Ngày 09/7/2025, tại Phú Thọ, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của các Bộ, ngành, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, các tổ chức tín dụng và các cơ quan liên quan đối với 03 dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Luật số 68/2025/QH15).
Tham dự Hội thảo về phía Bộ Tài chính có Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp Nhà nước Phùng Quốc Chí, đại diện một số đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Tài chính. Cùng dự Hội thảo có gần 150 đại biểu đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, một số Bộ (Tư pháp, Quốc phòng, Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường), Ngân hàng Nhà nước, UBND các tỉnh, TP (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Ninh Bình); 1 số Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có vốn nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, ngày 14/6/2025, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV đã thông qua Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Luật số 68/2025/QH15), Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2025. Các chính sách của Luật được xây dựng trên tinh thần, cách thức tiếp cận mới, rõ ràng và trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp nhà nước; phân công rõ, phân cấp mạnh trong việc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; tăng tính chủ động trong các quyết định đầu tư của doanh nghiệp; tách bạch, phân định chức năng quản lý nhà nước với chức năng của chủ sở hữu vốn và doanh nghiệp; giảm bớt sự can thiệp trực tiếp của cơ quan đại diện chủ sở hữu; tăng cường phân công, phân cấp gắn với kiểm tra giám sát nhằm nâng cao tính tự chủ tự, tự chịu trách nhiệm;
Đặc biệt, Luật xác định rõ Nhà nước với vai trò là một nhà đầu tư để thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp bình đẳng với các nhà đầu tư khác, việc quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thực hiện thông qua người đại diện chủ sở hữu trực tiếp hoặc người đại diện phần vốn nhà nước.
Theo dự kiến ban đầu, Luật thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026. Tuy nhiên, với tinh thần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông tối đa các nguồn lực hiện có của doanh nghiệp nhà nước phục vụ mục tiêu phát triển 8% trong năm 2025, tạo đà tăng trưởng hai con số trong các năm tiếp theo, tại Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 11/4/2025, Chính phủ đã thống nhất và chỉ đạo Bộ Tài chính trình Quốc hội đẩy sớm hiệu lực thi hành của Luật từ ngày 01/8/2025.
Để triển khai thực hiện Luật số 68/2025/QH15, Bộ Tài chính đã báo cáo Lãnh đạo Chính phủ danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành Luật gồm 05 Nghị định của Chính phủ, trong đó có 03 Nghị định do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo và 02 Nghị định do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo. Để kịp thời ban hành các Nghị định của Chính phủ để có hiệu lực đồng thời cùng với hiệu lực của Luật, Lãnh đạo Chính phủ đã cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong việc xây dựng, ban hành các Nghị định quy định chi tiết Luật.
Thực hiện quy trình soạn thảo theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã chủ trì đối với 03 dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật số 68/2025/QH15, gồm: (i) Dự thảo Nghị định quy định một số nội dung về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; (ii) Dự thảo Nghị định quy định về giám sát, kiểm tra, đánh giá, xếp loại, báo cáo và công khai thông tin trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; (iii) Dự thảo Nghị định về cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Các dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp tại các Nghị định hiện hành, có rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung phù hợp với tinh thần Luật số 68/2025/QH15 và thực tiễn khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian vừa qua.
Về dự thảo Nghị định quy định một số nội dung về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Dự thảo Nghị định đã quy định cụ thể các nội dung: (i) về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, gồm: phạm vi, thẩm quyền đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, trong đó việc sử dụng các nguồn nội tại của doanh nghiệp được phân cấp mạnh cho Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đơn giản hóa thủ tục trong quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư vốn; (ii) về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ, bao gồm các nội dung như: chiến lược phát triển, kế hoạch kinh doanh hằng năm, việc xác định lại vốn điều lệ, huy động vốn, cho vay vốn, đầu tư, bán tài sản cố định của doanh nghiệp, bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp, chuyển nhượng vốn đầu tư của doanh nghiệp, chuyển nhượng dự án đầu tư; phân phối lợi nhuận sau thuế, việc cơ cấu lại vốn của doanh nghiệp.
Về dự thảo Nghị định quy định về giám sát, kiểm tra, đánh giá, xếp loại, báo cáo và công khai thông tin trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Dự thảo Nghị định có nhiều quy định mới, góp phần khắc phục những hạn chế trong công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá xếp loại doanh nghiệp, như:
- Việc giám sát, kiểm tra được thực hiện theo 03 cấp: Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu và giám sát nội bộ của doanh nghiệp; hướng dẫn cụ thể việc tổ chức triển khai, trách nhiệm trong giám sát, kiểm tra đối với từng chủ thể giám sát.
- Việc giao chỉ tiêu, đánh giá, xếp loại đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; đánh giá kết quả hoạt động của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ theo hướng các chỉ tiêu đánh giá có thể định lượng; bảo đảm tính khả thi trong việc giao kế hoạch và đánh giá; nâng cao trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, người đại diện phần vốn nhà nước trong việc bám sát tình hình sản xuất kinh doanh, dự báo xu hướng phát triển và biến động thị trường.
- Việc đánh giá người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, người đại diện phần vốn nhà nước, kiểm soát viên được quy định theo 04 mức: hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành và không hoàn thành.
Về dự thảo Nghị định về cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp: Dự thảo Nghị định thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới, cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước; khắc phục những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn thời gian vừa qua và quy định chi tiết các nội giao Chính phủ tại chương IV Luật số 68/2025/QH15, cụ thể:
- Kế thừa quy định còn phù hợp về cổ phần hóa doanh nghiệp, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung về phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa, việc yêu cầu các doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện đăng ký giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán để phù hợp với quy định về quản lý, sử dụng tài sản công, quy định của Luật chứng khoán…
- Cơ bản kế thừa các quy định hiện hành về chuyển đổi doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty TNHH hai thành viên trở lên, về chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên, về chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, về hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể doanh nghiệp. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể về giải thể giải thể công ty nông, lâm nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều theo các quy định về xử lý tài chính như các doanh nghiệp khác, sau đó mới xác định các khoản kinh phí còn thiếu đề nghị NSNN hỗ trợ; bổ sung quy định xác định giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất thuê hàng năm trong giá khởi điểm…
- Bổ sung quy định về chuyển giao dự án đầu tư, vốn, tài sản giữa các doanh nghiệp; chuyển giao quyền mua cổ phần, quyền ưu tiên mua cổ phần, quyền mua phần vốn góp để làm cơ sở thực hiện.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu vào nội dung dự thảo các Nghị định hướng dẫn Luật số 68/2025/QH15. Các ý kiến đóng góp sẽ được Ban tổ chức ghi nhận, nghiên cứu tiếp thu tối đa để hoàn thiện dự thảo các Nghị định gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ ban hành theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Những nội dung đổi mới của Luật và các Nghị định quy định chi tiết sẽ góp phần khơi thông các nguồn lực hiện có trong doanh nghiệp có vốn nhà nước, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, xứng đáng là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, tiếp tục dẫn dắt và tạo động lực phát triển cho nền kinh tế và các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Nguồn: https://baolamdong.vn/bo-tai-chinh-lay-y-kien-cac-du-thao-nghi-dinh-quy-dinh-chi-tiet-luat-quan-ly-va-dau-tu-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-381700.html
Bình luận (0)