dân gian hết sức quý báu, hiện ở Phú Thọ còn 4 phường xoan cổ là Kim Đới, An Thái, Phù Đức và Thét ở 2 xã Kim Đức và Phượng Lâu, thành phố Việt Trì. Trong mục tiêu phát triển tại địa phương, chúng tôi luôn gắn với phát triển văn hóa truyền thống, tạo cơ hội để người dân được thực hành văn hóa dân gian, làm phong phú đời sống tinh thần ở mỗi làng quê.
Hát xoan còn được gọi là Khúc môn đình (hát cửa đình), là lối hát thờ thần, tương truyền có từ thời các Vua Hùng. Thuở xa xưa, người Văn Lang tổ chức các cuộc hát xoan vào mùa xuân để đón chào năm mới, cầu mùa tốt tươi, cầu sức khỏe và còn là hình thức để nam nữ giao duyên.
Có thể nói, trải qua quá trình lịch sử hàng nghìn năm, sông Hồng đã bồi tụ nên những vùng đất màu mỡ, trở thành nơi quần cư, sinh sống của cư dân người Việt, hình thành nên những làng quê trù mật. Sống trong cuộc sống bình yên, hạnh phúc là điều kiện để các tác giả dân gian thăng hoa sáng tác nên những làn điệu dân ca hội tụ những tinh hoa văn hóa của nền văn minh lúa nước.
Bài cuối: Gìn giữ, phát huy những mạch nguồn
Nguồn: https://baolaocai.vn/bai-3-lang-sau-giai-dieu-dan-ca-post399556.html
Bình luận (0)