Trong cơ sở sản xuất Thạch đen ở thôn Tục Ngã, xã Đức Xuân (Thạch An, Cao Bằng), chị Nguyễn Thị Thu Hường và hàng chục công nhân đang tất bật với việc sản xuất Thạch đen và đóng gói hàng gửi cho khách đặt mua qua kênh online ở nhiều tỉnh, thành. Cơ sở này đã đi vào hoạt động được gần chục năm, tạo công ăn việc làm cho hàng chục người lao động, đồng thời mỗi năm tiêu thụ hàng chục tấn nguyên liệu làm Thạch đen ở địa phương.
Để có thể duy trì phát triển cơ sở này, hàng ngày chị Hường thường xuyên phải làm việc cập nhật thông tin trực tuyến, vừa bán hàng online cho khách, vừa tìm kiếm khai thác các thông tin thị trường, thông tin hội chợ, để từ đó đưa hàng hóa của mình đến với khách hàng và các thị trường mới.
Chia sẻ với phóng viên Báo PNVN, chị Hường cho biết: "Làm nghề Thạch đen hiện nay, quan trọng là mình phải làm hàng chuẩn về chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cùng với đó là phải tiếp cận các thông tin thị trường, thông tin khách hàng để có thể đưa sản phẩm ra thị trường. Ngày nào tôi cũng phải cập nhật thông tin, vừa đưa thông tin quảng bá sản phẩm của mình lên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, đồng thời khai thác thông tin liên quan đến thị trường, như các hệ thống siêu thị mới mở, các chương trình hội chợ quảng bá sản phẩm…, để từ đó đưa sản phẩm đến với khách hàng. Nếu như không liên tục cập nhật thông tin thì sẽ rất khó phát triển, do vậy để duy trì sản xuất thì tôi cho rằng thông tin vẫn là quan trọng nhất”.
Thạch đen ở huyện Thạch An, Cao Bằng, nổi tiếng trên thị trường
Cũng nhờ việc liên tục cập nhật thông tin, khai thác thị trường và khách hàng, cho đến nay, sản phẩm của cơ sở sản xuất Thạch đen của chị Nguyễn Thị Thu Hường đã có mặt ở nhiều địa phương, nhiều tỉnh/thành trên cả nước. Đặc biệt, một số siêu thị lớn ở Hà Nội, Hải Phòng đã nhập Thạch đen của chị Hường rất đều đặn. Nhờ những nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, đến ngày 20/2/2023, sản phẩm Thạch đen thương phẩm của chị được UBND tỉnh Cao Bằng cấp chứng nhận OCOP, đạt hạng sản phẩm 3 sao.
Kể từ đây, cơ sở sản xuất của chị Hường bước sang một trang mới, đơn hàng nhiều hơn, sản lượng sản xuất cũng nhiều hơn. Về chất lượng, chị Hường cũng coi trọng hơn, để đảm bảo những sản phẩm cung cấp đến tay người tiêu dùng luôn đạt chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Minh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cao Bằng, cho biết: Hàng năm, Hội LHPN tỉnh tích cực hỗ trợ tuyên truyền quảng bá các sản phẩm Thạch đen của chị Hường và của nhiều cơ sở sản xuất khác trên địa bàn huyện, nhờ đó mà thương hiệu Thạch đen huyện Thạch An ngày càng được nhiều khách hàng biết tới. Đặc biệt, thông qua các chương trình hội chợ quảng bá sản phẩm nông sản trong vào ngoài tỉnh được tổ chức hàng năm, các cấp Hội LHPN ở Cao Bằng thường xuyên cung cấp thông tin tới các hộ gia đình sản xuất Thạch đen để từ đó họ nắm bắt được và chuẩn bị hàng hóa tham gia kịp thời.
Cơ sở sản xuất Thạch đen của gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hường ở thôn Tục Ngã, xã Đức Xuân (Thạch An, Cao Bằng)
Bà Nguyễn Thu Quế, chủ cửa hàng tiện ích ở phường Bạch Đằng (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), cho hay: “Tôi biết đến sản phẩm Thạch đen của nhà cô Hường nói riêng và của huyện Thạch An nói chung là thông qua hội chợ, từ quầy hàng của Hội LHPN tỉnh Cao Bằng tổ chức. Tôi thấy sản phẩm của họ đều có chất lượng tốt, được người tiêu dùng đánh giá cao. Từ đó, cửa hàng của tôi thường xuyên nhập hàng về bán. Việc giao dịch cũng rất thuận lợi, tất cả đều thông qua zalo, mua bán số lượng bao nhiêu, giá cả như thế nào, chốt đơn với nhau thì họ gửi hàng xuống tận nơi cho mình, sau đó mình thanh toán qua chuyển khoản, nói chung là nhờ có sự phát triển của thông tin nên mọi thứ thuận lợi hơn trước nhiều”.
Huyện Thạch An là vùng chuyên canh cây thạch đen (còn có tên gọi là cây Sương sáo hoặc Thủy cầm) rất lớn, mỗi năm có sản lượng lên tới cả nghìn tấn. Những cơ sở như của gia đình chị Hường, mỗi năm cũng góp phần tiêu thụ một sản lượng đáng kể cây nguyên liệu Thạch đen cho bà con nông dân ở địa phương. Nhờ đó, chị Hường không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình mình mà còn góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/cao-bang-tich-cuc-tim-kenh-tieu-thu-cho-san-pham-thach-den-truyen-thong-20250406164133557.htm
Bình luận (0)