Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bứt phá giảm nghèo bền vững - Bài cuối: Đồng lòng vì cuộc sống ấm no

Kết quả thoát nghèo bền vững ở mỗi địa phương đều trải qua một hành trình về sự đồng lòng từ chính quyền đến người dân với quyết tâm cao nhất là đem lại cuộc sống no ấm, tốt đẹp hơn…

Báo Quảng NamBáo Quảng Nam04/04/2025

HINH 9
Giao thông đi lại khó khăn ảnh hưởng việc giảm nghèo của đồng bào vùng cao Phước Sơn. Trong ảnh: Một góc xã vùng cao Phước Lộc. Ảnh: HỒ QUÂN

Nỗ lực về đích

Năm 2025, hai huyện nghèo là Bắc Trà My và Phước Sơn đặt mục tiêu thoát khỏi huyện nghèo. Những năm qua, hai địa phương này đã nỗ lực đạt được các tiêu chí giảm nghèo đa chiều với hy vọng mang lại tính bền vững cho mỗi hộ nghèo đã thoát khỏi diện nghèo, hạn chế tái nghèo.

Đáng chú ý, Tiểu dự án 2 (thuộc Dự án 1) về triển khai Đề án hỗ trợ một số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025, đã phân bổ cho hai huyện này hơn 91,9 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn này, 2 huyện đã đầu tư 8 công trình giao thông liên xã trên địa bàn, với kinh phí thực hiện gần 77 tỷ đồng. Đồng thời thực hiện duy tu, bảo dưỡng 4 công trình giao thông dân sinh liên xã, với kinh phí hơn 14,9 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, huyện đã phát huy nguồn lực trong giai đoạn 2021- 2025 với tổng vốn hơn 1.511,5 tỷ đồng để đầu tư hỗ trợ hộ nghèo cả trực tiếp lẫn gián tiếp, góp phần tạo bước chuyển tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững.

Riêng tổng kế hoạch vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2024 là hơn 396,6 tỷ đồng, bao gồm vốn đầu tư gần 310 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 86,6 tỷ đồng. Đến nay, Bắc Trà My đã giải ngân hơn 228/396,6 tỷ đồng.

“Huyện đã tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế nhân rộng mô hình giảm nghèo và các chính sách dân tộc, giảm nghèo khác; tăng cường huy động các nguồn vốn từ xã hội hóa để hỗ trợ cho ngân sách nhà nước nhằm thực hiện các chương trình đạt hiệu quả cao. Đồng thời ưu tiên đầu tư cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo để giảm thiểu thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của các hộ dân, tăng khả năng tiếp cận với các nhu cầu xã hội” - ông Tuấn cho biết.

HINH 8
Đồng bào vùng cao dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đã tự giác vươn lên thoát nghèo. Trong ảnh: Đồng bào Co ở xã Trà Kót, Bắc Trà My thay thế cây keo bằng trồng cau xen ghép sắn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: HỒ QUÂN

Với tinh thần quyết liệt, linh hoạt, vào cuộc đồng bộ thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo Bắc Trà My giảm từ 50,44% vào năm 2021 xuống còn 26,68% vào cuối năm 2024.

Đáng chú ý, năm 2023, huyện giảm 9,34%, năm 2024 giảm 8,17%. Như vậy, theo Quyết định số 36 ngày 13/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, huyện Bắc Trà My đạt 23 điểm.

Với số điểm này, Bắc Trà My đã đủ điều kiện để lập hồ sơ, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định công nhận thoát khỏi tình trạng huyện nghèo. Đây là động lực để Bắc Trà My tiếp tục phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2025 xuống còn 18,65%, tức là giảm 7,35% so với năm 2024, tương đương với giảm 865 hộ nghèo.

Với Phước Sơn, mục tiêu cả giai đoạn 2021 - 2025 là giảm tỷ lệ nghèo đa chiều xuống còn dưới 22,06%; trong đó tỷ lệ hộ nghèo là 16,98%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 5,08%, qua đó thoát khỏi huyện nghèo.

Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, đáng mừng là cuối năm 2024, huyện còn 1.446 hộ, tương đương với tỷ lệ 20,47%. Như vậy, về tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo, Phước Sơn đã hoàn thành, nhưng để thoát nghèo bền vững, vẫn còn nhiều tiêu chí khác phải phấn đấu, nỗ lực, nhất là đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; tạo cơ hội để người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là về y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin.

Theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và Môi trường, bên cạnh việc đánh giá kết quả giảm nghèo, Bắc Trà My và Phước Sơn cần bảo đảm đến năm 2025 thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo tăng 1,8 lần so với năm 2020 để hoàn thành mục tiêu thoát huyện nghèo. Đồng thời hoàn thành hồ sơ đề nghị công nhận huyện thoát nghèo trước ngày 30/5 để UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ công nhận trước khi giải thể đơn vị hành chính cấp huyện.

Nền tảng cho hành trình mới

Với tổng nguồn lực huy động để thực hiện chuẩn nghèo đa chiều từ năm 2021 - 2024 là hơn 9.109 tỷ đồng, Quảng Nam đã có sự bứt phá trong giảm nghèo bền vững.

Gặp gỡ, lắng nghe nguyện vọng, tâm tư của người dân để hỗ trợ họ thoát nghèo được huyện Bắc Trà My thực hiện trong thời gian qua
Gặp gỡ, lắng nghe nguyện vọng, tâm tư của người dân để hỗ trợ họ thoát nghèo được huyện Bắc Trà My thực hiện trong thời gian qua. Trong ảnh: Cán bộ phụ trách giảm nghèo Bắc Trà My thăm hỏi hoạt động sản xuất lúa rẫy của đồng bào Ca Dong. Ảnh: LÊ DIỄM

Tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh cuối năm 2024 còn 6,35% (tương đương 28.227 hộ), giảm 1,12% so với năm 2023. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều là 4,56% (tương đương 20.272 hộ), giảm 1,01% so với năm 2023, tức đã đạt chỉ tiêu giảm bình quân 0,3 - 0,4% theo Quyết định 652 ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ giao; còn tỷ lệ hộ cận nghèo đa chiều là 1,79% (tương đương 7.955 hộ), giảm 0,11% so với năm 2023.

Đáng chú ý, 7 dự án Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững đã góp phần thúc đẩy phát kinh tế - xã hội trên địa bàn, nhất là cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Trong đó, các huyện nghèo đã đầu tư xây dựng mới và thanh toán khối lượng hoàn thành 168 công trình/dự án, gồm 74 công trình giao thông, 39 dự án giáo dục, 24 dự án thủy lợi, 10 dự án nước sinh hoạt, 3 dự án y tế, 5 dự án điện và 23 dự án liên quan đến công trình văn hóa, sắp xếp dân cư.

Cạnh đó, các sở, ngành, địa phương đã triển khai xây dựng 216 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, với 4.961 hộ dân tham gia; hỗ trợ 163 người lao động sinh sống ở huyện nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ 6 huyện nghèo để xây mới và sửa chữa cho 3.284 hộ nghèo, hộ cận nghèo…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho biết, hệ thống cơ chế chính sách và các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đến nay đã cơ bản đầy đủ, tương đối hoàn thiện, hầu hết khó khăn vướng mắc đã được tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương triển khai thực hiện.

Đáng mừng là người dân đã có ý thức chủ động nỗ lực vươn lên thoát nghèo, chủ động tổ chức các hoạt động sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tạo sinh kế, tạo thu nhập phù hợp với điều kiện thực tiễn từng gia đình, địa phương. Đây là tiền đề để tỉnh hoàn thành mục tiêu tiếp tục giảm 3.000 hộ nghèo, trong đó hộ nghèo cần giảm ở khu vực miền núi là 2.959 hộ.

Nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn 2026 - 2030 dự kiến hơn 2.613,8 tỷ đồng

Theo đề xuất của UBND tỉnh, tổng nguồn vốn thực hiện kế hoạch Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2026 - 2030 dự kiến hơn 2.613,8 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương hơn 2.276,3 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 337,5 tỷ đồng. Ngoài ra, địa phương sẽ tăng cường huy động các nguồn lực hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng để tạo thêm nguồn lực thực hiện kế hoạch có hiệu quả.

Riêng Dự án 5 về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, Quảng Nam đề xuất xem xét nâng mức hỗ trợ đối với hộ xây mới từ 60 triệu đồng/nhà lên 100 triệu đồng/nhà; hộ sửa chữa từ 30 triệu đồng/nhà lên 60 triệu đồng/nhà để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn đến. Trong đó, ngân sách và nguồn huy động hỗ trợ 50%, cho vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội 50%.

Đồng thời hỗ trợ những hộ đã thoát nghèo, thoát cận nghèo theo Quyết định số 24/2021 của Thủ tướng Chính Phủ, song vẫn nằm trong danh sách phê duyệt hỗ trợ nhà ở của cấp có thẩm quyền.

Qua đó, giúp những trường hợp này không thiếu hụt dịch vụ xã hội về nhà ở, đảm bảo thoát nghèo bền vững, đáp ứng chuẩn nghèo đa chiều và công bằng xã hội trong thực hiện chính sách xã hội, ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, vận động thoát nghèo của địa phương.

Nguồn: https://baoquangnam.vn/but-pha-giam-ngheo-ben-vung-bai-cuoi-dong-long-vi-cuoc-song-am-no-3152058.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những làng quê đáng sống
Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm