Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế: Kinh nghiệm quốc tế và một số vấn đề đặt ra từ phương diện chính sách

TCCS - Nghiên cứu những trung tâm tài chính hàng đầu trên thế giới nhằm hoàn thiện khung pháp lý, gia tăng niềm tin của thị trường, thu hút tổ chức tài chính, nhà đầu tư và dòng vốn chất lượng. Qua đó, để hình thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, giúp thị trường tài chính trong nước lành mạnh và hiệu quả, bắt kịp với chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy kinh tế quốc gia phát triển bền vững.

Tạp chí Cộng SảnTạp chí Cộng Sản10/07/2025

thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-go-bua-ket-thuc-phien-giao-dich-tai-san-giao-dich-chung-khoan-new-york.jpg

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gõ búa kết thúc phiên giao dịch tại Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) ngày 16-5-2022_Ảnh: TTXVN

Tổng quan về trung tâm tài chính

Theo Invesstopedia, Trung tâm tài chính (Financial Hub) là một thành phố hay khu vực nơi nhiều định chế dịch vụ tài chính đặt trụ sở(1). Trung tâm tài chính là thị trường giao dịch chứng khoán và công ty dịch vụ tài chính khác. Trung tâm tài chính phát triển tại khu vực được hỗ trợ bởi quy định chính sách của chính phủ. Theo Businessdictionary (Từ điển kinh doanh), trung tâm tài chính là một thành phố hay một khu vực có đặc điểm sau: 1- Tập trung nhiều tổ chức tài chính; 2- Cung cấp kết cấu hạ tầng về thương mại và truyền thông cao cấp; 3- Có một lượng lớn giao dịch thương mại trong nước và quốc tế được tiến hành. Như vậy, nhìn chung các cách tiếp cận đều thống nhất ở việc mô tả trung tâm tài chính như một khu vực địa lý (ở mức độ thành phố hoặc tương đương), trong đó lĩnh vực tài chính phát triển ở mức độ cao, thể hiện ở việc tập trung nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính lớn mạnh, kết cấu hạ tầng phát triển và yếu tố khác phục vụ cho giao dịch tài chính diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.

Trung tâm tài chính giúp gia tăng hiệu quả, phân bổ nguồn lực tài chính. Hiện tại, hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, nếu tập trung nhiệm vụ tài chính vào một trung tâm quy mô sẽ tạo ra sự kết nối tốt hơn giữa nguồn vốn trong nước và quốc tế, nâng cao khả năng huy động vốn cho dự án quan trọng, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, trung tâm tài chính thu hút các định chế tài chính quốc tế và dòng vốn có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao. Một môi trường đầu tư minh bạch, pháp lý rõ ràng và kết cấu hạ tầng hiện đại hoàn toàn có thể trở thành điểm đến lý tưởng cho tập đoàn tài chính và nhà đầu tư quốc tế. Qua đó, mang lại nguồn vốn dồi dào và thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, trí thức tài chính tiên tiến cho nền kinh tế.

Trong bối cảnh cạnh tranh khu vực ngày càng gay gắt, việc có một trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế giúp khẳng định vai trò và vị trí của quốc gia trong mạng lưới kinh tế toàn cầu, qua đó mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế và tham gia sâu hơn vào các tổ chức tài chính quốc tế.

Trung tâm tài chính còn là nơi kết nối tài chính trong khu vực và quốc tế. Trung tâm tài chính sẽ liên kết với các trung tâm tài chính quốc tế lớn trong khu vực để tận dụng quản lý vốn và dòng chảy tài chính quốc tế. Đồng thời, thúc đẩy cơ chế hợp tác tài chính và thương mại với các quốc gia khác, tạo điều kiện cho dòng vốn siêu biên giới đổ về trong nước.

Xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế sẽ giúp tận dụng đa dạng dòng vốn, mở ra cơ hội trở thành quốc gia có thu nhập cao, thúc đẩy sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó khăn, phức tạp và mới mẻ.

Kinh nghiệm quốc tế về việc xây dựng và phát triển trung tâm tài chính

Trung tâm Tài chính Niu Oóc (Mỹ)

Niu Oóc bắt đầu như một trạm thương mại của thực dân Hà Lan năm 1624. Vị trí cảng tự nhiên thuận lợi tạo điều kiện cho thương mại phát triển. Năm 1792, 24 thương nhân đã ký kết Thỏa thuận Buttonwood (Buttonwood Agreement) trên phố Uôn, cam kết về mức phí hoa hồng cố định khi giao dịch, đặt nền móng cho NYSE - sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới. Từ đó đến nay, Niu Oóc luôn là một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới, có ảnh hưởng đến nền tài chính toàn cầu.

Hệ thống quy định của thành phố này đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì vị thế dẫn đầu trong nhiều thế kỷ. Với lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm, hệ thống quy định của Niu Oóc được phát triển từ rất sớm. Điều này tạo ra một nền tảng vững chắc và sâu rộng đối với nhà quản lý khi đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu. Khung quy định của Trung tâm Tài chính Niu Oóc nổi bật bởi tính phức tạp, toàn diện và linh hoạt. Hệ thống quy định điều chỉnh hoạt động của Trung tâm Tài chính Niu Oóc bao gồm nhiều đạo luật và quy định chi tiết khác nhau về các lĩnh vực cụ thể, như chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm đến các lĩnh vực tài chính chuyên biệt khác. Các đạo luật và quy định luôn được cập nhật phù hợp với từng thời kỳ cụ thể. Ngoài ra, việc bảo vệ nhà đầu tư và tính minh bạch của thị trường được đặt lên hàng đầu khi công ty niêm yết tại Niu Oóc phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt về công bố thông tin tài chính, bảo đảm tính minh bạch và giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định chính xác.

Một số đạo luật và quy định điển hình gắn với hoạt động tại Trung tâm Tài chính Niu Oóc, như Đạo luật Chứng khoán năm 1933 và năm 1934, Đạo luật Dodd-Frank, Luật Công ty mẫu (Model Business Corporation Act), Quy định về mua lại và sáp nhập,... Trong đó, Đạo luật Chứng khoán năm 1933 và năm 1934 yêu cầu công ty tuân thủ quy định nghiêm ngặt về việc công bố thông tin tài chính định kỳ và thông tin quan trọng, cấm hành vi giao dịch nội gián, tức là sử dụng thông tin chưa được công bố để mua bán chứng khoán nhằm thu lợi cá nhân. Điều này giúp bảo đảm tính minh bạch của thị trường và bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ khỏi nguy cơ bị lợi dụng thông tin. Đạo luật Dodd-Frank được ban hành sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, yêu cầu tổ chức tài chính lớn thực hiện các bài kiểm tra chịu đựng áp lực (stress tests) thường xuyên để đánh giá khả năng chống chịu của tổ chức đó trước cú sốc trên thị trường. Điều này giúp ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng tài chính tương tự như năm 2008. Đạo luật này quy định biện pháp bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính, chẳng hạn như, quy định rõ ràng về sản phẩm tài chính phức tạp và tăng cường quyền lợi của người tiêu dùng khi khiếu nại. Luật Công ty mẫu cung cấp một khuôn khổ linh hoạt cho công ty, cho phép công ty tự thiết kế cấu trúc quản trị và hoạt động kinh doanh của mình, tuy nhiên vẫn nằm trong một số quy định nhất định. Niu Oóc có một quy trình rõ ràng và minh bạch cho giao dịch mua lại và sáp nhập (M&A), bảo vệ quyền lợi của cổ đông của công ty tham gia giao dịch, quy định về chống độc quyền bảo đảm giao dịch mua lại và sáp nhập không làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường.

Trung tâm Tài chính Luân Đôn (Anh)

Luân Đôn là một trong những trung tâm tài chính đầu tiên trên thế giới và từng tạo nên trục tài chính Luân Đôn – Niu Oóc với khả năng kiểm soát toàn bộ nền tài chính thế giới. Cuộc Cách mạng công nghiệp ở Anh đánh dấu sự hình thành của Trung tâm Tài chính Luân Đôn khi các ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhu cầu về vốn và tài chính lớn. Luân Đôn nhanh chóng trở thành trung tâm tài chính phục vụ cho nhu cầu này. Đến cuối thế kỷ XIX, nhóm tài chính tại thành phố Luân Đôn ngày càng mở rộng cung cấp dịch vụ tài chính cho nền kinh tế toàn cầu. Thương mại quốc tế phát triển nhanh chóng trong khi hệ thống ngân hàng phát triển trên toàn thế giới. Thị trường tiền tệ Luân Đôn hưởng lợi bằng cách rút tiền từ khắp nơi trên thế giới để tài trợ cho thương mại quốc tế, với Dự luật về Luân Đôn trở thành công cụ phổ biến của thương mại toàn cầu.

Khung quy định của Trung tâm Tài chính Luân Đôn mang một số đặc điểm nổi bật, như tính ổn định, tính linh hoạt, khả năng bảo vệ nhà đầu tư, tính quốc tế cao. Hệ thống luật chung (Common Law) là nền tảng của hệ thống pháp luật Anh. Hệ thống này được hình thành từ phán quyết của tòa án qua nhiều thế kỷ, tạo ra sự linh hoạt và khả năng thích ứng cao cho hoạt động kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính. Đạo luật Công ty (Companies Act) quy định về việc thành lập, quản lý và giải thể công ty tại Anh, bảo đảm sự minh bạch trong hoạt động của công ty và bảo vệ quyền lợi của cổ đông. Ngoài ra, đạo luật này được sửa đổi, cập nhật thường xuyên để phù hợp với sự phát triển của thị trường và công nghệ. Việc bảo vệ nhà đầu tư được đặt lên hàng đầu tại Luân Đôn với một số đạo luật và quy định điển hình như Luật Thị trường và dịch vụ tài chính (Financial Services and Market Act) nhằm bảo đảm sự ổn định, công bằng của thị trường tài chính Anh, ngăn chặn hành vi gian lận và quy định về bảo hiểm tại Anh nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bảo đảm công ty bảo hiểm hoạt động công bằng, minh bạch.

Trung tâm Tài chính Xin-ga-po

Khác với 2 trung tâm tài chính lâu đời tại Niu Oóc và Luân Đôn, Xin-ga-po thực sự bắt đầu quá trình trở thành một trung tâm tài chính tại châu Á sau khi giành độc lập vào năm 1965. Năm 1968, Xin-ga-po thành lập Thị trường đô la châu Á, cho phép ngân hàng nước ngoài hoạt động tại đây. Quyết định này đặt nền móng cho sự phát triển của Xin-ga-po như một trung tâm tài chính khu vực. Xin-ga-po không ngừng phát triển sản phẩm và dịch vụ tài chính mới, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều công ty đa quốc gia chọn Xin-ga-po làm trụ sở khu vực hoặc trung tâm tài chính nhờ sự ổn định chính trị và xã hội, kết cấu hạ tầng hiện đại, lực lượng lao động có trình độ, góp phần tăng cường vị thế của Xin-ga-po trên bản đồ tài chính thế giới. Đầu thế kỷ XXI, Xin-ga-po ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng trong ngành dịch vụ tài chính. Theo Cơ quan Tiền tệ Xin-ga-po (2002), tài sản được quản lý đã tăng 11% trong giai đoạn 2001 - 2002. Xin-ga-po thúc đẩy phần lớn hoạt động sáp nhập và mua lại trong khu vực. Theo Global Financial Index (2023), Trung tâm Tài chính Xin-ga-po đứng thứ 4 toàn cầu, chỉ sau Niu Oóc, Luân Đôn và vùng lãnh thổ Hồng Kông (Trung Quốc).

Khung quy định của Trung tâm Tài chính Xin-ga-po có sự tương tự đối với khung quy định của Trung tâm Tài chính Luân Đôn với việc Xin-ga-po áp dụng luật chung (Common Law). Đặc điểm chung của khung quy định của Trung tâm Tài chính Xin-ga-po là tính minh bạch, ổn định, nhất quán, cập nhật liên tục và bảo vệ nhà đầu tư với các đạo luật điển hình, như Luật Công ty, quy định về thủ tục thành lập, đăng ký và giải thể công ty, đưa ra nguyên tắc quản trị công ty, yêu cầu công bố, báo cáo tài chính định kỳ theo chuẩn kế toán quốc tế (IFRS); Luật Dịch vụ tài chính và Thị trường (FSMA) đặt ra khung pháp lý chung để giám sát và điều chỉnh hoạt động trên thị trường tài chính, bao gồm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và sản phẩm tài chính phái sinh, quy định về việc cấp phép cho tổ chức tài chính, yêu cầu về vốn, tiêu chuẩn hoạt động, đưa ra quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, tăng cường tính minh bạch và công bằng trên thị trường, quy định về hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính, bao gồm gian lận, thao túng thị trường và rửa tiền; Luật Chứng khoán quy định về việc niêm yết chứng khoán, giao dịch chứng khoán, phát hành trái phiếu và sản phẩm tài chính phái sinh, quy định về hoạt động của công ty chứng khoán, nhà môi giới và tổ chức trung gian khác trên thị trường chứng khoán, yêu cầu công ty niêm yết phải công bố thông tin một cách đầy đủ và kịp thời.

Sàn giao dịch chứng khoán ở Singapore_Nguồn: Bloomberg

Hướng tới trung tâm tài chính khu vực và quốc tế  - Một số vấn đề đặt ra từ phương diện chính sách

Để hướng tới xây dựng một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, việc thiết lập một khung pháp lý vững chắc, minh bạch, hiện đại là điều kiện tiên quyết. Một trung tâm tài chính hiệu quả không chỉ đòi hỏi sự hoàn thiện về hệ thống luật pháp, mà còn cần môi trường kinh doanh thuận lợi, cơ chế bảo vệ nhà đầu tư và hợp tác công - tư mạnh mẽ. Dưới đây là một số vấn đề rút ra có thể được tham khảo từ kinh nghiệm phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất để phát triển một trung tâm tài chính là xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp phù hợp với thực tiễn và tiêu chuẩn quốc tế. Điều này đặt ra yêu cầu nhanh chóng tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, chứng khoán, ngân hàng, và bảo hiểm. Việc này không chỉ nhằm nâng cao tính tương thích với các chuẩn mực toàn cầu, mà còn bảo đảm khả năng ứng phó nhanh chóng với sự biến đổi của thị trường tài chính. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật, như các Luật về doanh nghiệp, chứng khoán, tổ chức tín dụng, bảo hiểm... cần được xem xét và điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu thực tế và tiến bộ công nghệ. Ngoài ra, việc ban hành quy định mới để điều chỉnh các lĩnh vực mới nổi, như công nghệ tài chính (fintech), quản lý rủi ro hệ thống và bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng là điều vô cùng cấp thiết. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và xu hướng số hóa, việc thiếu quy định rõ ràng có thể dẫn đến rủi ro lớn về mặt pháp lý cũng như tài chính. Đặc biệt, tính nhất quán giữa văn bản quy phạm pháp luật là yếu tố quan trọng để tạo ra một môi trường pháp lý ổn định, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ hai, tạo môi trường thuận lợi và minh bạch.

Một yếu tố khác không kém phần quan trọng là việc cải thiện môi trường kinh doanh thông qua rút gọn thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp. Sự phức tạp và chi phí cao trong quá trình thực thi pháp luật thường gây ra khó khăn cho nhà đầu tư, làm giảm sự hấp dẫn của thị trường tài chính trong nước. Việc đơn giản hóa thủ tục có thể tạo ra một môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh của mình trên thị trường quốc tế. Hơn nữa, việc yêu cầu tổ chức tài chính công bố thông tin đầy đủ và kịp thời là yếu tố cần thiết để bảo đảm tính minh bạch trên thị trường. Sự rõ ràng trong thông tin giúp xây dựng lòng tin từ nhà đầu tư, góp phần tăng cường tính ổn định của thị trường và thu hút thêm nhiều nguồn vốn từ quỹ đầu tư quốc tế.

