UBND tỉnh Bình Định vừa phát đi thông báo kết luận của Chủ tịch Phạm Anh Tuấn tại cuộc họp với Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị.
Trung tâm ICISE đón các chuyên gia, nhà khoa học và nghiên cứu sinh từ 19 quốc gia trên thế giới về dự hội thảo quốc tế lần thứ 2 về khoa học sự sống nano - NanoBioCoM2024.
Kết luận cho thấy, từ khi bắt đầu đi vào hoạt động đến nay, Trung tâm ICISE đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học và các lớp học chuyên đề quốc tế, thu hút đông đảo các nhà khoa học đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có các giáo sư đoạt giải Nobel và Fields.
Thông qua đó, đã tạo cơ hội cho sinh viên và các nhà khoa học Việt Nam hội nhập vào cộng đồng khoa học quốc tế, cập nhật những kiến thức mới nhất, phương pháp nghiên cứu tiên tiến từ các giáo sư và chuyên gia có uy tín trên thế giới, góp phần thúc đẩy sự phát triển KHCN và giáo dục của cả nước nói chung và Bình Định nói riêng.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Chủ tịch tỉnh Bình Định đề nghị Trung tâm ICISE tiếp tục duy trì và nâng tầm các hoạt động để trở thành nơi gặp gỡ, hội tụ của các nhà khoa học, lan tỏa các kết quả từ các hội nghị, hội thảo và lớp học chuyên đề khoa học trong nước và quốc tế, góp phần phát triển khoa học và công nghệ, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.
Đặt trọng tâm vào việc nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu chuyên sâu vào 4 hướng nghiên cứu chính là: Vật lý Neutrino, vật lý thiên văn, vật lý lượng tử, vật lý sinh học. Trước mắt, tập trung vào việc thu hút các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu có uy tín trong lĩnh vực mà Việt Nam còn thiếu, còn yếu về nhân lực.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định trao biên bản hợp tác phát triển khoa học và công nghệ cho đại diện Trung tâm ICISE.
Đồng thời, đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng; trong đó tập trung vào đề xuất, đặt hàng các nhiệm vụ KHCN có thể thương mại hóa, đáp ứng nhu cầu của xã hội, phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất và đời sống của nhân dân.
“Cần có các giải pháp cụ thể để nâng tầm Trung tâm ICISE, biến đây trở thành nơi nghiên cứu KH&CN chuyên sâu, mũi nhọn của tỉnh; trở thành đầu mối hợp tác quốc tế về KHCN và đổi mới sáng tạo”, Chủ tịch tỉnh Bình Định nhấn mạnh.
Liên quan đến đề án phát triển Viện IFIRSE thành viện nghiên cứu trọng điểm quốc gia; nâng tầm vị thế của Việt Nam về KHCN, đổi mới sáng tạo. Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Định đề nghị Trung tâm ICISE làm rõ các nội dung đề xuất, bảo đảm tính mới, tính đột phá.
Đồng thời, giao Sở KH&CN là cầu nối, xây dựng kế hoạch triển khai hợp tác giữa tỉnh và Trung tâm ICISE về phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo. Xem xét các đề xuất về nhiệm vụ KHCN của ICISE để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo đúng trình tự, thủ tục và các quy định hiện hành của nhà nước.
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định làm việc với Trung tâm ICISE về các nội dung phối hợp trong chương trình hành động phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của tỉnh.
Giao Sở Tài chính kiểm tra, rà soát, cân đối, bố trí ngân sách tỉnh theo đúng quy định để hỗ trợ Trung tâm ICISE nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu KHCN phù hợp với định hướng, nhu cầu, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển cả trước mắt lẫn lâu dài, tạo động lực cho việc nghiên cứu, phát triển khoa học chuyên sâu, mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 57.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất cho tỉnh cơ chế, chính sách mời các chuyên gia, nhà khoa học về làm việc tại Trung tâm ICISE.
Kể từ khi đi vào hoạt động, ICISE đã phối hợp với Hội Gặp gỡ Việt Nam và UBND tỉnh Bình Định tổ chức khoảng 200 sự kiện khoa học quốc tế chất lượng cao và hơn 45 trường học khoa học chuyên đề, thu hút hơn 16.000 nhà khoa học từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, trung tâm đã mời được 18 giáo sư đoạt giải Nobel, 2 giáo sư đoạt giải Fields, 2 giáo sư đoạt giải Kavli, 1 giáo sư đoạt giải Shaw, 3 giáo sư đoạt giải Dirac và nhiều nhà khoa học danh tiếng khác đến tham dự và chia sẻ kiến thức. ICISE không chỉ là nơi để "bàn chuyện thế giới", với hạt nhân này, Bình Định được giới nghiên cứu khoa học cũng như các doanh nghiệp công nghệ để mắt đến. Nhiều ông lớn công nghệ, trong đó có TMA Solutions, FPT… đã rót hàng triệu USD để phát triển hạ tầng tại đây. Cùng với đó, những công trình biểu tượng về khoa học được xây dựng biến Bình Định thành điểm sáng về KHCN, như: Đại lộ khoa học đầu tiên của cả nước; Nhà vũ trụ - Đài thiên văn, Trung tâm khám phá khoa học... |
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/binh-dinh-nang-tam-trung-tam-icise-thanh-dau-moi-hop-tac-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao/20250403064842685
Bình luận (0)