Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển sinh kế bền vững

Trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu và nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học, tỉnh Sơn La đang phối hợp với các đơn vị triển khai nhiều dự án bảo tồn thiên nhiên từ nguồn xã hội hóa. Trung tâm Con người và Thiên nhiên hiện đang triển khai các dự án bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển sinh kế bền vững cho người dân địa phương.

Báo Sơn LaBáo Sơn La15/07/2025

 Bảo tồn đa dạng sinh học và phục hồi rừng

Tỉnh Sơn La có 5 khu dự trữ thiên nhiên, 1 khu bảo vệ cảnh quan lịch sử, 1 khu bảo tồn loài - sinh cảnh và 11 danh lam thắng cảnh giá trị, là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Vì vậy, bảo tồn thiên nhiên là nhiệm vụ cấp thiết.

Các tình nguyện viên và nhân dân tham gia trồng rừng tại xã Vân Hồ. 

Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), cho biết: Từ năm 2015, Trung tâm đã triển khai 4 lĩnh vực chính tại Sơn La, gồm: Bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi rừng, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển sinh kế bền vững, với tổng kinh phí 20 tỷ đồng. Trung tâm lập văn phòng thực địa tại xã Vân Hồ để thực hiện nghiên cứu, bảo tồn; phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh triển khai các dự án quản lý tài nguyên thiên nhiên và kết nối các nhà tài trợ, hảo tâm đến tìm hiểu tiềm năng bảo tồn của địa phương.

Từ năm 2015 đến nay, Trung tâm đã phối hợp với Ban Quản lý rừng đặc dụng Xuân Nha và Hạt Kiểm lâm khu vực X triển khai nghiên cứu, bảo tồn các loài cây lá kim quý hiếm như thông Xuân Nha, sa mu dầu, bách xanh núi đá, thông đỏ bắc. Các hoạt động gồm: Lấy giống, nhân giống tại vườn ươm, trồng lưu giữ nguồn gen và phục hồi rừng. Đồng thời, tiến hành bảo tồn 3 đàn vượn đen má trắng (14 cá thể) tại rừng núi đá vôi xã Vân Hồ.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm khu vực X hướng dẫn nhân dân trồng các loại cây bản địa. 

Anh Phan Văn Thăng, cán bộ Văn phòng thực địa tại xã Vân Hồ, thông tin: Đơn vị đã phối hợp tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho các tổ quản lý bảo vệ rừng tại khu vực có loài sinh vật cần bảo tồn; lắp đặt bảng tuyên truyền, cảnh báo và hỗ trợ tuần tra rừng hiệu quả. Đồng thời, thành lập nhóm bảo tồn vượn với 15 thành viên ở 4 bản tham gia quản lý, nghiên cứu môi trường sống và tập tính của loài vượn đen má trắng, góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Tổ bảo vệ vượn Vân Hồ tuần tra khu vực sinh sống của cá thể vượn đen má trắng.
Ảnh: Phan Thăng (CTV)

Bên cạnh đó, hoạt động phục hồi rừng được triển khai gắn với các sự kiện như: Ngày Môi trường thế giới 2022, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 2023, Chiến dịch “Rừng xanh lên” 2024, “Góp lá vá rừng” 2025, thu hút gần 1.000 tình nguyện viên tham gia. Qua đó, đã gieo hơn 13.000 bom hạt, trồng gần 70 ha cây rừng bản địa (giổi, trám, nghiến, re, gù hương...) tại các xã Xuân Nha, Vân Hồ, Song Khủa, góp phần phục hồi rừng, giảm nguy cơ sạt lở và bảo vệ môi trường sống cho động vật hoang dã.

Ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ sinh kế

Trong hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), Trung tâm Con người và Thiên nhiên đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh triển khai Dự án VOF do tổ chức CISU (Đan Mạch) tài trợ, nhằm nâng cao tiếng nói và năng lực chống chịu BĐKH cho nông dân dân tộc thiểu số ở Tây Bắc. Từ năm 2018 đến năm 2022, Dự án được thực hiện tại các bản: Phé A (xã Chiềng La), Nà Si (xã Mai Sơn), bản Khái (xã Yên Châu) và bản Thín (xã Xuân Nha). Qua đó, hình thành các mô hình nông nghiệp thích ứng như: Nuôi bò, dê nhốt chuồng; ủ thức ăn cho gia súc; trồng xoài, nhãn xen cỏ; canh tác lúa theo phương pháp SRI; trồng cây ăn quả theo hướng nông - lâm kết hợp và trồng bồ kết phục hồi rừng sau nương rẫy. 

Mô hình trồng nấm rơm tại xã Xuân Nha.
Ảnh: Phan Thăng (CTV)

Hỗ trợ người dân phát triển kinh tế bền vững, các xã Xuân Nha, Vân Hồ đã triển khai nhiều hoạt động như: Thúc đẩy phụ nữ tham gia canh tác, kinh doanh nông nghiệp thân thiện với môi trường; giảm rác thải nhựa; sản xuất, tiêu thụ măng an toàn; xây dựng bếp củi tiết kiệm. Đã có 8 mô hình được triển khai gồm: Trồng gai xanh, nuôi ong lấy mật, trồng dứa, sản xuất măng sạch, thu hái - chế biến mắc khén, nấm linh chi, phát triển nghề mây tre đan. Đồng thời, lắp đặt 40 bếp tiết kiệm củi cho cộng đồng người Mông ở xã Vân Hồ, góp phần giảm áp lực lên rừng.

Chị Hà Thị Sáng, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Nha, cho biết: Với sự hỗ trợ của Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Hội đang triển khai mô hình trồng nấm rơm nhằm nâng cao thu nhập cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Đến nay, đã tổ chức tập huấn kỹ thuật cho 40 hội viên, xây dựng 4 mô hình trình diễn và hỗ trợ nhân rộng. Sau khoảng 35 - 40 ngày, nấm sẽ cho thu hoạch, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Phụ nữ xã Xuân Nha trồng nấm rơm.

Tiếp tục triển khai hoạt động bảo tồn thiên nhiên

Giai đoạn 2015-2025, Trung tâm Con người và Thiên nhiên triển khai nhiều dự án tại Sơn La, tập trung vào bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi rừng, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển sinh kế bền vững. Dù chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ, các hoạt động này đã góp phần bảo vệ môi trường, hỗ trợ sinh kế cho người dân và thể hiện cam kết đồng hành cùng tỉnh Sơn La và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững.

Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên, cho biết: Trung tâm sẽ triển khai Dự án Trạm Nghiên cứu Sinh thái dài hạn (LTER) tại xã Vân Hồ giai đoạn 2025-2035, với tổng kinh phí 43,7- 56 tỷ đồng. Dự án nhằm xây dựng cơ sở nghiên cứu bền vững, theo dõi biến động sinh thái, nâng độ che phủ rừng từ 45% lên 50%, giảm sạt lở, bảo vệ loài vượn đen má trắng. Về kinh tế - xã hội, dự án dự kiến nâng thu nhập cho 2.000-3.000 hộ dân qua mô hình nông lâm kết hợp, tạo 50-100 việc làm trực tiếp, 200-300 việc làm gián tiếp và phát triển du lịch sinh thái.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm khu vực X và nhân dân xã Vân Hồ tham gia trồng rừng. 

 Việc triển khai hiệu quả các dự án nghiên cứu đa dạng sinh học, đánh giá tác động biến đổi khí hậu và xây dựng chiến lược bảo tồn của Trung tâm Con người và Thiên nhiên tại Sơn La đã góp phần quản lý thiên nhiên, bảo vệ hệ sinh thái và môi trường sống của các loài quý hiếm, đồng thời hỗ trợ nhân dân phát triển sinh kế bền vững từ mô hình nông - lâm kết hợp.

Nguồn: https://baosonla.vn/van-hoa-xa-hoi/bao-ton-da-dang-sinh-hoc-gan-voi-phat-trien-sinh-ke-ben-vung-4vyD4D8HR.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm