Theo ông Phạm Mạnh Hà, những học sinh "không biết nên chọn nghề gì", cũng không biết mình hợp với ngành nghề nào trong tương lai hiện khá phổ biến. Nhưng thay vì chọn một hướng đi phù hợp với tố chất, sự yêu thích, nhiều học sinh cuối cấp THPT lại chỉ đặt ra mục tiêu "thi đỗ", ít nhất là đỗ vào một trường kể cả ngành học không phù hợp với bản thân.
Thất bại trong hành trình học đại học
Trong các buổi tư vấn tuyển sinh dành cho phụ huynh và học sinh lớp 11, 12, câu hỏi các chuyên gia nhận được nhiều nhất thường là "trường nào dễ đậu", "lựa chọn phương thức nào dễ đậu" và "ngành nào có cơ hội việc làm cao". Nhưng lại rất ít câu hỏi "Học ngành này, trường này cần chuẩn bị tài chính thế nào?", "Làm cách nào để nhận biết những ngành nghề phù hợp với tố chất?".
Điều mà nhiều phụ huynh, học sinh không nhận thấy là "cơ hội việc làm cao" chia đều cho mọi ngành nghề với điều kiện là phải phù hợp. Khi có sự yêu thích, sinh viên mới học tốt và khả năng nắm bắt cơ hội việc làm mới cao.
Thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Nhưng hành trình để hiểu điều đó nhiều khi rất dài, rất xa. Có một bộ phận lớn học sinh phổ thông lựa chọn hướng đi theo đám đông, theo ý muốn của cha mẹ. Nhiều khi kỳ vọng của cha mẹ "lệch pha" với mong muốn hay với sở trường, năng lực của con cái.
Phạm Minh Thành (Thái Bình), một bạn trẻ từng đăng ký học một trường của Bộ Công an theo định hướng của gia đình. Nhưng càng ngày Thành càng thấy đó không phải hướng đi mình mong muốn.
Trong quá trình học tập ở trường công an, Thành đi làm gia sư, chia sẻ kinh nghiệm học tập, ôn tập trên trang cá nhân và bất ngờ thu hút sự quan tâm của nhiều học sinh. Thành thấy việc làm của mình có ý nghĩa và nhận ra mình có một ước mơ khác là trở thành thầy giáo. Thành bỏ học trường công an, thi lại để học sư phạm và lựa chọn của Thành vấp phải phản ứng dữ dội của gia đình.
Câu chuyện của Thành không phải hy hữu và có khá nhiều bạn trẻ không đủ dũng cảm lựa chọn lại như Thành mà chấp nhận học theo định hướng của cha mẹ để rồi gặp thất bại trong hành trình học tập ở trường đại học.
Bỏ ngang vì nhận ra "sai đường"
GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ từng có những sinh viên đỗ vào trường Y với số điểm cao nhưng đã không thể theo học được đến cùng. Ngành Y là một trong những ngành đòi hỏi người học phải có nhiều nỗ lực, kiên trì. Nếu không phải là mơ ước và không có những tố chất để gắn bó lâu dài thì sẽ rất dễ bỏ cuộc chỉ sau một năm.
Trường ĐH Y Hà Nội thường có mức điểm xét tuyển rất cao. Để đỗ vào trường, nhiều học sinh phải có lực học giỏi ở phổ thông và chăm chỉ "cày" ôn thi. Vì "khó" nên ngôi trường này cũng trở thành mơ ước của nhiều học sinh. Nhưng những trường hợp "bỏ ngang" như GS.TS Nguyễn Hữu Tú chia sẻ thường là những sinh viên vào trường mới biết mình không thích nghề y. Vì không thích nên áp lực học tập càng trở nên nặng nề.
Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, có những thời điểm có hàng trăm sinh viên bị cảnh báo học vụ do không đạt yêu cầu học tập. Nhiều sinh viên phải từ bỏ việc học tiếp do yêu cầu học tập rất cao, bản thân họ nhận ra không phù hợp.
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, chủ tịch hội đồng trường ĐH Giao thông vận tải cũng kể lại có nhiều sinh viên vào trường đã rơi vào tình trạng bị tâm lý bất ổn do chọn sai ngành và thiếu các kỹ năng để thay đổi, thích nghi với môi trường học tập mới.
Sự "lạc lối" không chỉ rơi vào những trường danh tiếng mà ở nhiều trường tốp dưới, tình trạng này còn phổ biến hơn. Có nhiều sinh viên chấp nhận học những trường mình không thực sự mong muốn chỉ vì tâm lý "sợ trượt đại học" để rồi khi vào trường mang tâm lý chán nản, bê trễ học tập.
Một giảng viên ngành kinh tế của một trường ĐH tại Hà Nội chia sẻ "Từng có lớp do ông chủ nhiệm có gần 30% số sinh viên bỏ học sau năm thứ nhất". Trường tuyển sinh với phương thức xét học bạ THPT với mức điểm không cao. "Dễ vào thì dễ bỏ"- vị giảng viên này nhận xét.
Đi đường vòng
Trần Văn Tuân (Nam Định), một bạn trẻ đỗ vào ngành Kinh tế một trường đại học với mức điểm 18,5 chia sẻ đó là trường cậu từng đăng ký để "chống trượt". Sau khi đã trượt các nguyện vọng khác thì đó là nơi duy nhất cậu trúng tuyển.
"Càng học tôi càng thấy không hợp với kinh tế và không có động lực. Ban đầu tôi nghĩ có thể trường đó không danh tiếng nên chất lượng không tốt, không mang lại cho tôi động lực, sự hứng khởi. Nhưng dần dần tôi cảm thấy thực sự mình không hợp", Tuân nói và cho biết định ngừng học để tìm một ngành học khác phù hợp khi chưa quá muộn.
Một trường hợp khác, Đinh Vũ Tuấn (Quảng Bình) dự kỳ tuyển sinh năm 2024 và đủ điều kiện xét tuyển sớm với 5 nguyện vọng vào các ngành, trường khác nhau. Tuấn chính thức đỗ nguyện vọng 1 vào ngành Công nghệ thông tin của một trường danh tiếng. Nhưng sau năm thứ nhất, áp lực với kết quả học tập không tốt khiến Tuấn rơi vào trầm cảm.
Chia sẻ về câu chuyện của con, chị Thanh Kim- mẹ của Tuấn cho biết vì sức khỏe tinh thần của con mà gia đình phải nghĩ đến việc cho con ngừng học. Chị đã tìm hiểu và biết một số trường tư có cơ chế nhận sinh viên chuyển ngành vào các ngành gần nhau nên dự định xin chuyển, chấp nhận để con học lại năm thứ nhất.
"Nhiều khi dễ đậu đại học quá cũng không hay. Con tôi đủ điều kiện đỗ tới 5 trường nhưng cuối cùng bây giờ lại phải xin chuyển vào một trường tư vì đã sai ngay từ đầu", chị Kim chia sẻ.
(Còn nữa)
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/bo-hoc-dai-hoc-giua-chung-vi-lua-chon-lech-pha-20250403170739667.htm
Bình luận (0)