Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bảo tồn giống lúa nếp than

Việt NamViệt Nam02/04/2025


(QBĐT) - Trước nguy cơ dần mai một giống lúa nếp than có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao, Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình đã triển khai nhiệm vụ “Bảo tồn, phục tráng giống lúa nếp than tại huyện Lệ Thủy”. Sản phẩm sau phục tráng sẽ được cung ứng rộng rãi, nhân rộng sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân và đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.

 

Nguy cơ mai một giống lúa nếp quý

 

Giống lúa nếp than từng được đồng bào Bru-Vân Kiều ở huyện Lệ Thủy gieo trồng trên nương rẫy, nhưng do điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt, bà con không áp dụng các biện pháp chăm bón, nên năng suất thấp, dẫn đến giống lúa dần dần bị mai một. Từ năm 2016, một số hộ dân xã Ngân Thủy thử nghiệm trồng trên ruộng nước, cho năng suất đạt khá hơn. Đến nay, lúa nếp than được bà con duy trì gieo trồng tại một số bản, như: Khe Giữa, Còi Đá, Cẩm Ly, Cửa Mẹc ở xã Ngân Thủy (Lệ Thủy)... với khoảng trên 10ha.

Mô hình sản xuất nếp than theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Ngân Thủy (Lệ Thủy).
Mô hình sản xuất nếp than theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Ngân Thủy (Lệ Thủy).

Theo nghiên cứu, lúa nếp than được đánh giá là một trong những giống lúa quý có khả năng thích nghi với nhiều vùng sinh thái khác nhau và đã được đồng bào miền núi gieo trồng lâu đời tại nhiều địa phương trong tỉnh. Với đặc điểm hạt gạo nếp có màu tím đen, dẻo thơm và giàu giá trị dinh dưỡng, nếp than không chỉ là nguồn thực phẩm quen thuộc mà còn có tiềm năng phát triển thành sản phẩm thương hiệu trên vùng quê “Hai giỏi”.

 

Mặt khác, với điều kiện kinh tế-xã hội ngày càng phát triển, các thôn bản vùng sâu, vùng xa đang từng bước hội nhập xu thế mới trong việc tạo ra các sản phẩm độc đáo để mở rộng, chuyển đổi, phục vụ phát triển ngành nghề dịch vụ, du lịch. Vì vậy, các sản phẩm nông nghiệp của đồng bào như lúa nếp than là một trong những thực phẩm triển vọng sẽ trở thành món ăn “đặc sản” hấp dẫn được du khách ưa chuộng.

 

Kỹ sư Lê Quốc Việt, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty CP Tổng Công ty Nông nghiệp Quảng Bình, Chủ nhiệm đề tài chia sẻ: Từ những minh chứng khoa học và thực tiễn cuộc sống, để có cơ sở bảo tồn nguồn gen quý hiếm và nâng cao chất lượng sản phẩm, Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình đã triển khai nghiên cứu phục tráng giống lúa nếp than tại xã Ngân Thủy nhằm bảo tồn giống lúa nếp chất lượng cao, ổn định về năng suất, bảo đảm chất lượng, thích nghi với điều kiện sản xuất, thổ nhưỡng và sự phát triển của các địa phương trên địa bàn.

 

Triển vọng chuỗi giá trị bền vững

 

Với nguồn giống đã được trồng từ nhiều đời của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều tại xã Ngân Thủy, để đánh giá chính xác hiệu quả thực tế, Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình đã chủ trì triển khai hai mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Ngân Thủy và xã Duy Ninh (Quảng Ninh), mỗi mô hình có quy mô 4ha. Đây là bước kiểm nghiệm tính ổn định của giống và giúp người dân trên địa bàn tiếp cận với quy trình canh tác tiên tiến, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Giống lúa nếp than được sản xuất trên đồng ruộng ở địa bàn TP. Đồng Hới.
Giống lúa nếp than được sản xuất trên đồng ruộng ở địa bàn TP. Đồng Hới.

Nông dân Nguyễn Văn Đức ở bản Cửa Mẹc, xã Ngân Thủy cho biết, gạo nếp than không những được đồng bào ăn thường xuyên mà bán cũng rất đắt khách và được giá. Mô hình gieo trồng lúa nếp than có ứng dụng khoa học công nghệ cho kết quả tốt hơn trồng theo phương pháp truyền thống trước đây của bà con. Cây lúa lên nhanh và tỷ lệ sống cao hơn. Sản xuất lúa nếp than đạt năng suất, chất lượng tốt, gia đình ông sẽ mở rộng thêm diện tích canh tác giống lúa nếp này.

 

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra, khảo sát, thu thập tài liệu, lấy mẫu giống và đánh giá thực trạng sản xuất lúa nếp than tại các vùng trồng truyền thống. Dựa trên những dữ liệu thu thập được, nhóm nghiên cứu đã xây dựng, ghi nhận các đặc tính cơ bản của giống lúa nếp than từ nguồn nguyên liệu ban đầu. Sau quá trình phục tráng và chọn lọc giống sẽ tạo ra nguồn giống siêu nguyên chủng, bảo đảm giữ vững các đặc tính quý của lúa nếp than, như: Hạt nhỏ, màu tím đen đặc trưng, cơm dẻo thơm và hàm lượng dinh dưỡng cao...; từ đó, tiếp tục nhân rộng giống nguyên chủng để phục vụ sản xuất đại trà.

 

Tháng 1/2022, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đức Ninh Đông (TP. Đồng Hới) đã thực hiện mô hình trồng thử nghiệm giống lúa nếp than ĐH6 (giống nếp cẩm Căm Pẹ ở Thanh Hóa từ năm 2009) với 14 hộ dân tham gia trên diện tích 5ha. Theo đánh giá, loại giống này có thời gian sinh trưởng ngắn, thân cứng, chống đổ tốt, đẻ nhánh tập trung, tỷ lệ hạt chắc cao; năng suất ổn định 35-40 tạ/ha, nếu thâm canh tốt có thể đạt 50 tạ/ha.

Nhiệm vụ cũng đang tập trung vào công tác hỗ trợ tiêu thụ và xây dựng thương hiệu. Việc liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm giúp bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân, tránh tình trạng “được mùa mất giá”. Cùng đó, đơn vị đã chú trọng nhãn mác, bao bì và tem truy xuất nguồn gốc, tạo nền tảng cho việc quảng bá sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước.

 

Khi nhiệm vụ được triển khai thành công, giống lúa nếp than thuần chủng với chất lượng bảo đảm sẽ được nhân rộng, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế. Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, góp phần tạo nên chuỗi giá trị bền vững cho sản phẩm gạo nếp than.

 

Theo đánh giá của đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, xây dựng quy trình phục tráng giống lúa nếp than không chỉ giúp bảo tồn nguồn gen quý hiếm mà còn là cơ sở khoa học để nhân giống và phát triển các giống bản địa khác trong tương lai. Đây là bước tiến quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị nông sản đặc trưng của Quảng Bình, đồng thời mở ra cơ hội phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững cho người dân địa phương.

Hương Trà



Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202504/bao-ton-giong-lua-nep-than-2225351/

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm