Thành phố Pleiku được biết đến với sự đa dạng, độc đáo về hệ thống văn hóa vật thể và phi vật thể. Những giá trị văn hóa đó không chỉ góp phần làm phong phú bản sắc dân tộc, mà còn trở thành động lực thúc đẩy phát triển du lịch, đóng góp vào phát triển kinh tế và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Phát huy hiệu quả giá trị của các di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch
Di sản văn hoá vật thể và phi vật thể đã và đang được thành phố Pleiku khai thác hiệu quả nhằm nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho Nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thành phố thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Những năm qua, thành phố Pleiku đã cấp kinh phí hàng chục tỷ đồng dành cho việc khôi phục, tôn tạo, bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Cùng với đó các doanh nghiệp và địa phương đã chủ động phối hợp, liên kết, xây dựng tour, tuyến du lịch phù hợp đáp ứng nhu cầu thăm quan, học tập, khám phá của Nhân dân, du khách.
Cùng với những di tích lịch sử - văn hoá, thành phố còn sở hữu một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể mang đậm nét bản sắc văn hóa của người Jrai, điển hình như: biểu diễn cồng chiêng, nghề dệt thổ cẩm, các lễ hội truyền thống như: mừng nhà Rông mới, lễ bỏ mã, lễ báo hiếu,…
Việc phát huy giá trị văn hóa của thành phố Pleiku không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, mà còn được chuyển hóa thành động lực phát triển kinh tế. Nhờ quan tâm, làm tốt, nhiều di sản văn hoá được gìn giữ, tôn tạo, lan tỏa, phát huy giá trị, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần trong các tầng lớp Nhân dân, hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng hấp dẫn, thu hút du khách, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Một trong số đó, có thể kể đến các sản phẩm thổ cẩm tại câu lạc bộ dệt thổ cẩm làng Phung, xã Biển Hồ. Những họa tiết, hoa văn tinh tế quyện với gam màu quyến rũ, qua đôi bàn tay khéo léo của các chị ở câu lạc bộ đã tạo ra những sản phẩm thổ cẩm khẳng định được nét độc đáo đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Jrai. Các sản phẩm làm ra phong phú, đa dạng, ngày càng phù hợp hơn với thị hiếu của khách hàng như váy, áo, khố, túi xách, túi đeo, ba lô, ví, hộp bút, gối, khăn quàng,… tạo công ăn việc làm cho rất nhiều chị em tại câu lạc bộ.
Chị Lê Thị Loan – công chức văn hoá xã Biển Hồ cho biết: “Trên địa bàn xã hiện nay có Di tích thắng cảnh Biển Hồ thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan; bên cạnh đó xã Biển Hồ đang đầu tư phát triển làng văn hóa du lịch cộng đồng nên di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có nghề dệt thổ cẩm góp phần tạo nên nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng cho du lịch cộng đồng, tạo công ăn việc làm cho một số lao động có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của địa phương”.
Tiếp tục bảo tồn, phát huy di sản
Để giữ gìn, phát huy những giá trị di sản văn hoá, hằng năm, phòng Văn hóa và Thông tin ( nay là phòng Văn hoá Khoa học và Thông tin) thành phố đã thực hiện tốt công tác kiểm kê di tích và danh lam thắng cảnh trên địa bàn, đánh giá thực trạng về công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích được xếp hạng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa và góp phần quảng bá, phục vụ hoạt động du lịch.
Theo kết quả điều tra, đến cuối tháng 12/2024, toàn thành phố có 176 bộ cồng chiêng, 680 nghệ nhân trình diễn cồng chiêng, múa xoang, 04 nghệ nhân chỉnh chiêng, 18 nghệ nhân tạc tượng và 27 đội văn nghệ có sử dụng cồng chiêng. Trong đó có 02 đội cồng chiêng nữ của làng Chuet Ngol, xã Chư Á và đội cồng chiêng nữ của làng Kép, phường Đống Đa. Các nghệ nhân thường xuyên tham gia các lễ hội, sự kiện của thành phố, xã, phường, thôn, làng với những bài chiêng truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc của người Jrai như: Mừng lúa mới, mừng chiến thắng, chàng trai dũng cảm, lễ Pơ thi,… những điệu múa, bài chiêng của người dân tộc Jrai khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn thành phố tích cực thi đua lao động sản xuất, công tác và học tập, góp phần phát triển du lịch, xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hoá được quan tâm. Tính riêng trong năm 2024, thành phố đã xuất ngân sách 950.000.000 đồng cho UBND các xã, phường để mua sắm 19 bộ cồng chiêng cấp cho các làng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thành phố thường xuyên tổ chức giao lưu cồng chiêng, múa xoang cùng du khách tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành lập Đội cồng chiêng và tiến hành tập luyện để phục vụ du khách khi có yêu cầu. Nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố. Từ năm 2022 đến nay, thành phố đã tổ chức 08 lớp truyền dạy cồng chiêng tại các xã, phường,... Hàng năm, thành phố tổ chức Liên hoan cồng chiêng và hát dân ca cho thanh thiếu niên và học sinh trong dịp hè, Hội thao dân tộc thiểu số, Hội thi văn hóa các dân tộc thiểu số. Thành lập các đoàn tham gia các Hội thi, Liên hoan của tỉnh tổ chức đạt kết quả cao.
Đồng chí Nguyễn Xuân Hà, Thành uỷ viên, Trưởng phòng Văn hoá, Khoa học và Thông tin thành phố Pleiku cho biết: “Với sự nỗ lực của các ngành, các cấp chính quyền từ thành phố đến cơ sở, các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể trên địa bàn thành phố đã được khai thác, phát huy giá trị, trở thành nguồn lực, sản phẩm phục vụ phát triển du lịch của địa phương.
Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng tổ chức các chương trình, sự kiện văn hóa - du lịch; chủ động, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa diễn ra trong và ngoài tỉnh để phát huy hơn nữa các giá trị của di sản văn hóa./.
Hồng Trang
Nguồn: https://svhttdl.gialai.gov.vn/News/Details.aspx?id=Mjk4OA==&idtype=MQ==
Bình luận (0)