Tăng cường năng lực số
Một trong những yêu cầu mới đây của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đối với ngành giáo dục nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm 80 năm ngày Bác Hồ gửi thư lần đầu cho ngành Giáo dục, là thầy và trò cùng tiếp tục thấm nhuần sâu sắc và vận dụng hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục; tư tưởng, triết lý, tinh thần giáo dục, tinh thần học tập và tự học, học tập suốt đời.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò của tự học, học tập thường xuyên, học tập suốt đời, học mọi nơi mọi lúc, học của mọi người là phương cách để phát triển con người, để con người luôn thích ứng, đáp ứng các yêu cầu của công việc và yêu cầu của thời đại.
Chúng ta đang sống trong thời đại mà tri thức, kiến thức, hiểu biết sẽ giúp con người phát huy cao độ tiềm năng để tận dụng tốt các cơ hội, ứng phó hiệu quả với những thách thức để phát triển bền vững; cũng là thời đại mà khối lượng kiến thức của nhân loại tăng lên hằng ngày theo cấp số nhân”.
Trích bài viết “Học tập suốt đời” của Tổng Bí thư Tô Lâm
Bộ trưởng đề nghị ngành giáo dục cả nước thực hiện và phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc xây dựng xã hội học tập và việc học tập suốt đời, thúc đẩy tinh thần tự học, như phát biểu chỉ đạo của Tổng bí thư Tô Lâm "học tập suốt đời để dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung để trở thành người có ích cho xã hội".
Để thực hiện được tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, ngành Giáo dục cần tăng cường giáo dục rèn luyện năng lực tự học, kỹ năng học tập không ngừng, học tập số, ứng dụng số, nâng cao năng lực số, năng lực đổi mới sáng tạo cho người học, tạo ra lớp người mới biết thích ứng với các thách thức của thời đại.
Học thật, học có ích, học phù hợp
Trước yêu cầu chuyển đổi số trong nhà trường, Chủ tịch hội đồng trường Trường THPT Ngô Quyền (Hà Nội) Đồng Xuân Hưng cho biết, việc triển khai trên thực tế gặp không ít khó khăn, không đồng đều về điều kiện tiếp cận giữa các cơ sở giáo dục.
Đơn cử, tại trường THPT Ngô Quyền, phần lớn học sinh đến từ các gia đình có điều kiện kinh tế khá, có thiết bị học tập kết nối internet ổn định và được tiếp cận công nghệ nên việc triển khai các mô hình học tập trực tuyến, lớp học thông minh và ứng dụng công nghệ được tiến hành thuận lợi.
Ngược lại, tại trường Trung cấp Ngô Quyền, học sinh chủ yếu đến từ các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn như Sơn Tây, Ba Vì, Phú Thọ…, nhiều em thiếu điện thoại thông minh, không có máy tính cá nhân, khiến việc triển khai chuyển đổi số gặp nhiều trở ngại.
Trước thực tế đó, trường Trung cấp Ngô Quyền đã chọn hướng chuyển đổi số thích ứng và chọn lọc. Theo đó, nhà trường ứng dụng công nghệ ở mức vừa phải, tập trung vào học liệu số hóa nội bộ, video mô phỏng nghề.
Nhà trường cũng ưu tiên dạy trực tiếp kết hợp mô hình xưởng thực hành để đảm bảo không gây "sốc công nghệ" cho học sinh.
Cũng theo ông Đồng Xuân Hưng, nhà trường đã tổ chức các buổi hướng dẫn kỹ năng số cho học sinh đầu khóa, đặc biệt là kỹ năng tra cứu sử dụng phần mềm quản lý học tập đơn giản. Đồng thời, nhà trường vận động nguồn lực xã hội để tài trợ thiết bị học tập cho học sinh khó khăn.
"Có thể thấy những nỗ lực này thể hiện đúng tinh thần giáo dục nhân văn, phù hợp hoàn cảnh, chuyển đổi số có trọng tâm, có lộ trình, không chạy theo phong trào mà đặt hiệu quả thực chất làm trung tâm. Điều này đồng thời chứng tỏ sự cụ thể hóa sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh "cái cần thiết là học thật, học có ích, học phù hợp với điều kiện của dân ta", ông Hưng nhấn mạnh.
Bên cạnh việc triển khai tăng cường năng lực số cho học sinh, sinh viên trong trường học, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhấn mạnh, để biết một cá nhân hay một tổ chức, một nhà trường có năng lực số ở mức độ nào cần phải có khung năng lực số.
Theo đó, ngành giáo dục cần xây dựng khung năng lực số cho từng cấp, bậc học và mỗi nhà trường cụ thể hóa cho phù hợp với điều kiện của mình. Được biết, Đà Nẵng hiện là thành phố đầu tiên ban hành khung năng lực số cho công dân trên địa bàn thành phố.
Đây có thể là điểm tham chiếu tốt cho ngành giáo dục và các địa phương ban hành khung năng lực số phù hợp với điều kiện của mình để thực hiện tốt hơn nữa yêu cầu nâng cao năng lực số, học tập số.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/cac-truong-hoc-ke-thua-tinh-than-hoc-tap-suot-doi-cua-bac-20250522152138992.htm
Bình luận (0)