Nếp được vo kỹ lưỡng, đậu xanh đã ngâm từ hôm qua, lá chuối đã lau sạch đặt gọn gàng trên mâm. Hương nếp quyện với mùi lá chuối, làm nên cái hương thơm thoang thoảng, quen thuộc của những ngày giỗ xưa. Mọi người ngồi quây quần bên nhau, vừa gói bánh, vừa kể chuyện.
“Hồi trước, hễ nhà nào có đám giỗ, cả xóm đều đến giúp. Con cháu trong nhà tụ họp đông đủ, vui như hội”, dì Tư vừa vuốt lá chuối, vừa nhớ lại.
Mấy năm nay, đám giỗ không còn đông như trước, phần con cháu trong nhà đi làm xa khó thu xếp về được, nhưng má và các dì vẫn giữ thói quen gói bánh. Má và dì tôi năm nay đã ngoài 80 tuổi. Nhiều khi thấy các cụ lui cui rọc lá, đãi đậu, nấu nhân vất vả, chúng tôi “bàn ra”: "Làm chi cực vậy má, mình đi mua đi cho nhanh!".
Nhưng má vẫn có lý do để làm bánh mỗi khi giỗ: “Kệ, cực mà vui. Gói để con cháu nó biết, sau này có muốn thì làm theo”. Má nói bánh mua không có được vị ngon như nhà mình làm. Mà gói bánh để còn được ngồi với nhau rôm rả kể chuyện nhà, chuyện quê, chuyện những mùa giỗ cũ…”.
Thường bánh sẽ được gói trước ngày giỗ một hôm để bánh “vỗ mình” ngon hơn khi mới vớt ra. Từ 4 giờ sáng, má tôi dậy nấu nhân đậu xanh. Nhà tôi gói bánh chay, chỉ có bánh nhân đậu xanh và bánh không nhân, có nếp trộn cùng đậu phộng.
Món đậu phộng phải nấu lâu mới mềm và bùi. Nên, ngày xưa mỗi lần gói bánh, đậu phộng được má chuẩn bị nấu từ đêm trước. Nay, nhờ có nồi áp suất, đậu cho vào nồi nấu là xong, không phải ngồi canh lửa nữa.
Má và dì 5 gói, tôi ngồi cột bánh. Vừa làm, má vừa nói như hướng dẫn: “Cột bánh phải siết cho vừa chặt, lỏng quá lúc nấu, dây tuột ra, bánh không dẻ dặt”. Ngày xưa, dây gói bánh được chẻ từ tre, trúc; mấy năm nay, má tôi trồng thêm bụi thuỷ trúc ở sau vườn, chẻ làm dây gói bánh vừa nhanh lại an toàn hơn dùng dây nylon như ngoài chợ.
Đôi bàn tay má và dì nhăn nheo, nắn nót từng đòn bánh. Dì vừa gói, vừa nhắc chuyện xưa. Cái thời của những năm 80, 90, cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, khó khăn. Mỗi lần giỗ, ngoại phải chuẩn bị mọi thứ từ trước.
“Hồi xưa, đâu có tiền mà mỗi thứ đều ra chợ mua như bây giờ, bà ngoại phải chuẩn bị hết. Từ nếp tới đậu xanh, đậu phộng; ngoại với mấy dì trồng tỉa sẵn để đó, tới ngày giỗ lấy ra làm. Bây giờ, muốn gì cũng có thể mua dễ dàng, không phải cực công chuẩn bị từ sớm”, dì Năm tôi kể lại.
Chuyện trò đủ thứ, 5 kg nếp cũng gói thành gần 20 đòn bánh tét. Chiếc xoong nhôm to của ngoại ngày xưa được mang ra, cho bánh và nước vào, bắc lên bếp củi. Tôi nhớ những ngày còn nhỏ, vào những ngày đám giỗ như thế này, bọn con nít chúng tôi cũng được giao nhiệm vụ canh nồi bánh tét. Thỉnh thoảng, ngoại ngừng tay đang làm dở món khổ qua hầm, đi vào, giở nắp nồi bánh tét, lúc thì trở mớ bánh, khi thì châm thêm nước vào. Ngồi canh bánh, cả đám hay bày trò chơi ô quan, đánh đũa, trốn tìm… quanh đó.
Cũng có lần, ngoại cho chúng tôi mấy hạt điều cuối vụ còn sót ngoài vườn. Thế là, chúng tôi hí hửng vừa canh bánh, vừa nướng hạt điều, vừa háo hức chờ đến ngày giỗ sẽ được ăn bánh tét, khổ qua hầm, có cả rau câu do dì Tám đổ đủ hoa, đủ kiểu... những thứ mà ngày thường chẳng bao giờ có.
“Mấy đứa nhớ trông chừng lửa cháy cho đều nghen con. Đừng có ham chơi, tắt lửa là bánh không ngon đó. Canh chừng nhớ nhắc ngoại vô châm nước, để khét là không có bánh cúng ông bà. Mấy đứa đừng mở nắp nồi, hơi nóng bốc lên bị phỏng là khổ lắm”, ngoại vừa nhắc nhở vừa dạy cho chúng tôi cách nấu bánh.
Hơn 30 năm ngoại đi xa, nhưng bếp lửa vẫn đỏ mỗi mùa giỗ. Truyền thống ấy vẫn còn đây, vẫn trong hơi nếp chín thơm lừng, trong câu chuyện râm ran của những người ở lại…
Bánh chín, má chuẩn bị sẵn thau nước lạnh, tôi vớt bánh cho vào ngâm thêm một chút rồi mang đi treo lên sào, để bánh rỏ hết nước. Gói bánh có cực thật. Có lẽ vì vậy mà ngày càng ít người gói trong những ngày giỗ. Nhưng tôi chợt nhận ra, những đòn bánh tét là biểu tượng của tình thân, là sợi dây kết nối các thế hệ trong gia đình.
Vừa cắt bánh đơm lên bàn cúng ngoại, tôi chợt nhớ lại một tin vui, món bánh với nếp dẻo, đậu bùi, thịt thơm đã lọt top 100 món ăn từ gạo ngon nhất thế giới. Bánh tét gắn liền với tuổi thơ tôi, với những ngày quây quần bên gia đình, nay đã có chỗ đứng trên bản đồ ẩm thực quốc tế. Còn với tôi, đó không chỉ là một món ăn mà còn là ký ức, là truyền thống, là hơi ấm gia đình trong những mùa giỗ, nơi mọi người cùng ngồi lại bên nhau, dù ở gần hay xa.
Hoà Khang – Khải Tường
Nguồn: https://baotayninh.vn/banh-tet-huong-vi-gia-dinh-trong-ngay-gio-a188200.html
Bình luận (0)