Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 11 (khóa XIII) vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu quan điểm: "công tác nhân sự đã rất quan trọng, nay lại càng quan trọng hơn trước yêu cầu mới". Tình hình hiện nay đang đòi hỏi chúng ta phải "làm tốt công tác lựa chọn, bố trí lãnh đạo, nhất là người đứng đầu các cơ quan cấp tỉnh, cấp xã sau khi sáp nhập".
Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang đồng thời thực hiện nhiều nhiệm vụ có tính lịch sử với tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", "chỉ bàn làm không bàn lùi", "không được để gián đoạn công việc", "bộ máy mới phải gần dân, sát dân, phải hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn bộ máy cũ", có thể nói công tác cán bộ nói chung, việc lựa chọn, bố trí lãnh đạo, nhất là người đứng đầu các cơ quan cấp tỉnh, cấp xã sau khi sáp nhập nói riêng là đặc biệt quan trọng, có vai trò then chốt trong việc đảm bảo sự ổn định của hệ thống chính trị, nhanh chóng thích ứng với tình hình mới để triển khai kế hoạch phát triển ở các địa phương.
"Cuộc cách mạng" về bộ máy tổ chức, đơn vị hành chính và cải cách, đổi mới để phát triển đất nước đang diễn ra quyết liệt, khẩn trương trên phạm vi cả nước. Theo dự kiến, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương hai cấp sẽ hoàn thành trước ngày 1/9.
Theo dự kiến, ba địa phương là TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được hợp nhất thành một đơn vị hành chính duy nhất mang tên TPHCM (Ảnh minh họa: Hải Long)
Bên cạnh đó, một trong những mục tiêu hàng đầu của chủ trương sắp xếp lại các địa phương, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là để tạo ra các "không gian phát triển mới". Vì thế, người dân cả nước hẳn cũng đang rất kỳ vọng về một đội ngũ cán bộ với tâm thế mới và sinh khí mới, bản lĩnh và năng lực xứng tầm với những trọng trách lịch sử, tràn đầy khát vọng và nhiệt huyết để thực hiện những mục tiêu phát triển đột phá tại các địa phương cũng như trên phạm vi cả nước.
Ngày 14/4 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành chỉ thị số 45-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, và kết luận số 150-KL/TW hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới. Theo đó, một trong những hướng dẫn được nêu trong kết luận số 150-KL/TW là: "khi thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh hoặc thành lập mới đơn vị hành chính cấp xã, thì không bầu cử các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; Trưởng, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội; Trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân và Ủy viên Ủy ban nhân dân theo quy định, mà giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp xã căn cứ thông báo của cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ, tiến hành chỉ định, bổ nhiệm nhân sự đảm nhiệm các chức danh liên quan nêu trên. Trường hợp đặc biệt, cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu Hội đồng nhân dân giữ các chức danh lãnh đạo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp xã mới thành lập".
Trong bối cảnh hiện nay, "chỉ định, bổ nhiệm nhân sự" theo đúng hướng dẫn nêu trên sẽ giúp lựa chọn những nhân sự đáp ứng các yêu cầu về phẩm chất và năng lực, phù hợp với các tiêu chí do các cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước đề ra, cũng như những nhu cầu và kỳ vọng đặc thù tại địa phương, không chỉ cho giai đoạn hiện nay và nhiệm kỳ sắp tới.
Khát vọng đưa đất nước phát triển đột phá, vươn mình để thay đổi vị thế của quốc gia và dân tộc trong kỷ nguyên mới đã được Ban chấp hành Trung ương cũng như các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước nhiều lần khẳng định. Xét đến truyền thống chính trị, đặc trưng thể chế quản trị quốc gia, cũng như trình độ phát triển hiện tại của đất nước, để hiện thực hóa được sứ mệnh chính trị của Đảng vào giữa thế kỷ 21 (tầm nhìn 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao), đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp bao gồm cấp tỉnh và cấp xã có vai trò quyết định.
Cũng tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 11 (khóa XIII), Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu nhận định rất thuyết phục: "Thế giới họ đi quá xa… nếu ta không thay đổi thì khó có thể bắt kịp, nguy cơ tụt hậu là thấy rõ". Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác nhân sự trong bối cảnh đặc thù hiện nay, Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt "phải tính toán đồng bộ, liên thông giữa cả 4 giai đoạn: Bố trí cán bộ sau khi hợp nhất - Nhân sự đại hội đảng cấp tỉnh, cấp xã - Nhân sự Đại hội XIV - Nhân sự bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp". Cùng với đó, "nhân sự lãnh đạo các cấp và nhân sự Đại hội XIV phải hội tụ "đủ đức - đủ tài - đủ tâm - đủ tầm - đủ sức - đủ nhiệt huyết cách mạng" để gánh vác trọng trách lịch sử của đất nước".
Người đứng đầu Đảng cũng nêu quan điểm rõ ràng: "Trong tình hình hiện nay, không có chỗ cho những cán bộ cơ hội, bon chen, trung bình chủ nghĩa, lừng chừng, ngại đổi mới, thu vén cá nhân". Theo Tổng Bí thư, "những ai tự thấy mình không đáp ứng yêu cầu thì tự nguyện rút lui, nhường chỗ cho người xứng đáng hơn - tự nguyện đứng về phía sau vì sự phát triển cũng là hành động bản lĩnh, dũng cảm, đáng tự hào, đáng được khen ngợi".
Quan điểm nêu trên của Tổng Bí thư Tô Lâm nhất quán với chủ trương của Đảng thể hiện trong kết luận số 150-KL/TW: "Không xem xét, phân công, bố trí, giới thiệu giữ chức vụ cao hơn, có vị trí quan trọng hơn đối với cán bộ đã bị thi hành kỷ luật trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 hoặc có vi phạm, khuyết điểm theo kết luận của cấp có thẩm quyền hoặc có thông tin về trách nhiệm cá nhân trong các vụ án, vụ việc, kết luận mà các cơ quan chức năng đang, sẽ điều tra, thanh tra, kiểm tra".
Thiết nghĩ, trong giai đoạn thực hiện những quyết sách có tính cách mạng, các yêu cầu, nhiệm vụ đang đặt ra ngày càng cao sẽ vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để cán bộ, nhất là lãnh đạo cấp tỉnh, cấp xã chứng minh năng lực, bản lĩnh và trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, và nhân dân. Qua đó, các cấp có thẩm quyền sẽ có thể sàng lọc, phát hiện và lựa chọn được những người đủ đức, đủ tài để tiếp tục quy hoạch, bố trí vào các vị trí xứng đáng và phù hợp cho sự phát triển của địa phương và đất nước trong thời kỳ mới, cả dân tộc nỗ lực hành động để thay đổi vị thế quốc gia.
Ý thức rõ về những kỳ vọng của nhân dân và thực hiện theo đúng các kết luận, yêu cầu, hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền và quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, tin tưởng rằng các cấp có thẩm quyền sẽ lựa chọn, bố trí được các cán bộ lãnh đạo, nhất là những người đứng đầu cơ quan cấp tỉnh, cấp xã sau khi sắp xếp, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ và có uy tín cao, có khát vọng và nhiệt huyết cống hiến để đảm đương tốt trọng trách được giao.
Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/tam-diem/sap-nhap-cap-tinh-cap-xa-cong-tac-nhan-su-truoc-yeu-cau-moi-20250423074256721.htm
Bình luận (0)