Tại Bảo tàng Đà Nẵng, những không gian trưng bày mới được áp dụng công nghệ cao đã chứng minh, việc chuyển đổi số không chỉ là cách bắt kịp xu thế mà còn là cơ hội lan tỏa di sản đến nhiều đối tượng công chúng hơn, đặc biệt là thế hệ trẻ.Sự sống động của không gian trưng bày số đã góp phần đưa di sản đến gần hơn với đời sống hiện đại.
Bảo tàng Đà Nẵng đã nhanh chóng triển khai đề án xây dựng bản đồ di sản Đà Nẵng và cập nhật 2D, 3D tất cả các di sản, di tích danh thắng trên địa bàn để phục vụ du khách. Đây là dữ liệu số để bảo tàng cập nhật toàn bộ những thay đổi về thực trạng của các di tích trên địa bàn và có cơ sở dữ liệu đưa ra giải pháp bảo tồn, tu bổ một cách nguyên bản. Đặc biệt, mỗi hiện vật sẽ được gắn chip điện tử.
Hiện đơn vị cùng đang phối hợp với Công ty CP trí tuệ nhân tạo Việt Nam - AIAIVN thực nghiệm các công nghệ ứng dụng như robot Lumi, ứng dụng tra cứu thông tin và triển khai thử nghiệm ứng dụng thuyết minh đa ngôn ngữ gồm tiếng Anh, Trung, Pháp, Hàn, Nhật, Nga.
Theo Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện, sau khi kết nối và phối hợp với Công ty CP trí tuệ nhân tạo Việt Nam - AIAIVN triển khai thực hiện Đề án Bảo tàng thông minh, đơn vị sẽ đề xuất thành phố tiếp tục đầu tư chuyển đổi cơ sở dữ liệu tương tự vào trong các bảo tàng trên thành phố như Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Bảo tàng Quân khu 5, Nhà trưng bày Hoàng Sa.
Không chỉ Bảo tàng Đà Nẵng, hệ thống bảo tàng, di tích trên địa bàn thành phố Đà Nẵng bắt đầu chú trọng ứng dụng công nghệ trong hoạt động chuyên môn, như số hóa hiện vật, thuyết minh tự động đa ngôn ngữ, triển lãm online, giờ học trực tuyến.
Trong đó, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng ra mắt không gian triển lãm trực tuyến “DNFam Online Gallery”. Với giao diện bắt mắt, ấn tượng và nhanh chóng, không gian trưng bày đã đáp ứng phần nào nhu cầu tham quan, thưởng lãm đối với công chúng muốn tìm hiểu và tham quan bảo tàng từ xa. Cùng đó, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cũng phối hợp với các tổ chức, cá nhân, các họa sĩ tổ chức triển lãm nghệ thuật trên không gian triển lãm trực tuyến “DNFam Online Gallery”.
Không nằm ngoài xu hướng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã ứng dụng công nghệ thành công vào việc chọn lọn, bảo quản, trưng bày hiện vật.
Đối với công tác bảo quản 12 hiện vật là Bảo vật quốc gia, Bảo tàng Điêu khắc Chăm ứng dụng công nghệ AI (gắn RFID) để theo dõi, cảnh báo cho các bảo vật, triển khai hệ thống camera thông minh tích hợp công nghệ AI, cho phép nhận diện hình ảnh và phân tích hành vi theo thời gian thực.
Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng hướng tới ứng dụng công nghệ AI (thực hiện gắn RFID) cho các hiện vật đang được trưng bày, bao gồm bảo vật quốc gia, nhằm tăng cường khả năng giám sát và bảo vệ hiện vật, đồng thời phát cảnh báo kịp thời nếu có hành vi di dời trái phép hoặc bất thường.
Bên cạnh đó, triển khai hệ thống camera thông minh tích hợp công nghệ Al, cho phép nhận diện hình ảnh và phân tích hành vi theo thời gian thực. Hệ thống được huấn luyện để tự động phát hiện các hành vi bất thường như xâm nhập trái phép, để lại vật thể lạ, hoặc tương tác không phù hợp với hiện vật.
Bàn đến tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với di tích, bảo tàng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Mỹ Hương, đồng sáng lập và giám đốc tăng trưởng (CGO) Công ty CP trí tuệ nhân tạo Việt Nam - AIAIVN, cho rằng: Làm sao để tăng sự trải nghiệm của khách tham quan, tính giáo dục và việc đưa bảo tàng đến với du khách. Song song với số hóa tất cả các hiện vật và điểm đến thì các bảo tàng cần xây dựng hệ thống công nghệ để vài năm nữa có thể hiểu được nhu cầu của khách nhằm có những gợi ý mang tính cá nhân hóa.
Nhấn mạnh sự cần thiết của công nghệ số đối với bảo tàng, di tích, Bà Trần Thị Anh Thư, Giám đốc Bảo tàng Quân khu 5, cho biết, Bảo tàng Quân khu 5 đang thực hiện xây dựng đề án xây dựng bảo tàng mới và sẽ triển khai vào năm 2026, hy vọng trong thời gian tới sẽ được đưa các ứng dụng công nghệ vào bảo tàng để phục vụ công chúng tốt hơn.
Nguồn: https://baovanhoa.vn/nhip-song-so/bao-tang-chuyen-minh-trong-thoi-dai-so-153598.html
Bình luận (0)