Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, được triển khai với kỳ vọng không chỉ để hỗ trợ phụ nữ, trẻ em mà còn gieo trồng những hạt giống của bình đẳng và phát triển bền vững trên những vùng đất còn nhiều khó khăn.
Triển khai từ năm 2021-2025 tại các xã nghèo miền núi tại tỉnh Bình Định, dự án 8 đã để lại những dấu ấn đậm nét - đó là sự thay đổi trong cách nghĩ, cách sống của những phụ nữ dân tộc thiểu số ít bước chân ra khỏi bản làng.
Hội LHPN tỉnh Bình Định tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024
Theo Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Định Phùng Thị Ngọc Tuyết, một trong những tác động đáng kể nhất mà Dự án 8 mang lại chính là việc thay đổi tư duy, "nếp nghĩ" cố hữu về vai trò, vị trí của người phụ nữ trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Không còn bị bó buộc trong những khuôn mẫu định kiến giới, nhiều phụ nữ đã mạnh dạn tham gia các lớp tập huấn, các câu lạc bộ, tổ truyền thông cộng đồng - nơi họ được lắng nghe, chia sẻ và khơi dậy nội lực.
Tính đến nay, Bình Định đã thành lập 120 Tổ truyền thông cộng đồng, vượt 13% so với chỉ tiêu, với sự tham gia của 1.337 thành viên là những người có uy tin và có năng lực truyền thông tại các thôn thực hiện dự án, trong đó có 818 nam giới - minh chứng rõ nét cho sự thay đổi trong nhận thức cộng đồng.
Những buổi truyền thông sân khấu hóa với hơn 24.100 lượt người tham gia, các hội thi về bình đẳng giới, chống bạo lực gia đình, và hàng loạt lớp tập huấn kỹ năng truyền thông, vận hành mô hình… đã thực sự lan tỏa thông điệp nhân văn và khơi dậy tinh thần trách nhiệm trong cộng đồng.
Sản phẩm nông sản của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Hoài Ân
Không chỉ dừng lại ở tuyên truyền, Dự án 8 được các cấp Hội tỉnh Bình Định triển khai còn đi sâu vào trao quyền và nâng cao năng lực kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Các mô hình sinh kế nhỏ, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ được hình thành, thúc đẩy sự tự tin, chủ động về tài chính. Hơn 1.000 phụ nữ đã được tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Đặc biệt, các phiên chợ xanh, phiên chợ kết nối sản phẩm địa phương do các cấp Hội tổ chức tại 5 huyện dự án đã mở ra không gian giao thương và quảng bá văn hóa đặc sắc của từng dân tộc như Ba Na, Hrê, Chăm H'Roi - nơi phụ nữ không chỉ bán hàng mà còn tự hào giới thiệu bản sắc văn hóa của mình.
Bên cạnh đó, Dự án 8 do các cấp Hội tỉnh Bình Định triển khai còn tạo ra diễn đàn để phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số cất lên tiếng nói, góp phần phản biện và giám sát chính sách tại địa phương. Đã có 49 cuộc đối thoại chính sách được tổ chức, tạo cơ hội để người dân trực tiếp bày tỏ nguyện vọng, hiến kế cho chính quyền. Trong đó, phụ nữ và trẻ em không chỉ là người nghe mà còn là chủ thể tích cực - điều hiếm thấy trước đây ở những cộng đồng vốn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng trọng nam, khinh nữ.
Cũng từ Dự án này, 22 Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" đã ra đời, thu hút hơn 700 thành viên là học sinh, thanh thiếu niên dân tộc thiểu số - thế hệ tương lai của bản làng. Không chỉ sinh hoạt văn hóa, các em còn tham gia vào các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực học đường, từ đó hình thành tư duy công bằng, nhân văn ngay từ trong ghế nhà trường. Những tiểu phẩm "Em cũng muốn được đến trường", "Học cái chữ vui quá" đã khơi dậy khát vọng học tập và quyền được sống một cách xứng đáng của trẻ em gái vùng cao.
Sự thay đổi mạnh mẽ này còn được tiếp sức từ việc trang bị kiến thức, kỹ năng lồng ghép giới cho hơn 2.000 lượt cán bộ địa phương, già làng, trưởng bản, giúp chính quyền các cấp nhận diện và xử lý tốt hơn các vấn đề giới trong hoạch định và thực thi chính sách.
Với sự nỗ lực của các cấp Hội tỉnh Bình Định trong triển khai thực hiện dự án 8, những phụ nữ dân tộc thiểu số ở Vân Canh An Lão, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân… đã trở thành hạt nhân lan tỏa bình đẳng, tiến bộ và phát triển cộng đồng.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/khoi-day-khat-vong-hoc-tap-va-quyen-duoc-song-mot-cach-xung-dang-cua-tre-em-gai-vung-cao-20250523124947327.htm
Bình luận (0)