Thị trường thực phẩm chức năng và sản phẩm dinh dưỡng tại Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng, song đi kèm với đó là những rủi ro nếu không có hệ thống giám sát hiệu quả. Vụ án sữa giả trị giá hàng trăm tỷ đồng vừa được Bộ Công an triệt phá không chỉ là phát hiện một vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn là lời cảnh báo về công tác quản lý và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan quản lý.
Khó kiểm soát đồng bộ
Vụ án đường dây sản xuất sữa giả quy mô lớn với doanh thu gần 500 tỷ đồng do Bộ Công an triệt phá gần đây liên quan đến hai công ty: Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma (Hà Nội) và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group (Hà Nội), đã làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng về công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng thực phẩm chức năng và sản phẩm dinh dưỡng.
Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ "Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm" quy định, thẩm quyền quản lý nhà nước đối với các sản phẩm sữa được phân định rõ theo từng nhóm sản phẩm và cơ quan chuyên ngành. Theo đó, Bộ Công Thương có trách nhiệm quản lý đối với nhóm sản phẩm sữa chế biến thông thường.
Trong khi đó, nhóm sản phẩm sữa bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng hay dược phẩm có thành phần dinh dưỡng đặc biệt hiện nay do Bộ Y tế quản lý. Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, việc thành lập và đăng ký hoạt động của doanh nghiệp do sở kế hoạch và đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp; Bộ Công Thương không có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp và chỉ có thể tiến hành kiểm tra đối với các doanh nghiệp này khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
“Đối với Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group và Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma, do đây là các doanh nghiệp không thuộc thẩm quyền quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương. Theo quy định của pháp luật hiện hành, Bộ Công Thương không được thực hiện thanh tra chuyên ngành, kiểm tra định kỳ hay hậu kiểm đối với hoạt động sản xuất và cung ứng sữa của hai doanh nghiệp này”, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thông tin.
Yêu cầu cấp bách về hoàn thiện pháp lý
Trong khi thị trường thực phẩm chức năng và sản phẩm dinh dưỡng ngày càng mở rộng, việc siết chặt quản lý, nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành là điều không thể chậm trễ hơn nữa.
Chỉ ra chiêu trò chủ yếu khiến một số doanh nghiệp có nhiều dòng sản phẩm thực phẩm chức năng, sản phẩm dinh dưỡng phân phối trên diện rộng nhưng không bị phát hiện sai phạm trong thời gian dài, các ý kiến cho rằng, thủ đoạn tinh vi của doanh nghiệp vi phạm là thực hiện các thủ tục, giấy tờ kinh doanh đầy đủ, đúng quy định pháp luật hiện hành để che đậy các vi phạm của sản phẩm mà chỉ có thể phát hiện khi đem đi kiểm nghiệm. Sản phẩm chưa có phản ánh vi phạm từ người tiêu dùng.
Cùng với đó, các doanh nghiệp này chọn kinh doanh sản phẩm không phân phối thông qua hệ thống siêu thị, đại lý chính thức hoặc chuỗi bán lẻ có kiểm soát, mà chủ yếu được tiêu thụ bằng hình thức tiếp thị và trực tiếp bán tới tay người tiêu dùng thông qua việc trà trộn, trá hình vào các hội thảo chuyên ngành, các bệnh viện, phòng khám. Đáng lưu ý, các doanh nghiệp còn thuê một số người nổi tiếng, diễn viên điện ảnh, người mẫu có sức ảnh hưởng đến xã hội, cộng đồng mạng để quảng cáo và bán trực tiếp tới tay người tiêu dùng qua các kênh quảng cáo trên mạng xã hội như YouTube, Facebook, Zalo... để né tránh, gây khó khăn cho công tác giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Theo ông Trần Hữu Linh, để tăng cường quản lý thị trường sữa, trong thời gian tới, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước sẽ chỉ đạo sát sao các chi cục quản lý thị trường tại địa phương, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động lưu thông, phân phối các sản phẩm sữa, đặc biệt tại các kênh bán hàng nhỏ lẻ, đại lý không chính thức, sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng.
Song song với công tác kiểm tra thực địa, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước sẽ tiếp tục thu thập phản ánh từ người tiêu dùng, đồng thời phối hợp liên ngành với ngành y tế (đối với chất lượng, tiêu chuẩn và an toàn thực phẩm) và ngành nông nghiệp (đối với sữa nguyên liệu và sản phẩm nông nghiệp) để thiết lập giải pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng sữa giả, sữa không bảo đảm chất lượng lưu thông trên thị trường.
Thông qua quá trình này, Bộ Công Thương sẽ tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện công tác quản lý lưu thông hàng hóa đối với mặt hàng sữa, tập trung vào việc nhận diện các lỗ hổng sau khâu phân phối, từ đó đề xuất hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành, tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả trong kiểm tra, xử lý các hành vi gian lận thương mại, quảng cáo sai sự thật và vi phạm an toàn thực phẩm.
Nguồn: https://baolangson.vn/can-hanh-lang-phap-ly-manh-hon-cho-san-pham-dinh-duong-5045884.html
Bình luận (0)