Đoàn viên, thanh niên và các em học sinh tham quan nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn).
Để thực hiện tốt Chỉ thị số 20-CT/TW, Ban Thường vụ Thị ủy Nghi Sơn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đồng thời giao nhiệm vụ cho các đảng bộ, chi bộ trực thuộc và các ban, phòng, ngành sưu tầm, biên soạn các ấn phẩm lịch sử. Ban Tuyên giáo và Dân vận Thị ủy thẩm định, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các đơn vị trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Trong quá trình triển khai, cấp ủy từ thị xã đến cơ sở đã mời các cộng tác viên có chuyên môn thuộc Viện Sử học Việt Nam, Viện Lịch sử Đảng, Khoa sử Trường Đại học Vinh, Hội khoa học lịch sử Thanh Hóa... tham gia biên soạn. Công tác sưu tầm, xác minh tư liệu, viết bản thảo, tổ chức hội thảo được thực hiện đúng quy trình; các bản thảo đều được thẩm định trước khi xuất bản. Nhiều ấn phẩm có giá trị về nội dung và hình thức đã được Huyện ủy Tĩnh Gia (nay là Thị ủy Nghi Sơn) xuất bản như: Đảng bộ huyện Tĩnh Gia 10 năm lãnh đạo thực hiện CNH, HĐH (2001-2010); Địa chí huyện Tĩnh Gia; Đảng bộ huyện Tĩnh Gia qua các nhiệm kỳ đại hội (1948-2015); Lịch sử Đảng bộ huyện Tĩnh Gia (1930–2020). Gần đây nhất, năm 2024 thị xã đã phát hành cuốn “Lịch sử, văn hóa thị xã Nghi Sơn” để lồng ghép vào khung chương trình giáo dục địa phương ở các trường THPT. Năm 2025, xuất bản kỷ yếu điện tử nhân kỷ niệm 65 năm kết nghĩa giữa thị xã Nghi Sơn và huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam).
Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ thị xã Nghi Sơn và đảng bộ cơ sở được thực hiện thường xuyên, với nhiều hình thức đa dạng như sinh hoạt chính trị, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu truyền thống vẻ vang của Đảng, tuyên truyền trên các trang thông tin điện tử. Hằng năm, các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, lớp bồi dưỡng đảng viên mới, các lớp chuyên đề về chủ nghĩa yêu nước, về đạo đức cách mạng... được Trung tâm Chính trị thị xã Nghi Sơn lồng ghép vào các bài giảng; đồng thời tổ chức cho học viên đi tham quan, giáo dục truyền thống tại Khu di tích lịch sử Đảng bộ thị xã (phường Tân Dân), đền thờ Thái sư Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ (phường Nguyên Bình), Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Nghi Sơn và nhiều “địa chỉ đỏ” ở trong, ngoài tỉnh, giúp các học viên hiểu sâu hơn về lịch sử địa phương cũng như lịch sử dân tộc.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, sâu sát của Ban Thường vụ Thị ủy, công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ các địa phương đã mang lại kết quả tích cực. Năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, nhiều xã, phường đã kiện toàn ban chỉ đạo và đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch biên soạn, bổ sung, tái bản, xuất bản lịch sử đảng bộ. Thị ủy Nghi Sơn cũng đã tham gia nghiên cứu, biên tập các bài viết chất lượng phục vụ các kỳ hội thảo khoa học của tỉnh chào mừng kỷ niệm 70 năm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (1954-2024) và chiến thắng phà Ghép (4/4/1965 - 4/4/2024).
Để bồi đắp, nhân lên niềm tự hào trong mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, thị xã Nghi Sơn luôn quan tâm tới việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa cách mạng. Năm 2024, thị xã đã triển khai đầu tư giai đoạn 2 di tích lịch sử quốc gia đền thờ Thái sư Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ, với tổng mức đầu tư 24,8 tỷ đồng; triển khai xây dựng tường rào khuôn viên đền thờ Quận Công Lê Đình Châu; lập dự án tu bổ, tôn tạo đền thờ Quan Sát Hải Đại Vương. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm nghiên cứu lịch sử và bảo tồn di sản văn hóa tỉnh lập hồ sơ đề nghị và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định công nhận lễ hội đền Quang Trung ở Lạch Bạng và Cù Lao Biện (Biện Sơn) là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thị xã Nghi Sơn cũng đã lập tờ trình đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ hội đền thờ Thái sư Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ, lễ hội đền bà Mai Thị Triều (phường Ninh Hải) và trò diễn nấu cơm thi (xã Hải Nhân).
Công tác nghiên cứu, biên soạn, giáo dục lịch sử Đảng được thực hiện nghiêm túc, giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu sâu về những giá trị lịch sử của quê hương, của đất nước để có lòng tin vững chắc vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Những kết quả đạt được trong giáo dục lịch sử thời gian qua đã góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, phản bác các quan điểm sai trái, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn mới.
Bài và ảnh: Tố Phương
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/boi-dap-niem-tu-hao-tu-giao-duc-lich-su-dang-249206.htm
Bình luận (0)