Thứ ba, bảo vệ nhà đầu tư.

Để bảo đảm sự phát triển bền vững của thị trường tài chính, việc bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư là vô cùng quan trọng, Nhà nước cần thiết lập cơ chế pháp lý đủ mạnh nhằm ngăn chặn hành vi gian lận, lạm dụng quyền lực hoặc trục lợi cá nhân trong quá trình hoạt động tài chính. Việc này bao gồm cả xử lý nghiêm vi phạm pháp luật của cá nhân và tổ chức tài chính. Ngoài ra, việc thành lập Quỹ Bảo vệ nhà đầu tư có thể đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư khi xảy ra tranh chấp hoặc khi một tổ chức tài chính mất khả năng thanh toán. Các công cụ bảo hiểm phù hợp cũng cần được triển khai để bảo đảm cho nhà đầu tư được bảo vệ trước rủi ro tài chính không mong muốn.

Thứ tư, đẩy mạnh giáo dục tài chính và nâng cao nhận thức.

Giáo dục tài chính đóng vai trò không thể thiếu trong việc giúp nhà đầu tư, đặc biệt là những người mới tham gia thị trường, có khả năng ra quyết định một cách sáng suốt. Nhà nước và tổ chức tài chính nên phối hợp để tổ chức chương trình đào tạo, hội thảo nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng tài chính cho nhà đầu tư. Khi nhà đầu tư hiểu biết sâu hơn về sản phẩm tài chính, sẽ dễ dàng nhận diện được rủi ro cũng như cơ hội đầu tư, từ đó tự bảo vệ mình tốt hơn trong bối cảnh thị trường biến động. Việc nâng cao nhận thức không chỉ giúp bảo vệ nhà đầu tư, mà còn tạo ra một cộng đồng đầu tư có kiến thức, góp phần vào sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường tài chính. Nhà đầu tư có kiến thức sẽ giảm thiểu quyết định đầu tư rủi ro, từ đó giảm thiểu khả năng gây ra vấn đề về thanh khoản hoặc rủi ro hệ thống.

Thứ năm, khuyến khích hợp tác công - tư (PPP).

Hợp tác công - tư  có thể mang lại nhiều lợi ích cho việc phát triển kết cấu hạ tầng tài chính và hỗ trợ các dịch vụ liên quan đến trung tâm tài chính. Việc tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia vào việc xây dựng công trình kết cấu hạ tầng quan trọng thông qua hình thức hợp tác phù hợp là rất cần thiết. Điều này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho ngân sách nhà nước, mà còn mở ra cơ hội phát triển cho doanh nghiệp khu vực tư nhân, đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ngành tài chính. Ngoài ra, việc kết hợp nguồn lực từ cả khu vực công và tư nhân sẽ tạo ra một hệ sinh thái tài chính toàn diện và bền vững hơn, đáp ứng được nhu cầu phát triển ngày càng tăng của thị trường tài chính  trong nước.

Việc xây dựng trung tâm tài chính là minh chứng cho uy tín và phát triển của một nền kinh tế. Thực tiễn hoạt động các trung tâm tài chính Luân Đôn, Niu Oóc, Xin-ga-po, vùng lãnh thổ Hồng Kông (Trung Quốc) đã khẳng định rõ điều đó. Việc nghiên cứu xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế.

--------------------

(1) Will Kenton: “Financial Hub: What it Means, How it Works” (tạm dịch: Trung tâm tài chính: Ý nghĩa và cách thức hoạt động), https://www.investopedia.com/terms/f/financial-hub.asp

Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/1103002/xay-dung-trung-tam-tai-chinh-khu-vuc-va-quoc-te--kinh-nghiem-quoc-te-va-mot-so-van-de-dat-ra-tu-phuong-dien-chinh-sach.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm