Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bộ GD&ĐT công bố khung quy đổi giữa các phương thức xét tuyển đại học

TPO - Khung quy đổi đưa ra các khoảng điểm của các bài thi riêng như thi đánh giá năng lực, thi đánh giá tư duy và khoảng điểm các tổ hợp môn thi tốt nghiệp THPT...

Báo Tiền PhongBáo Tiền Phong19/05/2025

Bộ GD&ĐT vừa ban hành hướng dẫn tuyển sinh đại học năm 2025, hướng dẫn cụ thể khung quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức xét tuyển.

Các cơ sở đào tạo khi xây dựng quy tắc quy đổi tương đương cần tuân thủ các nguyên tắc sau: bảo đảm tính tương đương; dựa trên yêu cầu đầu vào thực chất, quy tắc quy đổi tương đương phải gắn với yêu cầu cụ thể của ngành/chương trình đào tạo.

Các tiêu chí chính dùng để xét tuyển trong mỗi phương thức xét tuyển phải tập trung đánh giá kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà ngành học yêu cầu; công bằng, minh bạch, công khai, và thống nhất; bảo đảm tính khoa học và thực tiễn; đơn giản, dễ hiểu.

Bộ GD&ĐT công bố khung quy đổi giữa các phương thức xét tuyển đại học ảnh 1

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh hồi tháng 3. Ảnh: Nam Trần

Khung quy đổi đưa ra các khoảng điểm của các bài thi riêng như thi đánh giá năng lực, thi đánh giá tư duy (APT, HSA, TSA...) và khoảng điểm các tổ hợp môn thi tốt nghiệp THPT phù hợp theo phương pháp bách phân vị (là đại lượng dùng để ước tính tỉ lệ dữ liệu trong một tập số liệu rơi vào vùng cao hơn hoặc thấp hơn so với một giá trị cho trước) trên cơ sở phân tích kết quả thi của những thí sinh có cả điểm bài thi riêng và điểm tổ hợp môn thi tốt nghiệp tương ứng của năm 2025.

Các khoảng điểm được xếp tương ứng với tốp 0,5%, 1%, 3%, 5%, 10%,... như sau:

Bộ GD&ĐT công bố khung quy đổi giữa các phương thức xét tuyển đại học ảnh 2

Nguồn: Bộ GD&ĐT

Trách nhiệm của các cơ sở đào tạo là xác định những tổ hợp môn thi tốt nghiệp phù hợp với đặc điểm của bài thi riêng do đơn vị tổ chức và khuyến cáo các cơ sở khác có thể sử dụng, trong đó làm rõ tổ hợp nào phù hợp nhất. Công bố bách phân vị của kết quả bài thi riêng năm 2025 trước ngày 31/5; chậm nhất 30/6 với các bài thi có kết quả công bố sau 31/5.

Phối hợp với Bộ GD&ĐT để phân tích kết quả thi tốt nghiệp THPT của các thí sinh đã có kết quả bài thi riêng, trên cơ sở đó công bố các khoảng điểm của các tổ hợp môn thi phù hợp, chậm nhất 3 ngày sau khi công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Trên cơ sở các số liệu này, điểm trúng tuyển và ngưỡng đầu vào của từng ngành, nhóm ngành cụ thể sẽ được quy đổi tuyến tính trong từng khoảng điểm. Ví dụ, điểm trúng tuyển theo tổ hợp A00 (T_A00) nằm trong khoảng A2 - A3 sẽ được quy đổi tương đương sang điểm trúng tuyển theo điểm thi HSA (T_HSA) theo công thức:

T_HSA = HSA3 + (T_A00 – A3) × (HSA2 – HSA3) / (A2 – A3)

Việc xác định mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp thông dụng sẽ dựa trên đối sánh phổ điểm do Bộ GD&ĐT công bố sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo từng khoảng điểm trúng tuyển.

Đối với khung quy đổi điểm trúng tuyển từ kết quả học tập THPT (điểm học bạ), Bộ GD&ĐT khẳng định không phản ánh kết quả đánh giá trên một thang đánh giá thống nhất toàn quốc, vì vậy việc xây dựng một khung quy đổi chung không có ý nghĩa.

Tuy nhiên, Bộ sẽ công bố các số liệu thống kê về tương quan giữa điểm các môn thi tốt nghiệp THPT với điểm trung bình các môn học ở THPT, trên cơ sở đó các cơ sở đào tạo xác định quy tắc quy đổi tương đương điểm trúng tuyển, ngưỡng đầu vào.

Căn cứ các nguyên tắc và khung quy đổi hướng dẫn trên đây, các cơ sở đào tạo xây dựng các bảng quy đổi và công thức quy đổi cho từng chương trình, ngành, nhóm ngành hoặc lĩnh vực đào tạo, cụ thể như sau: lựa chọn các bài thi, tổ hợp môn thi phù hợp với các phương thức xét tuyển của chương trình, ngành, nhóm ngành, lĩnh vực đào tạo.

Đối với mỗi bài thi riêng được sử dụng, cần lập một bảng riêng. Mỗi bảng quy đổi chỉ nên dùng 1 tổ hợp môn phù hợp nhất (quy đổi các tổ hợp khác dựa trên chênh lệch điểm).

Có thể chia các khoảng điểm chi tiết hơn, hoặc điều chỉnh các khoảng điểm trong khung quy đổi ở Bảng 1 cho phù hợp với yêu cầu của từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.

Xây dựng các bảng quy đổi và công thức cho điểm trúng tuyển theo các bài thi không do các cơ sở đào tạo trong nước tổ chức (ví dụ SAT, ACT..) theo phương pháp phù hợp, khuyến cáo sử dụng phương pháp bách phân vị.

Các căn cứ cụ thể để các cơ sở đào tạo thực hiện phân tích các dữ liệu thống kê (dữ liệu tuyển sinh các năm trước, kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển từ các phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển khác nhau, phổ điểm các kì thi...); xem xét bản chất, độ khó, thang điểm, phổ điểm và đặc điểm nhóm thí sinh của từng phương thức xét tuyển, kết quả điểm kì thi, tổ hợp xét tuyển khi xây dựng bảng quy đổi, công thức quy đổi.

Nguồn: https://tienphong.vn/bo-gddt-cong-bo-khung-quy-doi-giua-cac-phuong-thuc-xet-tuyen-dai-hoc-post1743691.tpo


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn
10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm