Tại tọa đàm "Động lực phát triển công nghiệp TP Hồ Chí Minh – từ tiềm năng đến hành động" ngày 17/7, các chuyên gia nhấn mạnh, phát triển công nghiệp phải gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đầu tư có chọn lọc và chuyển dịch theo chiều sâu công nghệ.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đánh giá, TP Hồ Chí Minh mở rộng có lợi thế đặc biệt về hạ tầng kết nối, logistics, nguồn nhân lực kỹ thuật và mạng lưới đào tạo. Tuy nhiên, TP vẫn đối diện thách thức. Đó là công nghiệp phát triển theo chiều rộng, thiếu chiều sâu công nghệ, chưa hình thành rõ rệt các ngành nền tảng và năng lực công nghệ cốt lõi.
Ông Tuấn đề xuất TP Hồ Chí Minh cần chuyển mạnh sang thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường và có khả năng liên kết với doanh nghiệp trong nước; đồng thời phát triển hạ tầng số, công nghiệp xanh, công nghiệp hỗ trợ và nâng cao năng lực nội địa hóa.
Ông Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, cho biết: Sau sáp nhập, quy mô ngành công nghiệp TP Hồ Chí Minh chiếm hơn 25,5% giá trị công nghiệp toàn quốc và hơn 34% GRDP TP. Công nghiệp tiếp tục giữ vai trò then chốt trong cơ cấu kinh tế, đặc biệt khi các tỉnh giáp ranh như Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu trước sáp nhập cũng có đóng góp công nghiệp mạnh mẽ và có thể tích hợp lợi thế vùng.
Các chuyên gia bàn cách phát triển công nghiệp TP Hồ Chí Minh sau sáp nhập.
Từ cộng đồng doanh nghiệp, bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng, TP cần sớm ban hành Chiến lược tổng thể phát triển công nghiệp đến năm 2040, xác định rõ vai trò của ngành chế biến thực phẩm trong an ninh kinh tế và xuất khẩu.
Bà Chi kiến nghị quy hoạch các KCN thực phẩm tại khu vực có quỹ đất sạch, hạ tầng xử lý nước thải chuẩn ngành, thuận tiện kết nối vùng nguyên liệu. Đồng thời, khu vực đô thị cũ nên ưu tiên các trung tâm R&D, đổi mới sáng tạo, phòng kiểm nghiệm độc lập và cơ sở đào tạo chất lượng cao để nâng cấp toàn chuỗi giá trị ngành thực phẩm.
TS Nguyễn Thanh Trọng - đến từ Đại học Quốc tế Miền Đông nhận định, với việc mở rộng không gian đô thị, TP Hồ Chí Minh cần phát triển công nghiệp theo hướng đa trung tâm, kết nối vùng và định vị các cụm ngành chủ lực, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao.
"TP triển khai điều tra thực trạng, tiềm năng ngành nghề để xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, đồng bộ giữa công nghiệp chủ lực và công nghiệp phụ trợ. Đây sẽ là nền tảng để doanh nghiệp định hình vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất quốc tế", TS Nguyễn Thanh Trọng đề xuất.
TP Hồ Chí Minh mở rộng cần chuyển từ tăng trưởng số lượng sang phát triển chất lượng công nghiệp – với chiến lược rõ ràng, thu hút đầu tư có chọn lọc, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cấp công nghệ, và xây dựng hệ sinh thái công nghiệp đa chức năng gắn kết vùng. Đây là lúc TP không chỉ là trung tâm công nghiệp, mà còn là nơi khởi phát động lực mới cho nền kinh tế quốc gia.
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/tp-ho-chi-minh-giai-bai-toan-phat-trien-cong-nghiep-sau-sap-nhap/20250717052754913
Bình luận (0)