Phùng Thảo Ngọc, sinh viên Chương trình Tiên tiến Quản trị Kinh doanh Quốc tế Đại học Ngoại thương đã đạt được nhiều thành tích với 8.0 IELTS, 1.500 SAT và là thủ khoa khối C00 kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.

Nền tảng và nỗ lực là bí quyết
Thảo Ngọc chia sẻ: “IELTS về cơ bản vẫn là học ngôn ngữ. Do đó, muốn giỏi, phải nắm chắc nền tảng về từ vựng và ngữ pháp”. Để làm được như vậy, chủ nhân 8.0 IELTS cho rằng, học tiếng Anh không chỉ đợi đến kỳ thi mới học mà phải học mỗi ngày, học trên lớp, học áp dụng tiếng Anh vào cuộc sống. Chỉ khi đó, ta mới có thể tự nâng cấp vốn từ vựng và khả năng ngữ pháp.
Nữ sinh chia sẻ: “Học tiếng Anh là một quá trình dài, học từ bé đến lớn. Mỗi ngày mình tích một ít, dần dần mình sẽ có một lượng kiến thức lớn để giỏi trong lĩnh vực đó”.
Là cựu học sinh chuyên Anh trường THPT chuyên Thái Nguyên, Thảo Ngọc vốn đã trang bị cho bản thân lượng kiến thức cơ bản vững chắc và nguồn từ vựng phong phú. Tuy nhiên, cô vẫn gặp khó khăn trong quá trình rèn luyện kỹ năng writing (viết).
Nhiều người lầm tưởng rằng, việc dùng từ ngữ “đao to búa lớn” sẽ giúp bài viết điểm cao hơn. Ngược lại, nữ sinh lại cho rằng: “Biết nhiều từ vựng chưa chắc đã viết hay. Để đạt được điểm cao, thí sinh cần sử dụng từ vựng một cách thành thạo, linh hoạt, và đúng ngữ cảnh”.
Đồng thời, cựu học sinh chuyên Anh tiếp tục nhấn mạnh: “Cách mình cải thiện khả năng viết là viết thật nhiều, sai lại sửa, sửa rồi viết tiếp”.
SAT - Tự học từ con số 0
Thảo Ngọc không khỏi bất ngờ khi đạt được 1.500 SAT ngay trong lần thi đầu tiên. Sáng hôm nhận điểm, nữ sinh còn đến Văn Miếu cầu may, đến trưa thì có kết quả.
SAT là kỳ thi tương đối mới mẻ với Ngọc. Cô bạn thừa nhận không quá đầu tư vào SAT mà chủ yếu tự học nhờ tài liệu mà các anh chị đi trước truyền lại và luyện tập qua nền tảng Blue Book của College Board.
Dù đã làm quen với các bài đọc hiểu từ IELTS nhưng Thảo Ngọc vẫn gặp nhiều khó khăn khi học SAT. Nữ sinh chia sẻ: “Vì đây cuộc thi cho người bản xứ nên các câu hỏi chứa nhiều từ ngữ chuyên ngành. Đôi khi, các câu hỏi cũng khá cảm tính. Do đó, mình chỉ có thể dựa vào logic của toàn bài để đoán nghĩa”.
Ngoài ra, bài thi đọc của SAT là tổng hợp của nhiều đoạn văn ngắn với chủ đề và nội dung đa dạng. Do đó, khi thi, não cũng cần xử lý nhiều thông tin hơn.
Bí quyết của Thảo Ngọc là luyện kĩ các dạng bài và đầu tư vào từ vựng chuyên sâu. “SAT cũng có giới hạn dạng câu hỏi, nên nếu luyện đủ nhiều, mình sẽ phản xạ tốt khi làm bài”, cô nói.

Áp lực từ người chị giỏi giang
Dù đã đạt nhiều thành tích nổi bật, Thảo Ngọc vẫn luôn xem chị gái là hình mẫu mà bản thân không ngừng nỗ lực để chạm tới.
“Chị mình rất giỏi, cả trong học tập lẫn hoạt động ngoại khóa. Đặc biệt, khi còn ở mái trường Ngoại thương, chị từng là Á khôi và bước ra thế giới thông qua các hoạt động của Liên Hợp Quốc. Vì thế, mình đôi khi cảm thấy áp lực và luôn phải tự nhủ: phải cố gắng thật nhiều mới có thể theo kịp chị”, Ngọc chia sẻ.
Nhưng hơn cả một "cái bóng lớn", người chị ấy chính là nguồn cảm hứng đầu tiên khiến Ngọc yêu thích tiếng Anh, dấn thân vào các hoạt động phong trào và dám thử thách bản thân. Chị là người đồng hành, cổ vũ, và truyền lửa mỗi khi Ngọc đối diện với thử thách, khó khăn.
“Chị vừa áp lực nhưng cũng là động lực. Nhờ có chị mà mới có mình của ngày hôm nay”, Ngọc tâm sự.
Sứ mệnh tri thức cho cộng đồng và bản thân
Khi còn ở dưới mái trường THPT, Thảo Ngọc là người sáng lập dự án mô phỏng Liên Hợp Quốc – Thái Nguyên MUN (TNMUN), một sân chơi giúp các bạn học sinh, sinh viên ở Thái Nguyên tiếp cận kiến thức ngoại giao, chính trị và rèn luyện khả năng tiếng Anh.
Ý tưởng về TNMUN xuất phát từ khi cô tham gia hội nghị MUN tại Hà Nội và được truyền cảm hứng. “Là chủ nhiệm của CLB tiếng Anh, mình muốn tạo ra một sân chơi tương tự ở quê hương, để các bạn học sinh có cơ hội phát triển, biết đâu lại tìm được đam mê mới với chính trị hoặc ngoại giao”.
Khi ấy, cô nữ sinh vừa không có kinh nghiệm tổ chức MUN, lại vừa phải bận rộn ôn thi IELTS và SAT. Do đó, cô luôn trong trạng thái “stress” và mệt mỏi. Tuy nhiên, với mong muốn lan tỏa tri thức và đem lại giá trị lâu dài cho CLB, Thảo Ngọc vẫn tự động viên chính mình: “Cố nốt kỳ này nữa là xong rồi”.

Thảo Ngọc (bên trái ngoài cùng) là người sáng lập và Tổng thư ký TNMUN, lần đầu tiên mang mô hình MUN về với Thái Nguyên (Ảnh: NVCC).
Hiện tại, dưới mái trường của Đại học Ngoại thương, nữ sinh là thành viên của CLB Diễn đàn sinh viên Trường Đại học Ngoại thương (FTU Forum) - đơn vị phối hợp cùng Phòng đào tạo tổ chức các sự kiện tuyển sinh lớn của trường. Đồng thời, cô cũng là 1 trong 4 thủ lĩnh của Ngày hội tuyển sinh FTU 2025.
Chia sẻ về lý do chọn FTU Forum, Thảo Ngọc cho biết muốn trở thành người hỗ trợ cho các em học sinh cấp 3 trong hành trình tuyển sinh – giống như cách mà chính cô từng được các anh chị đi trước dìu dắt. “Mình cảm thấy tự hào khi được tiếp nối truyền thống của CLB và lan tỏa tinh thần đó đến với thế hệ sau”, nữ sinh bày tỏ.
Thảo Ngọc xác định sẽ không ngừng học hỏi, thử sức ở các sân chơi kiến thức, đặc biệt là những lĩnh vực mới như kinh tế và ngoại ngữ. Với cô, sự chủ động và tinh thần cầu tiến luôn là kim chỉ nam trong học tập lẫn hoạt động ngoại khóa.
“Đứng trước mỗi thử thách, mình cũng sợ chứ. Nhưng thay vì để nỗi sợ ngăn cản, mình chọn nỗ lực hết sức. Và khi mình cố gắng hết mình, mình cảm nhận được rằng vũ trụ cũng sẽ ‘gửi tín hiệu’ ủng hộ mình”, nữ sinh Ngoại thương Phùng Thảo Ngọc chia sẻ.
Thu Hiền
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/nu-sinh-ngoai-thuong-va-bi-quyet-de-dat-80-ielts-va-1500-sat-20250724161827967.htm
Bình luận (0)