1h sáng 21/4/1975, quân ta mở đợt tiến công cuối cùng vào Xuân Lộc, toàn bộ Sư đoàn 18 và Tiểu khu Long Khánh của địch đã rút chạy khỏi Xuân Lộc từ 10h đêm 20/4.
Trên hướng tỉnh lộ số 2, Đại đội 41 của ta chặn đánh tàn quân địch, bắt sống hàng trăm tên, trong đó có đại tá Phạm Văn Phúc, Tỉnh trưởng tỉnh Long Khánh.
8h sáng cùng ngày, quân đội chính quyền Sài Gòn ở Long Khánh tháo chạy. Tuyến phòng thủ cuối cùng của địch ở Xuân Lộc bị đập tan, cửa ngõ tiến vào Sài Gòn của quân giải phóng được mở. Thị xã Xuân Lộc và tỉnh Long Khánh hoàn toàn được giải phóng.
Kết thúc chiến dịch, ta đã đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 18, Lữ đoàn dù 1, tiêu diệt Chiến đoàn 52 (Sư đoàn 18), đánh thiệt hại Trung đoàn 5 và Lữ đoàn 3 thiết giáp, diệt và bắt hàng nghìn tên địch, thu hàng chục ô tô và hàng nghìn súng các loại, phá hủy 42 xe tăng, xe thiết giáp.

Quân ta tiến công vào thị trấn Xuân Lộc. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 21/4/1975, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 về tới địa điểm tập kết tại Củ Chi, chuẩn bị các công tác để tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn.
20h cùng ngày, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 ra lệnh cho các đơn vị vượt sông Sài Gòn. Cùng ngày, Thường vụ Đảng ủy Quân đoàn 3 ra chỉ thị "Về công tác chính trị Chiến dịch Hồ Chí Minh" xác định các nội dung chủ yếu công tác chiến dịch làm cơ sở cho các đơn vị, cơ quan triển khai thực hiện hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tiến công trên hướng chủ yếu trong trận quyết chiến chiến lược lịch sử này.
Cũng trong ngày 21/4/1975, Tư lệnh Pháo binh Chiến dịch Hồ Chí Minh báo cáo với Bộ Tư lệnh chiến dịch kế hoạch sử dụng pháo binh. Theo đó, tính đến ngày 20/4/1975, lực lượng pháo binh ta tham gia chiến dịch có 55 tiểu đoàn, 789 khẩu, bố trí thành 30 cụm gồm 3 cụm pháo binh chiến dịch, sáu cụm pháo quân đoàn, 12 cụm pháo sư đoàn, 9 cụm pháo trung đoàn bộ binh. Mỗi binh đoàn thọc sâu có ít nhất 2 đại đội pháo 85 và 122 hoặc 105 ly.
Tại Sài Gòn, trước mặt 200 nhân vật cao cấp, Nguyễn Văn Thiệu sau khi kịch liệt đả kích Mỹ bội ước, bỏ rơi đồng minh cho cộng sản, đã tuyên bố từ chức, giao quyền cho Phó Tổng thống Trần Văn Hương. Trần Văn Hương lên thay trong bối cảnh tình hình nội bộ giới cầm quyền Sài Gòn đã rất rối bời và chiến dịch di tản của người Mỹ đang xúc tiến ráo riết với nhịp độ ngày càng tăng.
Nguồn: https://vtcnews.vn/ban-tin-chien-thang-21-4-1975-chien-dich-xuan-loc-thang-loi-ar938951.html
Bình luận (0)