1- Địa bàn khu vực biên giới nước ta trải dài từ Bắc vào Nam có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với sắc thái văn hóa đa dạng, độc đáo, thống nhất trong bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Các dân tộc này đều có nghi lễ riêng, phản ánh đời sống tinh thần của con người, như lễ cúng mụ, cúng đầy tháng, lễ cấp sắc, lễ trưởng thành, lễ cúng đuổi tà ma - bệnh tật, lễ kỳ yên (giải hạn), cầu mát, lễ mừng thọ,...; lễ hội cúng thần núi, thần sông, thần nông nghiệp, lễ hội nghinh ông, lễ hội mở cửa biển...; nghi lễ cúng rừng, nghi lễ cầu mưa, nghi lễ xuống đồng,... Các lễ hội, nghi lễ này đều thực hiện theo quy định của từng dân tộc và có sự tham gia của thành viên trong gia đình, dòng họ, làng, bản, tạo nên sự cố kết cộng đồng bền chặt.
Trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, địa hình, thổ nhưỡng không thuận lợi, song đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực biên giới nước ta luôn cần cù, bền bỉ, sáng tạo trong lao động, sản xuất và thích ứng với biến đổi của xã hội; qua đó tạo nên giá trị văn hóa đặc sắc, thống nhất trong sự đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S. Giá trị văn hóa này cần được giữ gìn và phát huy trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
2- Từ khi thành lập đến nay, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị luôn tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn, quan tâm chăm lo xây dựng đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần cho bộ đội và nhân dân, động viên cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc thiểu số giữ vững lòng tin, bám trụ từng tấc đất nơi biên cương, biển, đảo, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; xây dựng “thế trận biên phòng toàn dân”, bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
Thực hiện Quyết định số 210/QĐ-TTg, ngày 8-2-2015, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030”; Quyết định số 1909/QĐ-TTg, ngày 12-11-2021, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030”; Chỉ thị số 355-CT/QUTW, ngày 20-4-2017, của Thường vụ Quân ủy Trung ương “Về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật trong quân đội giai đoạn hiện nay”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung về hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí tới các cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng, bảo đảm đúng, đủ nội dung, sát với tình hình thực tế của các đơn vị và địa bàn quản lý. Trong đó, xác định rõ việc tích cực, chủ động phối hợp với ngành chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, bảo đảm đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, lấy nhân dân là chủ thể, bảo đảm tính kết nối giữa các thành phần dân tộc, khai thác giá trị văn hóa của các dân tộc gắn với phát triển du lịch, chuyển đổi cơ cấu lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Giai đoạn 2021 - 2025, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và ban hành nhiều kế hoạch, hướng dẫn cụ thể, như Kế hoạch số 555/KH-BĐBP, ngày 16-2-2022, của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng “về việc triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa trong Bộ đội Biên phòng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Hướng dẫn số 627/HD-CCT, ngày 24-2-2021, của Cục Chính trị “về tổ chức hoạt động trọng điểm về văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí quân đội trong Bộ đội Biên phòng giai đoạn 2021 - 2025”; Công văn số 1157/CCT-TH, ngày 15-9-2023, của Cục Chính trị “về việc triển khai thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa””...; đồng thời, tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai nhiệm vụ hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí... Qua đó, góp phần xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình hay, phong trào quần chúng tham gia giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, bài trừ hủ tục; thực hiện tốt chính sách dân tộc, gắn bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội; phát huy giá trị cốt lõi, tạo nên sức mạnh nội sinh để cộng đồng các dân tộc thiểu số khu vực biên giới phát triển về mọi mặt.
Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng hương ước, quy ước, quy chế của từng dòng họ, thôn, bản; tổ chức thực hiện nghiêm túc việc quản lý văn hóa, bảo vệ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn, đẩy mạnh bài trừ tệ nạn xã hội, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ để cảnh giác với âm mưu “diễn biến hòa bình”; thường xuyên tập huấn chuyên ngành về quản lý văn hóa; quy định chặt chẽ việc quản lý thông tin, tuyên truyền, in ấn, xuất bản, sử dụng internet; phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh hiệu quả với đối tượng buôn bán trái phép ở địa bàn biên giới; xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động dịch vụ văn hóa ở khu vực biên giới. Đề án, kế hoạch về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được cụ thể hóa bằng nhiều mô hình, như “Làng văn hóa, bản an toàn”; “Câu lạc bộ dân ca vùng biên”... các phong trào “Xứ, họ đạo gương mẫu”, “Thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận”, “Gia đình cựu chiến binh gương mẫu”, “Làng thanh niên văn hóa”...
Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới của Bộ đội Biên phòng còn được thể hiện qua hoạt động tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho người dân. Đến nay, 100% thôn, bản biên giới có nhà văn hóa, nhà rông, nhà gươl(1), nhà cộng đồng; 50% xã biên giới có nhà văn hóa xã và sân chơi thể thao. Các đơn vị đã tham mưu chính quyền địa phương chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng, danh lam thắng cảnh; bảo tồn bản, làng truyền thống thông qua việc xây dựng làng, bản văn hóa của các dân tộc, tạo tiền đề về không gian, địa điểm để lễ hội văn hóa, câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, tín ngưỡng, diễn xướng dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số được tổ chức, trình diễn và truyền dạy.
Các đơn vị của Bộ đội Biên phòng tham gia thực hiện đề án bảo tồn và phát triển bền vững một số dân tộc thiểu số khó khăn đặc thù tại khu vực biên giới của nước ta, như dân tộc La Hủ, Mảng (tỉnh Lai Châu), dân tộc Chứt (các tỉnh Quảng Trị, Hà Tĩnh), dân tộc Rơ măm, Brâu (tỉnh Quảng Ngãi)..., góp phần thay đổi tích cực nếp sống, nếp nghĩ đồng bào các dân tộc, sưu tầm nhiều làn điệu dân ca và nhạc cụ có giá trị phục vụ cho công tác nghiên cứu dân tộc học và nghệ thuật dân gian. Các đơn vị tích cực tham gia hoạt động thực hành nghệ thuật, như hát then, đàn tính, múa xòe của đồng bào dân tộc Thái (các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa), hát then, đàn tính của đồng bào dân tộc Tày, Nùng (các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn), khèn Mông (các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang), hát chèo (các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình), hát nghệ thuật bài chòi (các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai), hát bả trạo (tỉnh Quảng Trị), đờn ca tài tử (tỉnh Cà Mau)... Việc tham gia các câu lạc bộ vừa góp phần nâng cao sự hiểu biết về phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống, bồi dưỡng tâm hồn và năng khiếu văn hóa, văn nghệ cho cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng, vừa góp phần làm tốt công tác dân vận, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đơn vị đóng quân.
Các môn thể thao dân tộc, như đẩy gậy, đua thuyền, bắn cung, bắn nỏ, kéo co... được sưu tầm và triển khai tập luyện tích cực, đưa vào nội dung thi đấu chính thức tại giải thể thao thường niên, ngày lễ hội của địa phương. Các loại nhạc cụ, khí cụ, công cụ lao động, sản xuất truyền thống của các dân tộc cũng được tuyên truyền, khuyến khích bảo tồn, lưu giữ. Hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật, truyền bá văn hóa, văn nghệ dân gian được đẩy mạnh. Vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, nghệ nhân dân gian được đề cao, niềm tự hào về giá trị truyền thống của dân tộc được khơi dậy trong các thế hệ, điều đó đã động viên, thôi thúc đồng bào tham gia tích cực, trách nhiệm vào hoạt động giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số, người có uy tín, thế hệ trẻ, người am hiểu về văn hóa dân tộc thường xuyên được tổ chức nhằm thực hiện tốt công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc.
Đặc biệt, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phát huy tốt vai trò của 45 đội tuyên truyền văn hóa ở hàng chục tỉnh, thành phố và Học viện Biên phòng; hơn 400 tổ tuyên truyền văn hóa ở các đồn biên phòng trong việc triển khai thông tin, tuyên truyền và xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân khu vực biên giới. Hằng năm, các tổ, đội tuyên truyền văn hóa đã phục vụ hàng nghìn lượt/buổi tuyên truyền thông tin, biểu diễn văn hóa, văn nghệ cho hàng triệu lượt người xem, ở tận bản, làng xa xôi, hẻo lánh. Các đơn vị tham gia, quản lý lễ hội truyền thống, quản lý, vận hành cụm văn hóa thông tin, phát thanh, truyền hình trên tuyến biên giới, biển, đảo. Theo đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với bộ, ngành lắp đặt 13 cụm thông tin đối ngoại tại 13 cửa khẩu quốc tế; lắp đặt hệ thống thông tin báo bão cho 100% đồn, trạm biên phòng tuyến biển; mỗi tỉnh, thành phố biên giới có từ 3 cụm đến 5 cụm loa truyền thanh tại khu vực biên giới, phát sóng vào các ngày cuối tuần bằng tiếng Việt và tiếng một số dân tộc thiểu số để thông tin thời sự trong nước, quốc tế, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, trật tự, thời tiết, nông vụ trên địa bàn, chương trình văn hóa, nghệ thuật quần chúng do nhân dân địa phương sáng tác, biểu diễn... Xây dựng và phát huy hiệu quả các “Điểm sáng văn hóa” vùng biên giới (đồn biên phòng, nhà văn hóa xã, trường học...); xây dựng, củng cố hệ thống thư viện, phòng đọc, phòng Hồ Chí Minh phục vụ cán bộ, chiến sĩ và đồng bào khu vực biên giới; chủ động liên kết với thư viện tỉnh, thành phố tổ chức túi sách lưu động, tủ sách pháp luật, luân chuyển hàng trăm đầu sách pháp luật, sách, báo khác giữa đồn biên phòng với xã, bản phục vụ nhu cầu đọc sách và tìm hiểu pháp luật của bộ đội và nhân dân.
Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền các địa phương khu vực biên giới ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, kế hoạch xây dựng mô hình, sản phẩm du lịch, qua đó đẩy mạnh việc khai thác hiệu quả giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, tạo thành sản phẩm du lịch địa phương. Một số địa phương đã và đang triển khai xây dựng thôn, bản trở thành “bảo tàng sống” nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch. Nhiều mô hình, sản phẩm du lịch được xây dựng từ nền tảng văn hóa của các dân tộc thiểu số khu vực biên giới, như làng nghề truyền thống, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá thiên nhiên, tạo nên sức hút mới cho khách du lịch trong và ngoài nước, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số về trách nhiệm gìn giữ, truyền dạy cho con cháu về văn hóa truyền thống, từ trang phục, ẩm thực, tín ngưỡng, diễn xướng, đến hệ thống tri thức dân gian và tri thức hiện đại trong xây dựng nông thôn mới. Hoạt động giao lưu văn hóa với các nước láng giềng có chung đường biên giới luôn được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng quan tâm, lãnh đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch cộng đồng nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa tiêu biểu và hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, bảo vệ, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã cụ thể hóa nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển, đảo... với hàng trăm mô hình, chương trình an sinh xã hội hiệu quả, có tính lan tỏa cao, từng bước thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao dân trí, bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo ở khu vực biên giới gắn với xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh; chủ động, tích cực tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu nạn... Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố đã đăng ký nhận hỗ trợ một số tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới cho trên 600 xã, phường, thị trấn biên giới với lộ trình và biện pháp triển khai cụ thể; đồng thời, chủ động, tích cực phối hợp với ban, bộ, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức nhiều chương trình có ý nghĩa nhân văn, sức lan tỏa cao hướng về biên giới, biển, đảo, như Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Biên cương - Đêm hội trăng rằm”... góp phần xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện, tạo lập cơ sở vật chất vững chắc cho công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
3- Các dân tộc thiểu số trên địa bàn biên giới nước ta có văn hóa đa dạng, đặc sắc. Đây không chỉ là điểm tựa tinh thần vững chắc cho quân và dân khu vực biên giới, mà còn là nguồn lực quý giá cần được tiếp tục khơi dậy, lan tỏa và phát huy trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Trong bối cảnh mới, khoa học, công nghệ và các phương tiện truyền thông mới (nhất là mạng xã hội) phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng, tác động nhiều đến các giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, đất nước ta đang có bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội, cùng những chiến lược mang tính “đột phá của đột phá” trong cải cách, hoàn thiện thể chế, xây dựng bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp. Thực tiễn trên đã và đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao cho công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia nói chung và nhiệm vụ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số khu vực biên giới nói riêng. Khi ranh giới hành chính được sắp xếp lại, sự tiếp biến, giao thoa về văn hóa giữa các dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới cũng có nhiều thay đổi, nguồn lực đầu tư bảo tồn và phát triển văn hóa sẽ có bước phát triển mới. Để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa được hun đúc qua nhiều thế hệ đồng bào các dân tộc thiểu số, với tinh thần “mỗi người lính biên phòng là một cán bộ văn hóa trên biên giới”, thời gian tới lực lượng Biên phòng Việt Nam tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng các cấp triển khai hiệu quả nội dung xây dựng và phát triển văn hóa theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng. Huy động các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể tăng cường phối hợp, nâng cao số lượng, chất lượng hoạt động văn hóa đến vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển, đảo; góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch về hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần, đời sống vật chất giữa khu vực biên giới và vùng, miền khác trên cả nước. Nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị biên phòng trong việc đưa thông tin văn hóa về cơ sở; đẩy mạnh hoạt động đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; giám sát, phòng, chống hiệu quả sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập qua biên giới.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tích cực tham gia hoạt động văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa mới. Đầu tư, xây dựng và phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức hoạt động bảo tồn văn hóa phù hợp với từng địa bàn, từng dân tộc. Chủ động, tích cực cùng cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng, đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa; trong đó chú trọng phát huy mạnh mẽ vai trò của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ biên phòng người dân tộc thiểu số, am hiểu về văn hóa dân tộc thiểu số.
Thứ ba, phát huy hơn nữa vai trò của tổ, đội tuyên truyền văn hóa của Bộ đội Biên phòng trong công tác sưu tầm, khai thác, biểu diễn và truyền dạy nghệ thuật dân gian cùng phong tục, lễ hội độc đáo, đậm đà bản sắc của các dân tộc thiểu số trên địa bàn biên giới. Thường xuyên tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa, hội thi, hội diễn văn hóa dân gian nhằm tăng cường tình đoàn kết quân dân, nâng cao ý thức giữ gìn và tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số; qua đó góp phần vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng “thế trận biên phòng toàn dân”, bảo vệ vững chắc an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới trong tình hình mới./.
---------------
(1) Một loại nhà truyền thống của người Cơ-tu
Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/quoc-phong-an-ninh-oi-ngoai1/-/2018/1107502/bo-doi-bien-phong-chung-suc-bao-ton-va-phat-huy-ban-sac-van-hoa-cac-dan-toc-thieu-so-khu-vuc-bien-gioi.aspx
Bình luận (0)