Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Biểu tượng độc đáo của người Tày từ góc nhìn qua bộ trang phục

Việt NamViệt Nam10/04/2025



Dân tộc Tày, sinh sống chủ yếu tại các tỉnh miền núi phía Đông Bắc như Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh, phía Tây Bắc như Lào Cai, Yên Bái..., cuộc sống kinh tế và xã hội cộng đồng người Tày từ thời khai thiên lập địa trải qua quá trình tồn tại và phát triển, người Tày tích lũy được những giá trị văn hóa đa dạng, độc đáo riêng có của dân tộc mình. Đặc biệt, trang phục truyền thống của người Tày, từ lâu đã trở thành biểu tượng của văn hóa, mang đến vẻ đẹp nền nã, bình dị và độc đáo. 

Ngày nay, để phù hợp với cuộc sống hiện đại và công việc hằng ngày, một số người Tày, đặc biệt là lớp trẻ đã chọn cách ăn mặc giống với dân tộc Kinh cho tiện lợi với công việc và kinh tế. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng trang phục truyền thống của người Tày dù trải qua bao thăng trầm vẫn được giữ gìn và kế thừa qua mọi thế hệ với niềm tự hào cùng sắc núi hương rừng. Người Tày vẫn thường mặc trang phục truyền thống trong các dịp trọng đại như ngày lễ cưới, lễ tết, các ngày hội lớn…

Trang phục truyền thống của người Tày được cắt may từ vải sợi bông tự dệt, được nhuộm chàm xanh đồng nhất cho cả nam và nữ, cắt may cầu kỳ phù hợp cho mọi lứa tuổi, không có nhiều họa tiết trang trí. 

Trang phục truyền thống dân tộc Tày cho nữ có những phụ kiện sau: Khăn vuông gấp chéo để bao đầu, khăn vấn tóc, lọn độn tóc, dây quấn tóc vào lọn độn. 

Trang phục phụ nữ dân tộc Tày.

Trang phục phụ nữ dân tộc Tày.

Áo dài ngũ thân: Đây là loại trang phục phổ biến nhất của phụ nữ Tày, thường được may bằng vải chàm. Áo dài năm thân với cổ đứng cao bằng hai ngón tay nằm ngang, cài khuy vải (kjết mjác sjau hoặc khuy đồng, sang trọng là khuy bạc) bên sườn dưới nách. Điểm đặc biệt là phần vạt áo dài được cắt ngắn ngang gối (trang phục mặc khi lao động), tạo sự năng động và thuận tiện cho sinh hoạt, trang phục cô dâu và trang phục mặc khi đi lễ hội thường được cắt dài tới mắt cá chân tạo dáng thướt tha dịu dàng.

Áo cánh mặc lót bên trong áo dài ngũ thân, áo này may cắt ngắn, cổ tròn, vạt áo đủ thò ra sau khi đã buộc dải thát lưng để tạo điểm nhấn, áo cánh thường được may bằng vải sáng màu hoặc vải khác màu. 

Quần nữ: Quần của phụ nữ Tày truyền thống được cắt may theo kiểu quần lá tọa của người Kinh, hay gọi cách khác là quần chân què, ống rộng, cạp luồn dây khi mặc buộc lại cho chặt, ngày nay đã luồn dây chun cho tiện lợi, quần có chiều dài từ ngang thắt lưng đến mắt cá chân, đũng quần được cắt uốn tròn rộng rãi thuận tiện cho việc leo trèo, khi sắn cao trong lao động sản xuất. 

Thắt lưng: Thắt lưng được làm bằng vải chàm đồng màu với áo, khăn, áo, giày. Thắt lưng thường có chiều rộng bằng hai gang tay (khi đeo gấp thành bốn lớp), dài bằng hai sải tay người đeo (đủ vòng quanh người ba vòng) buộc thắt ngang lưng phía sau rồi thả đuôi thắt lưng buông xuống thành hai dải mềm mại uyển chuyển. Thắt lưng không chỉ giúp cố định trang phục mà còn là điểm nhấn tô điểm thêm cho vẻ đẹp của người phụ nữ.

Giày: Giày của người Tày được cắt may bằng vải, thân giày được khâu bằng vải đã nhuộm chàm, đế giày được khâu bằng vải trắng độn nhiều lớp, để tiết kiệm vải và tạo thêm độ bền, độ êm ái của giày, người Tày thường độn thêm mo tre hoặc vỏ cây sui.  

Đồ trang sức: Phụ nữ Tày thường đeo khuyên tai, nhẫn đeo tay, vòng cổ, vòng tay, vòng chân bằng bạc. Những món đồ trang sức này không chỉ làm đẹp mà còn thể hiện về sự giàu có, gắn với tâm linh và thước đo sức khỏe trong tri thức bản địa của người Tày.

Đối với trang phục truyền thống của nam dân tộc Tày gồm: Khăn xếp đội đầu, khăn xếp được làm bằng vải chàm đồng màu với màu áo, màu giày, khăn xếp có bề rộng bằng hai gang, được gấp bốn, dài bằng một sải tay, khi đội được quấn quanh đầu, có nét giống khăn xếp của người Kinh.

Áo dài ngũ thân của nam được cắt may ghép từ năm thân giống như áo nữ, thân áo thường cắt may ngắn hơn áo nữ, áo dài của nam chỉ dài quá đầu gối, cũng cài khuy (kjét mjác sjau) hoặc khuy bằng đồng, cài bên sườn dưới nách và chỉ khác là nam không đeo thắt lưng.

Quần: Quần của nam giới Tày truyền thống được cắt may theo kiểu quần lá tọa của người Kinh, hay gọi cách khác là quần chân què, ống rộng, cạp luồn dây khi mặc buộc lại cho chặt, ngày nay đã luồn dây chun cho tiện lợi, quần có chiều dài từ ngang thắt lưng đến mắt cá chân, đũng quần được cắt uốn tròn rộng rãi thuận tiện cho việc leo trèo, khi sắn cao trong lao động sản xuất, chất liệu đều được cắt may từ vải chàm.

Giày: Giày của nam giới người Tày được cắt may giống như giày của nữ giới.

Trang phục dân tộc Tày. Ảnh Thế Vĩnh

Trang phục dân tộc Tày. Ảnh Thế Vĩnh

Trang phục dân tộc Tày từ ngàn xưa tới nay không chỉ là một bộ quần áo che thân đơn thuần mà còn là biểu tượng văn hóa được các thế hệ cha ông của người Tày gạn lọc, đúc kết những giá trị tinh hoa nhất của dân tộc mình truyền lại, thể hiện bản sắc độc đáo riêng có của người Tày ẩn chứa nhiều ý nghĩa văn hóa và tinh thần sâu sắc. Mỗi chi tiết trong trang phục đều mang một thông điệp riêng, thể hiện quan niệm thẩm mỹ, tín ngưỡng và bản sắc độc đáo của người Tày.    

Chiếc áo dài ngũ thân của người Tày cả áo nam và áo nữ đều cài năm khuy, tượng trưng cho ngũ thường (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín), ngũ luân (quân thần: vua, tôi, phụ tử: cha, con, phu phụ: chồng, vợ, huynh đệ: anh, em, bằng hữu: bạn bè). Mặc chiếc áo dài ngũ thân là mang trên mình đạo làm người, không được làm những điều trái luân thường đạo lý.

Ngày nay, dù cuộc sống hiện đại hóa, trang phục Tày vẫn được gìn giữ và sử dụng trong các dịp lễ thành hôn, lễ hội, các sự kiện trọng đại của dân tộc, thể hiện niềm tự hào và tình yêu của người Tày đối với truyền thống văn hóa của dân tộc mình.

Đặc biệt, bộ trang phục Tày còn được gắn với tư duy về vũ trụ của người Tày, gắn với văn hóa tâm linh của dân tộc, như màu xanh chàm tượng trưng cho bầu trời, màu trắng tượng trưng cho mặt đất, tượng trưng âm và dương kết hợp hài hòa tạo sự sinh tồn vĩnh cửu. Thông qua kỹ thuật cắt may, kết nối từng bộ phận của chiếc áo trong bộ trang phục của người Tày. mỗi mảnh ghép trên chiếc áo đều có chức năng và ý nghĩa khác nhau, từ tình cha nghĩa mẹ, tình anh em họ hàng, nội ngoại, làng xóm láng giềng. Từ ý nghĩa nhân văn đó chiếc áo còn thể hiện tính cố kết cộng đồng bền chặt cộng đồng từ trong gia đình và ra ngoài xã hội.

Những năm gần đây do nhu cầu của nghệ thuật biểu diễn, chiếc áo dài Tày được phục hồi phục vụ chủ yếu cho biểu diễn trang phục, các nhà thiết kế đã phục dựng và trang trí, tô điểm thêm nhiều loại hoa văn dựa trên hoa văn thổ cẩm của người Tày để trang trí lên chiếc áo dài truyền thống, tạo thêm nét lung linh, sinh động hơn.

Nhưng dù là cách tân hay truyền thống vẫn cần sự hài hòa, trang nghiêm, tinh tế và tôn trọng lịch sử chiếc áo dài truyền thống của người Tày, bởi đó là biểu tượng, là bản sắc, là sự kết tinh những giá trị văn hóa nhân văn sâu sắc của chiếc áo dài gắn với nhân cách sống của người Tày.

                      Thiên Phước


Nguồn: https://baocaobang.vn/bieu-tuong-doc-dao-cua-nguoi-tay-tu-goc-nhin-qua-bo-trang-phuc-3176436.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam
Chủ tịch Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử
Ngắm san hô biển bạc Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm