Khu vực trung tâm thị trấn Đình Cả (Võ Nhai) hiện nay. Ảnh: TL |
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy vừa đi theo tình hình chung của thế giới, vừa phù hợp với thực tiễn trong nước nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Tôi cho rằng tỉnh đã nghiên cứu rất kỹ để xây dựng và đưa ra Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thái Nguyên, giữa các xã, phường thực hiện sắp xếp đều có nhiều điểm tương đồng về kinh tế, văn hóa, phong tục tập quán. Bên cạnh đó, người dân làm việc với chính quyền cũng có sự gần gũi và gắn bó hơn. Tôi kỳ vọng chủ trương lớn này sẽ tạo động lực, không gian phát triển cho tỉnh mới sau sáp nhập, là tiền đề để Thái Nguyên cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đối với việc sắp xếp sáp nhập 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn là phù hợp từ yếu tố lịch sử, văn hóa, mở ra không gian và cơ hội phát triển kinh tế toàn diện. Trên cơ sở quy hoạch tỉnh đã có, tỉnh mới sau sáp nhập cần căn cứ vào lợi thế của từng vùng để đưa ra định hướng phát triển khoa học.
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy - chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đang được triển khai thực hiện bài bản, quyết liệt với mục tiêu xây dựng hệ thống chính trị gọn nhẹ, minh bạch, vững mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới. Đối với tỉnh Thái Nguyên, dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập sẽ giảm được gần 70% đơn vị hành chính cấp xã. Tôi kỳ vọng, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong toàn hệ thống chính trị lần này sẽ tránh lãng phí nguồn nhân lực, lựa chọn được nhiều cán bộ trẻ, có năng lực chuyên môn tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, địa phương sau khi sáp nhập. Bên cạnh đó, khi các xã được sáp nhập với quy mô rộng lớn hơn, tổ chức bộ máy sắp xếp tinh gọn, khoa học, đội ngũ cán bộ được lựa chọn kỹ càng theo các tiêu chí, chính quyền, cán bộ sẽ gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn nên chúng tôi rất tin tưởng và ủng hộ chủ trương này.
Trong lịch sử, hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên đã từng hợp nhất thành 1 tỉnh có tên Bắc Thái, năm 1997 chia tách thành hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Hai tỉnh có nhiều nét văn hóa tương đồng, đều có cộng đồng người Tày, Nùng chiếm tỷ lệ lớn, với nhiều phong tục, lễ hội và sinh hoạt văn hóa tương đồng. Hợp nhất hai tỉnh tạo lợi thế to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, tạo không gian và dư địa phát triển kinh tế - xã hội cho cả hai tỉnh: Tỉnh Thái Nguyên có thế mạnh về công nghiệp, giáo dục, đào tạo, tỉnh Bắc Kạn có lợi thế về tài nguyên rừng, khoáng sản, thủy điện, du lịch...
Về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện Võ Nhai sắp xếp từ 15 xã, thị trấn còn 7 xã. Về không gian, cấp xã sau sáp nhập có địa bàn rộng hơn, dân số đông hơn, bộ máy lãnh đạo, cán bộ được điều động từ huyện về xã sẽ có tư duy, tầm nhìn mới. Những yếu tố này giúp mở ra hướng phát triển mới, phát huy tối đa lợi thế của các địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân.
Để thực hiện hiệu quả phương án sắp xếp, trong thời gian tới, huyện sẽ tổ chức truyên truyền về nội dung này, tổ chức lấy ý kiến nhân dân, chuẩn bị các nội dung để họp HĐND cấp huyện, cấp xã thông qua đề án xây dựng chính quyền địa phương hai cấp. Đồng thời, huyện tiếp tục rà soát, thống kê số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cấp huyện, cấp xã để lên phương án sắp xếp khi tỉnh có yêu cầu.
Là một sinh viên, em đồng thuận với chủ trương sáp nhập bộ máy chính quyền vì đây là bước đi cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy, tiết kiệm nguồn lực và nâng cao hiệu quả quản lý, phục vụ người dân tốt hơn. Việc sáp nhập được thực hiện bài bản, minh bạch sẽ góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp và gần dân hơn.
Em kỳ vọng sau sáp nhập, bộ máy chính quyền sẽ hoạt động hiệu quả, giảm tình trạng chồng chéo, phân tán nguồn lực. Đồng thời, em mong muốn đội ngũ cán bộ công chức sau sáp nhập sẽ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao hơn, năng động, gần gũi và giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện hơn cho người dân và sinh viên.
Tôi nhận thức được rằng việc sắp xếp lại đơn vị hành chính là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, từ đó tạo thêm không gian để phát triển kinh tế - xã hội, giảm chi thường xuyên và có thêm nguồn lực đầu tư. Sau khi sắp xếp, tôi mong muốn dù với số lượng con người ít hơn nhưng bộ máy hoạt động hiệu quả hơn, đặc biệt là giải quyết các thủ tục hành chính nhanh, đáp ứng nhu cầu của người dân tốt hơn nữa.
Chúng tôi rất phấn khởi, đồng thuận cao với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính của tỉnh và mong muốn đưa vào thực hiện càng sớm càng tốt. Việc sắp xếp đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền 2 cấp còn giúp tinh gọn bộ máy, giảm cấp trung gian, việc giải quyết các thủ tục hành chính chắc chắn sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Ban đầu, việc sắp xếp sẽ có những khó khăn nhất định, song với thời buổi công nghệ như hiện nay, cùng với hệ thống giao thông đồng bộ, thuận lợi thì việc mở rộng không gian sẽ không phải là trở ngại lớn.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/tin-moi/202504/cac-tang-lop-nhan-dan-dat-nhieu-ky-vong-vao-quyet-sach-lon-7e632d3/
Bình luận (0)