Ngư dân thực hiện thủ tục tại phòng trực của Ban Quản lý Âu thuyền Thọ Quang, Đà Nẵng - Ảnh: VGP/Minh Trang
Từ tuyên truyền đến hành động: Xây dựng văn hóa pháp luật trên biển
Vừa cập bến âu thuyền Thọ Quang (TP. Đà Nẵng) với khoang tàu đầy ắp cá ngừ, tàu BĐ 92089 TS của ông Lê Lai (quê Bình Định) trở về sau chuyến biển dài 10 ngày. Cũng như mọi lần, tàu của ông Lai thực hiện thủ tục xuất trình giấy tờ tại Trạm biên phòng Mân Quang, sau đó tiếp tục khai báo tại phòng trực ban của Ban Quản lý âu thuyền Thọ Quang.
Ông Lê Lai chia sẻ: "Trước mỗi chuyến đi, chúng tôi làm đầy đủ thủ tục xuất bến, khai báo rõ ràng hải trình. Khi về, cũng trình báo đầy đủ, không để sai sót. Mình làm ăn chân chính, cứ tuân thủ đúng quy định thì không lo gì cả. Nhà nước hỗ trợ, hướng dẫn nên giờ ai cũng nắm rõ. Quan trọng nhất là khi tàu ra khơi đúng thủ tục, có giấy tờ đầy đủ, nếu gặp sự cố sẽ được hỗ trợ".
Về cùng đợt với tàu của ông Lê Lai, ngư dân Nguyễn Cam, thuyền trưởng tàu QNg 92067 TS bày tỏ: "Ngư dân ra khơi không chỉ vì miếng cơm manh áo, mà còn vì trách nhiệm với chủ quyền biển đảo quê hương. Chúng tôi luôn chấp hành các quy định chống khai thác bất hợp pháp, không xâm phạm vùng biển nước ngoài. Mỗi chuyến đi, bên cạnh đánh bắt hải sản, chúng tôi còn là những 'cột mốc sống', khẳng định chủ quyền của Tổ quốc. Biển là nhà, giữ gìn biển cũng là giữ gìn tương lai con cháu mình."
Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng cùng UBND quận Hải Châu trao cờ Tổ quốc và quà cho bà con ngư dân, động viên ngư dân ra khơi bám biển
Là cán bộ trực tiếp thực hiện các buổi tuyên truyền chủ quyền biển, đảo đến ngư dân và các khu dân cư, Đại úy Mai Thanh Tài, Chính trị viên Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng sông Hàn (Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng), cho biết các lỗi vi phạm mà tàu cá của ngư dân thường mắc phải là: Tháo thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá; không viết số đăng ký tàu cá theo quy định; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá hết hạn; không có văn bằng hoặc chứng chỉ theo quy định; không mua bảo hiểm cho thuyền viên; không đánh dấu nhận biết tàu cá trong trường hợp sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m và từ 24m trở lên…
"Đơn vị liên tục tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến ngư dân về các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến IUU và các quy định khi hành nghề trên biển, đặc biệt là các phương tiện có nguy cơ vi phạm IUU, vi phạm vùng biển nước ngoài…”, Đại úy Mai Thanh Tài cho hay.
Theo Thượng tá Văn Đức Trường, Chính trị viên Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng, ngay sau Tết nguyên đán, đơn vị đã tổ chức lồng ghép IUU trong chương trình gặp mặt ngư dân đầu năm. Theo đó, các ngư dân đã ký cam kết chấp hành pháp luật khi hành nghề trên biển, đánh bắt, khai thác không xâm phạm vùng biển nước ngoài và vừa khai thác hải sản, vừa tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Tại chương trình, ban tổ chức cũng đã trao 116 suất quà kèm theo 1 phao tròn, 1 dây buộc phao tặng các ngư dân trên địa bàn quận Hải Châu.
Cán bộ chiến sĩ biên phòng Đà Nẵng tuyên truyền về chống khai thác IUU đến bà con ngư dân - Ảnh: VGP/Minh Trang
Lan tỏa ý thức pháp luật, vững vàng nơi đầu sóng
Thời gian qua, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP. Đà Nẵng đã triển khai, vận dụng nhiều mô hình, cách làm hiệu quả trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hỗ trợ nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh khu vực biên giới biển.
Theo Đại tá Hồ Sỹ Hậu, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP TP. Đà Nẵng, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng biên phòng thành phố đã tuyên truyền, phổ biến kiến thức về pháp luật, biển, đảo, các quy định chống khai thác IUU cho hơn 5.000 lượt tàu/36.600 lượt chủ tàu, ngư dân thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát tại các trạm kiểm soát biên phòng; tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp 26 buổi/2.100 lượt ngư dân; tuyên truyền phòng, chống ma túy, phòng ngừa vi phạm pháp luật, tai nạn đuối nước cho gần 3.000 lượt học sinh, sinh viên...
Bằng nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, đến nay, các đơn vị thuộc BĐBP TP. Đà Nẵng phối hợp với địa phương xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình tự quản bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, phòng, chống tội phạm, như: "Tổ tàu thuyền đoàn kết, an toàn"; "Âu thuyền, cảng cá an toàn, văn hóa"; "Khu dân cư văn hóa biển"; "Tuyến biển an toàn, văn hóa, văn minh"...
Đến nay, 100% hộ dân ở các khu dân cư biên giới biển tự nguyện đăng ký thực hiện phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới".
Trên địa bàn TP. Đà Nẵng không còn tàu cá "3 không" - Ảnh: VGP/Minh Trang
Theo UBND TP. Đà Nẵng, tính đến cuối tháng 2, tổng số tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên tại TP. Đà Nẵng là 1.548 tàu, trong đó tàu cá ven bờ 735 chiếc, tàu cá vùng lộng 206 chiếc, tàu cá vùng khơi 607 chiếc. Hiện đã hoàn thành cập nhật đầy đủ dữ liệu của 1.548 tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia.
Tính đến tháng 2, trên địa bàn Thành phố không còn tàu cá "3 không". Còn 85 tàu cá không đủ điều kiện hoạt động là những tàu đã đăng ký (trễ hạn đăng kiểm, chưa cấp giấy phép khai thác thủy sản). Thành phố đã kiểm kê, lập danh sách theo dõi 85 tàu cá này và giao các địa phương tăng cường quản lý, phân công đảng viên cấp cơ sở theo dõi, giám sát tàu cá; yêu cầu chủ tàu cá không đưa tàu cá đi hoạt động khai thác thủy sản khi chưa đầy đủ giấy tờ, không để ngư cụ, trang thiết bị khai thác thủy sản trên tàu.
Minh Trang
Nguồn: https://baochinhphu.vn/bien-phong-sat-canh-de-ngu-dan-vung-vang-bam-bien-102250328161946897.htm
Bình luận (0)