Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cảnh sát dùng những môn võ nào để trấn áp tội phạm?

Không chỉ đề cao tính thực chiến, võ thuật được cảnh sát sử dụng còn phải đáp ứng cả tiêu chí về khả năng khống chế, giảm thiểu thương vong, tốc độ...

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ16/07/2025

cảnh sát - Ảnh 1.

Các đòn bẻ, khóa, siết của BJJ luôn được coi trọng trong võ cảnh sát - Anh: LD

Theo LEDIT (nhóm các chuyên gia quốc phòng và đào tạo cảnh sát quốc tế - Law Enforcement Defensive Instructional Tactics), võ thuật dành cho cảnh sát phải đáp ứng 3 tiêu chí sau:

- Khả năng kiểm soát đối tượng mà không gây thương tích quá mức; 

- Tính thực chiến, dễ áp dụng trong điều kiện căng thẳng;

- Phù hợp với quy định pháp luật về mức độ vũ lực được phép sử dụng. 

LEDIT tiến hành khảo sát trên hơn 20 quốc gia cho thấy đa số lực lượng cảnh sát đều kết hợp nhiều môn võ, từ truyền thống đến hiện đại, để xây dựng chương trình huấn luyện riêng. Tuy vậy, một số cái tên vẫn nổi lên như lựa chọn phổ biến và hiệu quả nhất.

Cảnh sát dùng những môn võ nào để trấn áp tội phạm? - Ảnh 2.

Krav maga của Israel được đánh giá rất cao - Ảnh: KR

Brazilian Jiu-Jitsu (BJJ), sự áp đảo của số liệu

Brazilian Jiu-Jitsu (BJJ), hay nhu thuật Brazil, là một biến thể hiện đại của jiu-jitsu, chú trọng kỹ năng khóa, siết, vật lộn trên mặt đất để kiểm soát đối phương mà không cần sử dụng đòn đánh mạnh. 

Môn võ này ngày càng được cảnh sát ở Mỹ, Canada, Brazil và nhiều nước châu Âu sử dụng trong huấn luyện chính thức.

Sự hiệu quả của BJJ không chỉ là cảm nhận chủ quan mà đã được chứng minh bằng số liệu cụ thể. Theo cuộc khảo sát của bang Georgia (Mỹ) vào năm 2015, sau khi triển khai chương trình đào tạo BJJ cho sĩ quan đã cho thấy những kết quả sau:

- Tỉ lệ sử dụng súng điện (taser) giảm từ 77% xuống còn 54%.

- Tỉ lệ nghi phạm bị thương nghiêm trọng giảm từ 65% xuống 31%.

- Số vụ cảnh sát bị thương trong quá trình khống chế giảm 48%.

- Tổng số lần sử dụng vũ lực giảm 59%.

Sự sụt giảm đồng loạt và đáng kể trong các chỉ số này cho thấy rõ ràng: một môn võ nếu được lựa chọn đúng, đào tạo bài bản, có thể giúp giảm cả vũ lực lẫn thương vong mà vẫn bảo đảm hiệu quả thi hành công vụ.

Krav Maga, sambo, jiu-jitsu

Dù không phổ biến như BJJ trong khía cạnh số liệu, nhưng các môn như krav maga (Israel), sambo (Nga) và jiu-jitsu (Nhật Bản) vẫn rất phổ biến trong chương trình huấn luyện cảnh sát của các nước. 

Krav Maga được phát triển bởi quân đội Israel, nổi tiếng với lối đánh nhanh, mạnh, thực dụng, chuyên xử lý tình huống bất ngờ và nguy hiểm - như bị kề dao, uy hiếp bằng súng hay nhiều đối tượng vây đánh. 

Trong môi trường cảnh sát, krav maga thường được tinh chỉnh để tránh gây sát thương vượt mức cần thiết. Đây còn là môn võ cực kỳ phổ biến trong quân đội nhiều quốc gia. 

cảnh sát - Ảnh 3.

Các loại võ vật nói chung mang tính khống chế cao - Ảnh: PA

Sambo, môn võ quân sự của Nga, là sự kết hợp của vật và các kỹ thuật khóa, bẻ, đánh quật nhằm nhanh chóng khống chế đối tượng. Sambo được áp dụng cho cả cảnh sát và lực lượng đặc nhiệm tại Nga và nhiều nước Đông Âu.

Jiu-jitsu và các biến thể như German jiu-jitsu (Đức), taiho-jutsu (Nhật) tập trung vào kỹ năng bắt giữ, khóa tay và kiểm soát đối phương, rất phù hợp với mô hình cảnh sát tuần tra thường nhật.

Một số quốc gia tiêu biểu và môn võ đặc trưng

Tại Nhật Bản, lực lượng cảnh sát được huấn luyện với taiho-jutsu - hệ thống kết hợp judo, kendo và kỹ thuật bắt giữ bằng gậy. 

Hàn Quốc sử dụng judo, taekwondo và kuk sool won - một môn võ tổng hợp truyền thống kết hợp đòn đánh, khóa, khí công và vũ khí. Đức phát triển German jiu-jitsu, còn Nga chú trọng Sambo và Kūdō - võ tổng hợp thực chiến kết hợp đánh đứng và vật.

cảnh sát - Ảnh 4.

Kuk sool won truyền bá ra khỏi biên giới Hàn Quốc - Ảnh: WK

Iran từng tiếp nhận kuk sool won từ Hàn Quốc qua các chương trình hợp tác huấn luyện. Dù là một quốc gia Hồi giáo với truyền thống văn hóa riêng biệt, võ thuật Iran lại vô cùng cởi mở, liên tục tiếp nhận tinh hoa từ các nước khác. 

Dù xuất phát từ nhiều nền tảng và kỹ thuật khác nhau, điểm chung của các môn võ trong huấn luyện cảnh sát là tập trung vào kiểm soát, khống chế và giảm leo thang bạo lực. 

Những môn võ có sức sát thương cao như boxing, muay Thái, karate vì vậy lại không được ưa chuộng. 

Tiến sĩ Jarem Sawatsky, chuyên gia về giải quyết xung đột, từng nhận định: "Vũ lực của cảnh sát không nên dựa trên sự áp đảo, mà phải dựa trên khả năng làm chủ tình huống. Một sĩ quan sử dụng võ thuật không phải để đánh thắng, mà để tránh xung đột leo thang không cần thiết.

Võ cảnh sát vì vậy luôn thiên về việc kiểm soát tình huống, trong thời gian ngắn nhất phải chế ngự, hoặc ít nhất là cầm chân được đối phương".

HUY ĐĂNG

Nguồn: https://tuoitre.vn/canh-sat-dung-nhung-mon-vo-nao-de-tran-ap-toi-pham-20250715185129898.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm